Ngành Công Thương Đắk Lắk, một năm nhìn lại và chặng đường tiếp theo

Thứ bảy - 31/12/2022 19:22
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi kinh tế, đang từng bước hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và trên thế giới; cùng với việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, song phương được ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với cam kết rộng hơn, toàn diện hơn và cân bằng lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp ta đã và đang tận dụng tốt những cơ hội đem lại để phát triển sản xuất kinh doanh góp phần phát triển ngành Công Thương.
Ngành Công Thương tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023
Ngành Công Thương tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023
Tuy nhiên năm 2022 cũng đặt ra cho ngành Công thương nhiều thách thức trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp mặc dù đã được kiểm soát; cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu; Hoa kỳ áp thuế bán phá giá với ngành mật ong Việt Nam (Đắk Lắk xuất khẩu sang Hoa kỳ chiếm 50% sản lượng toàn quốc); tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp; giá vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy đơn hàng, một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất....
Trong bối cảnh như trên, để cho hoạt động công nghiệp thương mại  của địa phương bền vững, đạt giá trị cao; với sự quyết tâm nỗ lực các cấp, các ngành,  các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống của người dân. Ngành Công Thương Đắk Lắk chủ động, tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ổn định sản xuất lưu thông trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn chế thấp nhất tình trạng ngừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, chủ động tháo gỡ khó khăn cắt giảm chi phí cho doang nghiệp; giữ vững, mở rộng và đa dạng hóa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại, tăng cường chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Công Thương góp phần phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp địa phương theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công viên chức, người lao động ngành Công Thương, đặc biệt là sự năng động sáng tạo, đổi mới sản xuất kinh doanh, quyết tâm vượt khó của các doanh nghiệp, năm 2022 ngành Công Thương Đắk Lắk đạt được những thành quả:       
IMG 2664
Năng lượng tái tạo, thế mạnh của Đắk Lắk

      Về Công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 22,23% so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu tăng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến. Năm 2022, nhiều dự án đầu tư điện vận hành với công suất lớn như nhà máy điện gió Ea Nam với công suất 400 MW. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 02 dự án điện gió công suất 428,8MW; 10 dự án điện năng lượng mặt trời với công suất 1.024 MWp và điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 650,17 MWp; 20 dự án thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 833 MW đã vận hành phát điện thương mại, góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia. Các dự án đầu tư hệ thống lưới điện và trạm biến áp trên địa bàn tỉnh, ngành Điện đã triển khai các dự án lưới điện chính hoàn thành năm 2022 là Dự án TBA 110kV Hòa Bình 2 và đấu nối; Dự án Lắp máy 2 TBA 110kV Krông Ana 2; còn một số dự án về TBA và lưới điện điện khác đang triển khai chậm do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp của tỉnh, các nhà máy sản xuất, chế biến công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động sản xuất ổn định, từ đầu năm đến nay các nhà máy đã nổ lực tăng năng suất hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao, sản lượng ngành công nghiệp đa số sản phẩm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Về đầu tư vào Cụm công nghiệp đến nay có 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 9 Cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất 266,2 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 225,5 ha, tỷ lệ lấp đầy 76% diện tích, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 6.000 tỷ đồng giảm so với đầu năm do một số dự án xin rút không đầu tư.
        Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 102,8 % kế hoạch năm. Để thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn trong điều kiện dịch bệnh, phục hồi kinh tế; các doanh nghiệp đã chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa nhất là nhu yếu phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh nên thị trường ít biến động, giá cả một số mặt hàng nhu yếu phẩm tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến. Phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản và trái cây của tỉnh Đắk Lắk thông qua các chương trình xúc tiến thương mại địa phương và XTTM quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 thực hiện 1.500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 30,4 % so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi dịch bệnh covid được kiểm soát, các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đó việc tích cực chuyển đổi số và ứng dụng CNTT để thích ứng trong giai đoạn bị ảnh hưởng do covid-19 cũng đã tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Giá cà phê tiếp tục được giữ ở mức  trên 40 triệu đồng/tấn, tỷ trọng cà phê hòa tan tiếp tục được gia tăng tỷ lệ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng khác như hạt tiêu, cao su, chỉ thun… tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra cũng có một số mặt hàng mới xuất khẩu như mắc ca sấy, ca cao, trái cây cấp đông, trái cây sấy dẻo…
z4008687902000 dd8b08227195a69ecbfab324c393c5ec
Sản phẩm Đắk Lắk trên sàn thương mại điện tử
       
Kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh năm 2022 thực hiện 450 triệu USD, đạt 473,7 % kế hoạch năm, giảm 10,3 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm, kim ngạch nhập khẩu giảm do các dự án lớn đã nhập khẩu máy móc thiết bị vào năm 2021 nhưng vẫn vượt so với kế hoạch đề ra.          
Những tồn tại trong năm qua là: hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao, các dự án ngừng sản xuất, đầu tư dở dang, chậm đầu tư gây lãng phí đất đai chưa có hướng xử lý thấu đáo; Các dự án đầu tư còn gặp khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng.
        Lĩnh vực thương mại còn gặp một số khó khăn, hạn chế như thiếu và khó huy động nguồn vốn cho đầu tư, xây dựng chợ; số lượng doanh nghiệp/cơ sở tham gia phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá còn ít; chưa đồng đều, chưa gắn kết xuyên suốt và chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của nông dân. Hạ tầng thương mại đối với các huyện chưa được phát triển cũng làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ của các hệ thống phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. Nguồn ngân sách cấp cho các đề án, chương trình còn hạn chế nên phần kinh phí hỗ trợ cho từng đề án, chương trình có giá trị thấp, chưa đủ động lực để cơ sở, doanh nghiệp tích cực tham gia cũng như thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nhà. Nguyên nhân tồn tại là do thu hút nguồn lực cho đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại đang còn hạn chế, chưa đạt được kế hoạch đề ra. Các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, và cũng chưa có bước đi thâm nhập thị trường trong khu vực và thế giới. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ; năng lực sản xuất còn thấp, chưa thể phát triển được ra thị trường nước ngoài; Công tác xúc tiến thương mại bản thân doanh nghiệp chưa được chú trọng còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước.
IMG 4902
Chương trình khuyến công, nguồn lực hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
           Năm 2023, Ngành công thương Đắk Lắk được giao các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành là 14.394 tỷ đồng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 là 95.300 tỷ đồng, tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2022;  Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 là 1.600 triệu USD, tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2022; Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 là 100 triệu USD, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2022.
           Ngành Công Thương Đắk Lắk bước vào nhiệm vụ năm kế hoạch với nhiều thời cơ và thách thức đan xen trong bối cảnh những khó khăn từ đầu năm 2022 vẫn kéo dài qua năm 2023 và dự báo còn ảnh hưởng đến năm 2024. Kinh tế thế giới đối mặt với đa khủng hoảng. Việt nam là nước đang phát triển do vậy việc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, nhất là một tỉnh mà nền nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế như tỉnh ta; nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng tiêu cực cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đặc biệt là hoạt động dịch vụ, xuất khẩu, tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; giá cả một số sản phẩm cây công nghiệp, nông sản chủ lực của tỉnh vẫn ở mức thấp, diễn biến thời tiết thất thường, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên vật liệu không ngừng tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn dến hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hóa.
           Để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch được giao, trước những thử thách như trên, ngoài duy trì tực hiện nhiệm vụ thường xuyên của mình, ngành Công Thương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
IMG 0515
Cà phê Robusta, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đắk Lắk

            Kiểm soát tốt dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác, khuyến khích các biện pháp phòng chống dịch bệnh đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện  có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân trong tỉnh, nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp đến. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, cải thiện chỉ số cải cách hành chính của ngành Công thương, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong điều hành và giải quyết công việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.
z4006537504007 de28421f95b5ebf8e89cc4abfdb85aa4
Ngành mật ong đối mặt với khó khăn năm 2022
          Tập trung phát triển công nghiệp, Cụm công nghiệp theo quy hoạch, phát triển một số ngành hàng có lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng gia tăng cao nhằm tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp; ưu tiên cho phát triển công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nhất là các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm” quan tâm theo dõi, đôn đốc hỗ trợ các dự án đầu tư nhằm sớm hoàn thành đi vào hoạt động, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công trung ương và địa phương.
         Khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ các dự án về năng lượng tái tạo đã được bổ sung vào quy hoạch, phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án điện năng lượng tái tạo; hoàn thiện hạ tầng lưới điện trung hạ thế đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt.
z4006537004914 4b1553920cf7b8d9210adbab1cd04840
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư tỉnh uỷ thăm nhà máy bia ngày sản xuất đầu năm 2022
         
Phát triển thương mại theo hướng hiện đại gắn với các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước của Bộ Công Thương triển khai, phát triển thị trường nội địa trên nền tảng thực hiện chương trình hàng Việt về nông thôn, cuộc vận đông người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kêu gọi thu hút đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích,.., góp phần phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ đời sống nhân dân.
          Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực của địa phương, nâng cao hiệu quả công các hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng mối liên kết chặt chẻ giữa các doanh nghiệp, phát huy vai trò hiệp hội ngành hàng để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập nhanh của doanh nghiệp; phổ biến hướng dẫn thực thi các cam kết cụ thể trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Tập trung vào 3 nội dung để tăng giá trị kim ngạch xuât khẩu đó là: phát triển doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu và phát triển sản phẩm xuất khẩu.
           Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thương mại có trọng tâm trọng điểm; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường không gian mạng, tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; định hướng cho doanh nghiệp chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn của từng thị trường, chung quy lại là sản xuất xanh – sạch – thân thiện với môi trường và trách nhiệm với xã hội.                                                     

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương Đắk Lắk

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 5 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây