Công Thương Đắk Lắk một năm nhìn lại

Thứ tư - 09/01/2019 21:09
Năm 2018 đã  đi qua, đánh dấu một năm đầy nỗ lực vượt khó của ngành Công Thương Đắk Lắk. Ngành vẫn tiếp tục gặt hái được những thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Công Thương Đắk Lắk một năm nhìn lại

 Là một trong những ngành mũi nhọn giàu tiềm năng, có thể tăng trưởng với tốc độ cao, được kỳ vọng gánh vác trọng trách tạo bước đột phá, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh, nên được các cấp Ủy Đảng, Chính quyền đặc biệt quan tâm phát triển.
Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, kế hoạch 5 năm, để thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, ngành Công Thương đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển cho ngành công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Nhiều dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động và hoạt động ổn định cho giá trị sản xuất rất lớn, đặc biệt là các nhà máy thủy điện. Các dự án được đầu tư khá nhiều đảm bảo năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời cũng chứng tỏ năng lực sản xuất đang được tăng thêm rõ rệt. Công tác khuyến công đang phát huy hiệu quả, nhiều dự án mới được đăng ký đầu tư với chất lượng cao, góp phần đảm bảo phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Quản lý, hoạt động của các CCN đang được củng cố, phát triển. An toàn vệ sinh thực phẩm, điện, hồ đập thủy điện, vật liệu nổ công nghiệp... được đảm bảo, góp phần ổn định sản xuất, tiêu dùng tạo nên thành công của ngành. Thị trường được kiểm soát bình ổn, các chương trình xúc tiến thương mại đã thúc đẩy kết nối giao thương, ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại và tiêu dùng mạnh mẽ. Xuất, nhập khẩu hàng hóa được quan tâm chú trọng, các mặt hàng xuất khẩu đang được đa dạng, củng cố về chất và số lượng, hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh đáp ứng nhu cầu đầu tư và tiêu dùng.
Cụ thể những kết quả đạt được trong năm 2018:
1. Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp:
- Giá trị sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (giá SS 2010) đạt 15.058 tỷ đồng, tăng 7,87% so với năm 2017 và vượt kế hoạch đề ra 0,39%.
- Tình hình hoạt động, đầu tư sản xuất sản phẩm CN chủ yếu:
Trong năm 2018, nhìn chung tình hình sản xuất của các nhà máy khá ổn định, các sản phẩm chế biến nông sản có sản lượng khá cao. Một số dự án được đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2017 đi vào hoạt động ổn định như: 03 dự án chế biến tinh bột sắn (công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm); dự án sản xuất bia lon 35 triệu lít/năm; Dự án nâng công suất Nhà máy đường 333; Dự án Nhà máy đường Ea Súp Đắk Lắk công suất 3.000 tấn mía cây/ngày…, tạo đà tăng giá trị sản phẩm trong năm 2018; Các nhà máy thủy điện hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
  Tình hình đầu tư các dự án điện: một số dự án đã triển khai đầu tư trong năm 2018 như dự án nhà máy điện mặt trời sêrêpốk 1 của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Đại Hải, công suất 50 MWp; Dự án nhà máy điện mặt trời Long Thành 1 tại huyện Ea Súp, công suất 50 MWp; nhà máy điện mặt trời Quang Minh tại huyện Buôn Đôn, công suất 50 MWp; nhà máy điện mặt trời Jang Pông tại huyện Buôn Đôn, công suất 30 MWp hoàn thành giai đoạn một là 10 MWp; trang trại điện mặt trời BMT tại huyện Krông Pắk, công suất 30 MWp; Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên, giai đoạn 1 tại xã DliêYang, huyện Ea H’Leo, công suất 28,8MW. Các dự án sản xuất gạch không nung, sản xuất chế biến nông sản… tại các cụm công nghiệp đã được đầu tư.
- Tình hình đầu tư và hoạt động các CCN:
Tình hình Đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp: Trong 08 CCN đang hoạt động có 03 CCN có Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 08 CCN đang hoạt động ước tính hơn 1.266 tỷ đồng. Đến nay, qua tổng hợp tại các CCN đang hoạt động đã đầu tư được khoảng: 292,3 tỷ đồng. Năm 2018 đã có 142 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 CCN đang vừa đầu tư cơ sở hạ tầng vừa hoạt động, với tổng diện tích đất là 235,25 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 191,8 ha, tỷ lệ lấp đầy 61,9 % diện tích (191,8ha/309,5ha), với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 4.336 tỷ đồng.
Trong đó: Có 90 dự án (DA) đang hoạt động với diện tích thuê đất 144 ha; có 14 DA đang xây dựng với diện tích thuê đất 27.89 ha; có 5 dự án tạm ngừng hoạt động với diện tích 5.97 ha; có 04 dự án ngừng hoạt động với diện tích 11,04 ha; 03 dự án ngưng đầu tư xây dựng với diện tích 3,15 ha; có 17 dự án đang làm thủ tục đầu tư với diện tích 25,57 ha và 9 dự án đăng ký đầu tư với tiện tích đất là 17,86 ha.
Vì những lý do khác nhau, nên tại các CCN có những dự án đã đầu tư xây dựng xong nhưng đã ngừng họat động; một số dự án xây dựng dở dang kéo dài do khó khăn về vốn, dự án đăng ký đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa hoàn thành đi vào sản xuất, Sở Công Thương đã tiến hành tổng hợp, phân loại tham mưu UBND tỉnh xử lý.  

244

 2. Kết quả hoạt động thương mại:
 - Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước thực hiện  năm 2018 đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 7,55% so với năm 2017, đạt 102,9% kế hoạch năm. Do chỉ số giá tiêu dùng tăng, đồng thời giá cà phê ổn định khá ở những tháng cuối năm nên nhu cầu của người dân tăng, ngoài ra trong năm có nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy các thành phần kinh tế kinh doanh, tạo sự tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa tăng mạnh.
Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 tương đối ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng, sốt giá. Nguyên nhân là do các siêu thị thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu với lượng dự trữ đầy đủ, bảo đảm sự chi phối, dẫn dắt và định hướng giá thị trường ổn định.
- Tình hình xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 4,35% so với năm 2017, đạt 100% kế hoạch năm.
Cà phê nhân xuất khẩu 220.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm, tăng 18,5% về lượng nhưng giảm 0,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 do giá cà phê liên tục giảm từ những tháng cuối năm 2017, trong năm 2018 có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Cà phê hòa tan xuất khẩu 6.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm, tăng 44,9% về lượng và tăng 34,85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Hạt tiêu xuất khẩu 5.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm, giảm 5,76% về lượng và giảm 43,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 do giá tiêu vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái (hiện nay ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg).
Hạt điều xuất khẩu 520 tấn đạt 100% kế hoạch năm, tăng 23,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2017, năm nay dù giá hạt điều tăng nhưng do mất mùa vì ảnh hưởng thời tiết nên số lượng xuất khẩu hạt điều giảm so với cùng kỳ.
Sản phẩm ong xuất khẩu 9.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm, giảm 6,57% về lượng so với cùng kỳ năm 2017.
Sản phẩm sắn xuất khẩu 120.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm, tăng 40% về lượng so với cùng kỳ 2017.
Cao su xuất khẩu 7.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm, tăng 58,37% so với cùng kỳ năm 2017.
So với cùng kỳ năm 2017, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu như cà phê nhân, cà phê hòa tan, sản phẩm sắn, cao su đều tăng cả về lượng và giá trị; sản phẩm ong giảm và hạt tiêu giảm cả về lượng và giá trị. Theo dự báo của USDA, năm 2019 sản lượng cà phê Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục do thời tiết thuận lợi, mang đến vụ sản xuất bội thu kéo theo lượng xuất khẩu tăng nên hiệu ứng tất yếu là giá sẽ giảm.
          - Tình hình nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước thực hiện 81 triệu USD,  đạt 213% kế hoạch và tăng 113% so với năm 2017, do trong năm nay Dự án trang trại phong điện Tây Nguyên của Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE nhập khẩu thiết bị máy móc để hoàn thiện dự án nên đã góp phần làm kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất và phân bón.

h nh 4 1

3. Công tác quản lý Nhà nước:
- Công tác quản lý quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển ngành:
Trong năm 2018 đã triển khai hoàn thành Kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2018 để làm tiền đề cho việc quản lý, đầu tư và xúc tiến đầu tư các dự án phát triển ngành trong những năm tới.
Quy hoạch đã được phê duyệt: Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, làm cơ sở trong việc kêu gọi thu hút đầu tư của ngành.
Quy hoạch, đề án đang trình phê duyệt: Quy hoạch năng lượng sinh khối tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 có xét đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đây được coi là hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành mũi nhọn, tạo bước đột phá trong những năm tiếp theo.
- Công tác quản lý công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm
Tham mưu góp ý kiến thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư cho 07 dự án công nghiệp.
Tham mưu xây dựng và thực hiện Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3047/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 “về việc phê duyệt dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk“, trong đó chọn Chợ Ea Tu, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột làm Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm của Tỉnh.
Tổ chức kiểm tra sát hạch, xác nhận kiến thức ATTP cho 960 cá nhân của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tiếp nhận 102 hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc; Cấp 01 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
- Công tác quản lý thương mại:
Thương mại nội địa:
Quản lý về kinh doanh có điều kiện: cấp 145 thủ tục Cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; 52 thủ tục Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; 16 thủ tục Cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và 65 thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG chai; 01 thủ tục cấp giấy thương nhân mua bán khí LPG; cấp 02 giấy phép bán buôn thuốc lá và 02 giấy phép bán buôn rượu.
Phối hợp tổ chức lớp học nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu và LPG, đảm bảo các thương nhân kinh doanh có điều kiện nắm được các nghiệp vụ cơ bản trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đo lường, phòng cháy chữa cháy; Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh xem xét các cửa hàng xăng dầu được tiếp tục duy trì để cải tạo và giải toả trên địa bàn tỉnh, tiếp tục đôn đốc các cửa hàng xăng dầu thuộc diện giải tỏa, di dời nghiêm túc thực hiện theo quy định..
Công tác xúc tiến thương mại: tiếp nhận 3.101 hồ sơ thông báo khuyến mại và 125 chương trình đăng ký thực hiện khuyến mại của doanh nghiệp với tổng trị giá 1.478.226.980.000 đồng. Xác nhận nhận tổ chức 23 cuộc Hội chợ triễn lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 450.000 lượt khách tham quan mua sắm được tổ chức trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và các huyện; Tham mưu xây dựng quy định quản lý hoạt động hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 02/10/2018 về việc phê duyệt Danh mục địa điểm, tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2019.
Xác nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn cho 21 doanh nghiệp, trong đó đã xác nhận cho phép tổ chức 3 đợt hội thảo trên địa bàn cho 3 Công ty (CN Công ty Liên kết trí thức và Công ty TNHH MTV New Image VN, Công ty Mỹ phẩm Thường Xuân trong năm 2018); Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1801/QĐ-UBND ngày 07/8/2018 của UBND tỉnh về Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm và Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
 Chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ, đã có 17 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý 19 chợ.

gfdgd crop 1527063563236637602602

* Hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:  Tính đến hết năm 2018 tổ chức Hội trên toàn tỉnh bao gồm 13 Chi hội ở các ngành, phường, xã trên địa bàn Tp Buôn Ma Thuột trực thuộc Tỉnh Hội và 1 Câu lạc bộ Người tiêu dùng thông thái thuộc tỉnh Hội (giữ nguyên); Triển khai Kế hoạch hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018-2020. Phối hợp với Hội bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” – 15 tháng 3, với chủ đề “Quyền được an toàn của người tiêu dùng” và theo hướng dẫn của Bộ Công Thương bằng các hình thức phù hợp, đạt hiệu quả. Trong đó Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk tổ chức treo băng rôn, cờ phướn trên các tuyến phố chính của thành phố Buôn Ma Thuột, các chợ, các Trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
- Công tác xuất nhập khẩu, thương mại biên giới và Hội nhập kinh tế thế giới: Công tác xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Triển khai công tác xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2017 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gửi Bộ Công Thương.
           Về thương mại biên giới và hợp tác phát triển: Báo cáo tình hình hợp tác với các tỉnh Campuchia năm 2017; báo cáo kết quả Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; tình hình triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Mondulkiri-Campuchia năm 2018 và phương hướng hợp tác năm 2019; Rà soát đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Về hội nhập kinh tế quốc tế: triển khai thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng có hiệu lực, hiệu quả hơn.
Về thương mại điện tử:  Triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020.
- Công tác quản lý điện năng:
Tình hình cung ứng điện và điện sản xuất: Trong năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng cắt điện luân phiên do thiếu nguồn. Việc cung cấp điện của Công ty Điện lực Đắk Lắk và các HTX điện cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Tham mưu thỏa thuận hướng tuyến và vị trí trạm biến áp các công trình theo Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt: Tham mưu UBND tỉnh về việc triển khai Quyết định số 279/QĐ- TTg, ngày 8/3/2018 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030(DSM).
Lĩnh vực an toàn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phối hợp với Truyền tải điện và Công an tỉnh, Chi nhánh điện cao thế Đắk Lắk và các địa phương để tuyên truyền an toàn lưới điện cao áp. Có văn bản nhắc nhở các địa phương và người dân thực hiện công tác sử dụng điện an toàn; Tham mưu văn bản cấp điện an toàn trong mùa mưa bão.
Công tác tiết kiệm điện: Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, Học sinh các trường học thực hiện văn bản số 9151/UBND-CN, ngày 16/11/2017 V/v tăng cường thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh. Trong năm 2018 toàn tỉnh ước thực hiện tiết kiệm điện được khoảng 42 triệu kWh; Chủ trì phối hợp tổ chức Sự kiện Giờ trái đất năm 2018.
Cấp giấp phép hoạt động điện lực cho 02 tổ chức trên địa bàn tỉnh; Tổ chức lớp Tập huấn, sát hạch và cấp thẻ kiểm tra viên điện lực cho các học viên của Công ty Điện lực Đắk Lắk và các tổ chức quản lý điện nông thôn với  hơn 80 học viên tham gia.
Thẩm định các công trình điện: đã thẩm định được 04 công trình vốn ngân sách nhà nước với tổng giá trị trên 72 tỷ đồng.
           - Công tác kỹ thuật, an toàn môi trường:
          Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn công nghiệp: Tham mưu cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 06 địa điểm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tại 04 địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình; cấp 01 Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai; Thẩm định thiết kế cơ sở cho 02 dự án điện mặt trời; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công Công trình khai thác và chế biến khoáng sản tại 05 mỏ đá; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công 01 Trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai và thẩm định thiết kế kỹ thuật 01 dự án điện mặt trời.
 Phối hợp tổ chức lớp huấn luyện và kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho 70 cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; tổ chức kiểm định định kỳ các máy, thiết bị phục vụ công tác nổ mìn cho 26 đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thủy điện và năng lượng tái tạo:  Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh; đôn đốc Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện tăng cường các hình thức cảnh báo an toàn trong khai thác, vận hành; đồng thời, tổ chức thực hiện và phối hợp với địa phương trong công tác bảo đảm an toàn hồ, đập công trình thuỷ điện và phòng chống lũ, lụt vùng hạ du. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập cho 09 công trình thủy điện. Phương án phòng chống lũ lụt hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập cho 15 công trình thủy điện.
- Hoạt động của Hội cơ khí: Phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các văn bản Pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh đến các Hội viên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; Ký Bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội cơ khí tỉnh Jeonbuk, Hàn Quốc về hợp tác một số lĩnh vực: Đào tạo nguồn nhân lực cho lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và nghiên cứu các đề án, đề tài về phát triển cơ khí chế tạo...
Tặng 100 xuất quà có giá trị 150 triệu đồng cho học sinh nghèo dịp Trung Thu và 50 triệu đồng để sửa chữa Trường mầm non xã Hòa Thuận. Dự kiến tặng quà cho các học sinh nghèo, gia đình nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa Tết Nguyên đán năm 2019.
- Công tác xúc tiến công thương
a. Công tác khuyến công:
Khuyến công địa phương: Thực hiện: 24/25 (trong đó 01 đề án chuyển đổi), nghiệm thu 20/25 đề án đạt 80% KH năm. Tổng kinh phí:  5.878 triệu đồng. Kinh phí KCĐP hỗ trợ thực hiện : 2.074 triệu đồng; kinh phí khác 3.804 triệu đồng.
Công tác tư vấn phát triển CN: Tổng số công trình tư vấn: 4 công trình; Doanh thu đạt được: 260 triệu đồng.
Phối hợp với Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử - cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội nghị tập huấn Ứng dụng thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số cho hơn 100 học viên là cán bộ QLNN, cơ sở, DN sản xuất, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo về phát triển ngành chế biến thực phẩm Việt Nam với sự tham gia của hơn 70 học viên là cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.
b. Công tác xúc tiến thương mại
Hội chợ Triển lãm:
Hội chợ ngoài nước: Tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm lên men và xúc tiến đầu tư, thương mại đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh tại tỉnh Jeollabuk- do, Hàn Quốc.
Hội chợ triển lãm ngoài tỉnh: Đã tổ chức tham gia 07 Hội chợ, hỗ trợ 12 đơn vị với 16 gian hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi, thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018. Kết quả đã thu hút 176 gian hàng của 86 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh số bán hàng đạt 1,42 tỷ đồng.
Tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực: Tổ chức 02 lớp tập huấn và hội thảo có 239 lượt học viên của 80 đơn vị đăng ký tham gia.
Ấn phẩm, tuyên truyền: Đã thực hiện Ấn phẩm quảng bá tiềm năng xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk (trong đó: 1.300 túi xách; 1.200 tập gấp) và in sang 900 đĩa CD rom nhằm cập nhật thông tin quảng bá đến nhà đầu tư, doanh nghiệp trên cả nước. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác thông tin về các sản phẩm, doanh nghiệp và năng lực sản xuất của doanh nghiệp để hợp tác thương mại.
         Khảo sát thị trường, kết nối giao thương: Tổ chức đoàn khảo sát tại các tỉnh Phú Yên và Đà Nẵng. Kết quả, hỗ trợ 16 lượt doanh nghiệp tham gia, có 03 cặp biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp đã được ký kết; Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Chương trình khảo sát, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Bến Tre, có 09 đơn vị tham gia. Kết quả, có 11 biên bản ghi nhớ được ký kết và hai thỏa thuận bên lề Hội nghị. Tổ chức Hội nghị và kết nối giao thương của doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk với Tây Ninh và Vĩnh Long, kết quả 25 cặp biên bản hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên.
           - Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng:
Thanh tra chuyên ngành: đã tiến hành 07 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 53 tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực chủ yếu: hoạt động bán lẻ điện nông thôn; hoạt động đặt tên cơ sở kinh doanh theo tiêu chuẩn Siêu thị và Trung tâm thương; hoạt động kinh doanh thuốc lá và kinh doanh rượu; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hoạt động kinh doanh khí; hoạt động Vật liệu nổ công nghiệp và quản lý an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên; hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Thanh tra Sở đã chủ trì 03 cuộc kiểm tra liên ngành về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của UBND tỉnh: 01 cuộc trong dịp tết Mậu Tuất năm 2018 đối với 12 tổ chức, cá nhân (trong đó, 04 cơ quan QLNN và 08 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm); 01 cuộc trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 đối với 13 tổ chức, cá nhân (trong đó, 05 cơ quan QLNN và 08 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống); 01 cuộc nhân dịp tết Trung thu năm 2018 đối với 10 tổ chức, cá nhân (trong đó, 03 cơ quan QLNN và 07 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm).
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt VPHC đối với 44 trường hợp vi phạm  với tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước là 336.267.832 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng 01 Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp có thời hạn (03 tháng) đối với 01 tổ chức vi phạm; đình chỉ kinh doanh có thời hạn (30 ngày) đối với 02 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
- Công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC: Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tham mưu Lãnh đạo kịp thời xem xét, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền khi có phát sinh đúng theo quy định của pháp luật. Đã tham mưu xây dựng lịch trực tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo Sở trong 6 tháng đầu năm 2018 và 6 tháng cuối năm 2018 theo quy định; Xây dựng lịch trực tiếp công dân thường xuyên đối với công chức Thanh tra năm 2018 theo quy định. Trong năm 2018, đã tiếp nhận 11 đơn/10 vụ việc: 02 đơn/ 02 vụ việc thuộc thẩm quyền đã được giải quyết xong dứt điểm; Số đơn không thuộc thẩm quyền đã được trả lại và hướng dẫn công dân hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (05 đơn/05 vụ việc); Số đơn lưu do đơn trùng lắp, đơn không rõ địa chỉ, không ký tên, đơn mạo danh, nặc danh (04 đơn/03 vụ việc).
- Công  tác phòng, chống tham nhũng:  Tham mưu xây dựng và ban hành Kế hoạch số 214/KH-SCT ngày 26/02/2018 về triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Xây dựng chương trình hành động ngành năm 2018; Tham mưu ban hành Kế hoạch số 721/KH-SCT, ngày 12/6/2018 thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020; Thực hiện nghiêm túc thực hiện quy định về thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương. Từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của CBCC trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
           - Công tác cải cách hành chính:
Trong năm 2018, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả đã tiếp nhận 3.357 hồ sơ trong đó: 3.342 hồ sơ được giải quyết đúng hạn; 15 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết và không có hồ sơ bị trễ hạn. Đã thực hiện rà soát, Cắt giảm thời gian giải quyết đối với 15 thủ tục hành chính ở 02 lĩnh vực; Công bố công khai có 134 TTHC được niêm yết, đăng tải đầy đủ chi tiết 134 TTHC thuộc thẩm quyền tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả và trên Trang thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ socongthuong.daklak.gov.vn.
Áp dụng thực hiện tiếp nhận, giải quyết bộ TTHC của Sở Công Thương trên Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk đối với 134 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cụ thể như sau: 03 thủ tục lĩnh vực Thanh tra được thực hiện trực tiếp tại cơ quan; 111 thủ tục hành chính ở 16 lĩnh vực thuộc thẩm quyền được cung cấp, giải quyết trực tuyến ở mức độ 3; 20 thủ tục hành chính ở 5 lĩnh vực thuộc thẩm quyền được cung cấp, giải quyết trực tuyến ở mức độ 4.
Phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo chỉ đạo UBND tỉnh tại văn bản số 8381/UBND-NC ngày 23/10/2017 về việc thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đối với 12 TTHC được thực hiện thường xuyên tại Sở Công Thương.
 - Công tác Quản lý thị trường:
Tổng số cơ sở kiểm tra:                               1.486 cơ sở
Tổng số vụ xử lý:                                        635  vụ
Tổng số tiền thu được qua xử lý là              8.016.756.480  đồng,
Trong đó:
  + Xử phạt vi phạm hành chính:                 5.422.103.860  đồng
  + Giá trị hàng hóa tịch thu:                        2.279.558.000  đồng
  + Bán và truy thu:                                        315.094.620  đồng
Hàng hóa tịch thu: 8.200 bộ bài lá, 12.000 bóng đèn Led, 1.915 món dụng cụ y tế, 1.053 món thuốc bảo vệ thực vật, 5.378 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, 2.848 cái Quần áo, 1.323 món đèn, 23.043 kg quần áo đã qua sử dụng, 600 chai nhớt, 200 cái bản lề, 102 nồi sứ, 376 tấm vải áo quần, 1.153 đôi giày dép, 1.650 gói Bánh, 3.715 hộp kẹo, 350 cái mũ bảo hiểm, 1.269 món hóa mỹ phẩm, 172 chai LPG mini, 166 cây súng đồ chơi trẻ em, 327 cái đồng hồ, 314 món phụ tùng xe máy ...
* Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu này, ngành Công Thương đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tập trung vào những sản phẩm có nhiều lợi thế, cải tiến, giao kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp cho các địa phương. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện thị xã thành phố kiểm tra, đôn đốc, động viên các doanh nghiệp tăng cường tiết kiệm vật tư, nhiên liệu đầu vào, tích cực chủ động trong huy động vốn bằng nhiều hình thức, chủ động triển khai các nhiệm vụ khuyến công, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích phát huy tinh thần tự chủ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cùng với các ngành tích cực nắm bắt các khó khăn của các dự án đang đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ.
Nhìn lại một năm, ngành Công Thương Đắk Lắk đã khẳng định sự nỗ lực của tỉnh, của ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới nhưng chúng ta vẫn có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.  Dự báo trong năm 2019, khó khăn còn rất lớn, nhưng với sự cố gắng, ý chí vươn lên, ngành Công Thương Đắk Lắk chắc chắn sẽ lại có một năm vượt khó đi lên hoàn thành nhiệm vụ.

 

Tác giả: Mai Thanh -TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây