Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030

Chủ nhật - 02/10/2022 21:32
Nhằm đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ quy định mục tiêu cụ thể: Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định; Giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3,0 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).
Định hướng đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2030: Đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng. Tăng cường đầu tư phát triển sản xuất các chủng loại sản phẩm vật liệu xây không nung (viết tắt VLXKN) tấm lớn, sản phẩm nhẹ, tính năng cao, phù hợp với điều kiện nguyên vật liệu và nhu cầu thị trường.
2
Giải pháp thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030:
Hoàn thiện thể chế, chính sách: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất VLXKN theo công nghệ hiện đại; khuyến khích sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng. Hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm VLXKN, chất lượng công trình sử dụng VLXKN.
Giải pháp khoa học công nghệ: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, các loại phụ gia cho sản xuất; Phát triển sản xuất các sản phẩm VLXKN tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng; các sản phẩm tận dụng phế thải làm nguyên liệu sản xuất VLXKN nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm VLXKN, hạ giá thành sản phẩm VLXKN; Nghiên cứu các giải pháp trong thi công, các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong quá trình sử dụng VLXKN, nâng cao chất lượng khối xây VLXKN.
Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến VLXKN: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm VLXKN theo hướng nâng cao yêu cầu chất lượng; Rà soát, xây dựng và ban hành hướng dẫn thi công, nghiệm thu khối xây VLXKN; Rà soát, bổ sung và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng.
Đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung: Tỷ lệ sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng.
Giai đoạn đến năm 2025: Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, tỷ lệ sử dụng VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây như sau: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Sử dụng tối thiểu 90%; Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 80%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70% (trừ thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ sử dụng tối thiểu 80%), tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%. Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây, trong đó ưu tiên sử dụng cấu kiện nhẹ, kích thước lớn.
Giai đoạn đến năm 2030: Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây; Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây.
Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Nhà nước khuyến khích sử dụng tối đa vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Về đào tạo, hợp tác quốc tế:  Tiếp tục rà soát, hoàn thiện giáo trình và đưa vào chương trình giảng dạy kiến thức về sản xuất, sử dụng VLXKN tại các trường chuyên ngành xây dựng. Đào tạo kỹ năng, tay nghề cho công nhân sản xuất vật VLXKN và công nhân kỹ thuật thi công khối xây VLXKN. Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu các công nghệ sản xuất VLXKN mới và sử dụng các sản phẩm VLXKN mới trong công trình.
Thông tin, tuyên truyền: Tăng cường tuyên truyền đồng bộ việc khuyến khích sử dụng VLXKN trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng VLXKN thay cho sử dụng gạch đất sét nung. Đồng thời tích cực phổ biến các giải pháp khắc phục những tồn tại trong quá trình sử dụng VLXKN.
Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất lượng và sử dụng VLXKN: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng các sản phẩm VLXKN đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng VLXKN.
* Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị  tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để  thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Yêu cầu đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, các nhà thầu: Khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự toán gói thầu, hồ sơ mời thầu, đánh giá lựa chọn nhà thầu thi công các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây như sau: Tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây; Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không  nung phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận; Nhà nước khuyến khích sử dụng tối đa vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng; Người quyết định đầu tư có trách nhiệm quy định sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định khi quyết định đầu tư dự án; Chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng các loại vật liệu xây không nung phù hợp với quy định nêu trên; Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại vật liệu xây không nung phù hợp với từng loại kết cấu; Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ quy định của thiết kế về việc sử dụng vật liệu xây không nung.

Nguồn tin: Mai Thanh - TTKC:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây