Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 21/09/2022 22:32
Những năm qua trung bình mỗi năm Đắk Lắk thực hiện khoảng 18 đề án khuyến công tập trung vào 3 nội dung cơ bản, thiết thực: tuyên truyền, phổ biến chính sách, động viên, khuyến khích; đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về kỹ thuật công nghệ, quản trị, sản xuất, sản phẩm, thị trường…. giúp phát triển nguồn nhân lực cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ trực tiếp một phần kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến, thân thiện môi trường; áp dụng sản xuất sạch hơn; tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, phát triển sản phẩm; quảng bá, tôn vinh, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.v.v…
Hoạt động khuyến công đã là “bà đỡ” và người bạn đồng hành của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình công nghiệp nông thôn ở các địa phương được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các cơ sở này đã và đang là những mô hình thực tế, gần gũi, thuyết phục về việc đầu tư khởi nghiệp sản xuất công nghiệp, có ý nghĩa lan tỏa, dẫn dắt về hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa phương và là những minh chứng sinh động để đội ngũ cán bộ khuyến công tiếp tục tuyên truyền, động viên, khích lệ, tư vấn với các cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, gia tăng giá trị và tỉ trọng công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp xã vì vậy việc nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các đề án khuyến công tại địa phương gặp khó khăn; năng lực xây dựng đề án của các cơ sở CNNT còn hạn chế, phải thay đổi mục tiêu hoặc điều chỉnh kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng của một số đề án; việc phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý thực hiện có lúc có nơi chưa thật chặt chẽ, thiếu kịp thời, có những đề án chưa lường hết những biến động, rủi ro dẫn đến phải ngừng triển khai; kinh phí hoạt động khuyến công chỉ là ngân sách Nhà nước và của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác hỗ trợ; các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hầu hết là nhỏ và rất nhỏ, năng lực tài chính yếu trong khi nhu cầu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới khá lớn nhưng mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công chỉ là động viên, khuyến khích nên số cơ sở khả năng để đầu tư thực hiện đề án không nhiều, thiếu nguồn tài chính khi đi vào sản xuất vận hành, công việc tư vấn, khuyến cáo, chất lượng thẩm định cọn hạn chế, một số cơ sở công nghiệp nông thôn sau thời gian hoạt động đứng trước sự biến động của thị trường phải ngừng hoạt động.v.v.. Những tồn tại hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, hiệu quả công tác khuyến công.
Để phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
1. Về tổ chức hoạt động và đội ngũ cán bộ khuyến công
Hiện tại trên địa bàn chưa hình thành được đội ngũ cộng tác viên khuyến công cấp xã, vì vậy mặc dù công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách phát triển công nghiệp nông thôn có nhiều cố gắng xong nhận thức chung của cộng động về phát triển công nghiệp nông thôn còn mờ nhạt. Công tác theo dõi, phát hiện, động viên khuyến khích để phát triển công nghiệp nông thôn ở nhiều xã, thôn buôn nhất là địa bàn xa trung tâm huyện còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tồn tại này cần xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công cấp xã, nhất là các xã xa trung tâm huyện để khai thác, phát huy tiền năng phát triển công nghiệp ở tất các các địa bàn của tỉnh, đồng thời tạo ra nhận thức chung của các cấp các ngành, thôn xã về sự quan tâm chủ trọng phát triển công nghiệp nông thôn của Nhà nước.
Về cán bộ khuyến công cấp huyện: do số lượng biên chế công chức của các phòng kinh tế, vì vậy hầu hết cán bộ khuyến công cấp huyện chỉ là kiêm nhiệm và nhân sự đảm nhận công tác này thường không ổn định nên việc theo dõi chưa được hệ thống; chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc còn hạn chế đề nghị cán bộ khuyến công cấp huyện cần được bố trí ổn định và trong trường hợp cán bộ mới đảm nhận công tác này phải được hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ.
Đội ngũ cán bộ của Trung tâm Khuyến công tuy không thiếu về số lượng nhưng không cân đối về cơ cấu và một vài trường hợp chưa phù hợp yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu cán bộ kỹ thuật có chuyên ngành công nghiệp và đặc biệt thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao; một số cán bộ chỉ có kiến thức lý thuyết và chưa đủ kỹ năng cần thiết khác. Trong làm việc có lúc có nơi với phong cách hành chính đơn thuần, chưa thực sự đam mê tìm tòi sáng tạo chính vì vậy vai trò tư vấn, hướng dẫn, thẩm định về các vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, sản xuất, quản trị, sản phẩm, marketing, xúc tiến thương mại.v.v… chưa theo sát thực tế với yêu cầu thị trường nên hiêu quả động viên, khuyến khích và sự phát triển bền vững của cơ sở công nghiệp nông thôn có trường hợp còn hạn chế. Vì vậy cần tổ chức rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ, cân đối nhân sự; xây dựng khung năng lực từng vị trí công tác và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm bổ sung chuyên môn và nghiệp vụ mà mỗi cán bộ đang thiếu hụt, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ khuyến công tiếp cận thực tế các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời cập nhật những thông tin, kiến thức mới về khoa học công nghệ; quản trị; thị trường; pháp luật; công nghệ số.v.v…
2. Về nội dung hoạt động
Hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào 3 nhóm nội dung: hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình ứng dụng máy móc tiên tiến và mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; thông tin, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hoạt động khuyến công còn nội dung tư vấn phát triển công nghiệp và kết nối rất mờ nhạt. Thực tế này vừa hạn chế vai trò, hiệu quả của công tác khuyến công đồng thời vừa hạn chế cơ hội bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, hạn chế cơ hội đầu mối kết nối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, cơ sở sản xuất máy móc thiết bị, đầu mối thương mại cũng như kiến thức kỹ năng trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của cán bộ khuyến công.
Để vừa phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công vừa nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc của cán bộ khuyến công. Thời gian tới cần đẩy mạnh nội dung hoạt động tư vấn, kết nối, coi hoạt động tư vấn phát triển, tư vấn có thu và kết nối là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm khuyến công.
3. Nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện các đề án khuyến công
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, đông viên, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn:
- Nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu chiến lược và vai trò phát triển công nghiệp nông thôn trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời truyền cảm hứng, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp mở mới, mở rộng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, cần chú trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyền truyền, quảng bá, tôn vinh các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất kinh doanh hiệu quả, đến mọi thành phần kinh tế với nhiều phương thức linh hoạt, đa dạng từ hội nghị, hội thảo, triển lãm, thông tin đại chúng, thông tin trên các trang điện tử, môi trường mạng.
- Gắn kết với các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, cơ sở sản xuất chế tạo, ở Trung Ương, địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ về các Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời làm đầu mối kết nối các cơ sở công nghiệp nông thôn với các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn, hỗ trợ, kịp thời xử lý, tháo gõ những vướng mắc về kỹ thuật, khoa học công nghệ, quản trị, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình thực hiện cũng như quá trình sản xuất kinh doanh điều chỉnh và thịch ứng kịp thời trước biến động của thị trường.
- Chuẩn hoá quy trình đánh giá tính khả thi, hiệu quả các đề án khi xây dựng kế hoạch bằng các chỉ tiêu định lượng thông qua bảng câu hỏi bao gồm các chỉ tiêu cấu thành như: Tài chính; đất đai, sản phẩm, công nghệ; nguồn nguyên liệu, giá trị sản phẩm, nhân lực, quản trị…..
- Chuẩn hoá quy trình thẩm định: định lượng tính hiệu quả và bền vững của các đề án thông qua xây dựng bảng tính toán, xác định các yếu tố kinh tế và khả năng dự kiến những biến động, KT-XH, thị trường, nguyên liệu.v.v…
- Cá nhân hoá trách nhiệm cán bộ khuyến công theo dõi, xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như hiệu quả đề án để gắn trách nhiệm. Kịp thời xem xét, tư vấn, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả lâu dài của các đề án.
Hy vọng với sự hỗ trợ chung và quan tâm mọi mặt của các cấp, các ngành và sự nổ lực vượt lên của đội ngũ cán bộ, hoạt động khuyến công thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp, ngày càng phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, thúc đẩy tiến trình phát triển công nghiệp nông thôn nhanh và bền vững, góp phần quan trọng trong sự phát triển KT- XH của tỉnh.
Tác giả: Vũ Đình Trưng - PGĐ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk