Với mục đích bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. (Thời gian bình ổn từ ngày 30/11/2022 đến ngày 30/02/2023).
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Yêu cầu đặt ra là các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh chủ động theo dõi diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó nhằm ổn định thị trường. Tích cực động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đảm bảo đủ và kịp thời cung ứng hàng hóa trên địa bàn phục vụ nhân dân đón Tết. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia chương trình bán hàng lưu động, hàng Việt về nông thôn. Nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường, là nhóm mặt hàng có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân; có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả, như: Lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả), nhiên liệu.
Chương trình bình ổn thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo quy định, có hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đáp ứng các yêu cầu, quy định của Chương trình và quy định của pháp luật có liên quan.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình, được xem xét tham gia các Chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa do các đơn vị sản xuất, cung ứng; hỗ trợ công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu của đơn vị; được kết nối tham gia các chương trình vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng hóa; được xem xét ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lưu thông hàng hóa; Được tạo điều kiện tham gia các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố; được hỗ trợ cung cấp thông tin về các điều kiện đưa sản phẩm của cơ sở sản xuất vào các kênh phân phối, tư vấn về thiết kế mẫu mã, bao gói sản phẩm để phát, nâng cao giá trị sản phẩm…; thường xuyên thông tin tới các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín danh sách chi tiết sản phẩm của tỉnh để các bên nghiên cứu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài; Được công khai trên website của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương và các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; Được tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương và mặt bằng khi doanh nghiệp bán hàng lưu động.
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dữ trữ để cung ứng cho thị trường với giá cả ổn định, góp phần cùng Ủy ban nhân dân tỉnh ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; Thực hiện đăng ký và gửi hồ sơ tham gia Chương trình bình ổn thị trường Tết gửi về Sở Công Thương; tổ chức sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán theo giá đã Thông báo; tích cực phát triển hệ thống phân phối, các điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh; thực hiện đúng cam kết, quy định của Chương trình; chấp hành sự chỉ đạo, điều phối của cơ quan có thẩm quyền khi có dấu hiệu biến động thị trường và trong các trường hợp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các địa phương.
Nhiệm vụ đặt ra với các nhóm, mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa: Theo dõi diễn biến giá, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp các chi phí hình thành giá giảm, thì yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị vận tải thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; Với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; tổ chức nắm tình hình hoạt động sản xuất, cung ứng của các tổ chức, cá nhân để có biện pháp điều hành phù hợp.
Về công tác dự trữ hàng hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp, thực hiện dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán; ưu tiên khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh; chủ động khai thác hàng hóa của tỉnh bạn nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của tỉnh. Khuyến khích đơn vị tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Trong những trường hợp cần thiết, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn phục vụ người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.
Theo đó, UBND tỉnh giao các Sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan trong chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Với Sở Công Thương chủ trì: Công tác nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các doanh nghiệp khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh. Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các siêu thị trung tâm thương mại, đề nghị các đơn vị báo cáo về lượng hàng hóa sản xuất, kinh doanh trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh để chủ động phương án bổ sung khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá cục bộ. Đề xuất với UBND tỉnh, những biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết; khuyến khích doanh nghiệp chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa góp phần bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chủ trì, chỉ đạo các đơn vị cung ứng hàng hoá trên địa bàn đảm bảo nguồn cung ứng, năng lực dự trữ, cung cấp đầy đủ hàng hoá, lương thực thực phẩm cho người dân; có phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hoá. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bình ổn giá của các đơn vị tham gia; hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phối hợp các cơ quan thông tin - truyền thông cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về chương trình và tình hình cung - cầu hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là hàng hóa tham gia Chương trình; quảng bá sản phẩm, thương hiệu và hoạt động của đơn vị tham gia chương trình; kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin - truyền thông cho Chương trình. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chương trình. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp lễ, tết.