Trên nguyên tắc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng và ưu tiên các đề án điểm, đề án nhóm, kế hoạch khuyến công quốc gia 2023 ưu tiên cho các nội dung liên quan đến đổi mới công nghệ sản xuất. Cụ thể, với nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, trọng tâm xây dựng đề án trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn.
Với nội dung hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa vào sản xuất, sẽ tập trung hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến do cơ sở công nghiệp nông thôn tự nghiên cứu, sản xuất, gia công chế tạo và ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, được cơ quan quản lý công nhận. Cụ thể, đề án thuộc nội dung này sẽ lập thành nhóm các đối tượng thụ hưởng tập trung theo lĩnh vực, sản phẩm. Đề án phải có thuyết minh sơ đồ quy trình công nghệ, quy trình hoạt động của máy móc; nêu rõ đặc điểm vượt trội của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ tạo ra sản phẩm mới hoặc có phân tích so sánh cụ thể các yếu tố định tính, định lượng. Tên máy móc phải đảm bảo dễ dàng tra cứu…Riêng các đề án liên quan đến công nghệ sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, Cục Công Thương địa phương nêu rõ, khi xây dựng đề án khuyến khích các cơ sở thực hiện báo cáo đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn làm căn cứ ưu tiên xét chọn.
Nội dung ưu tiên tiếp theo là các đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và nhân rộng mô hình áp dụng. Cùng đó là hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; ưu tiên các địa phương có đăng ký đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Các đề án Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý; tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
Việc lập dự toán kinh phí khuyến công quốc gia sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Riêng đối với các đề án khuyến công quốc gia điểm đăng ký kế hoạch lần đầu trong năm 2023, dự toán kinh phí chia theo từng năm, tương ứng với các nội dung hoạt động khuyến công dự kiến thực hiện.
Với kế hoạch khuyến công địa phương, căn cứ định hướng chung, Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 – 2025, Cục Công Thương địa phương đề nghị Sở Công Thương các địa phương xem xét, báo cáo UBND cấp tỉnh về nội dung hoạt động khuyến công địa phương thực hiện trong năm 2023. Xây dựng kế hoạch khuyến công 2023 là một trong những nhiệm vụ lớn của năm 2022, Cục Công Thương địa phương đang rốt ráo chỉ đạo các địa phương hoàn thành nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch năm.
Theo đó, Sở Công Thương Đắk Lắk đã thẩm định cấp cơ sở 02 đề án và đã hoàn thiện hồ sơ danh mục đề án khuyến công quốc gia năm 2023 gủi ra Cục Công Thương địa phương đăng ký gồm: Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê” cho Hợp tác xã Nông nghiệp An Nguyên; Công ty THH Êđê café. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 1,2 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 0,5 tỷ đồng, kinh phí của đơn vị thụ hưởng khoảng 0,7 tỷ đồng. Đề án Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ hàng công nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Lắk. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 2,5 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, kinh phí của đơn vị thụ hưởng khoảng 1,4 tỷ đồng.