Hệ thống máy xát gạo liên hoàn được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022
Huyện Ea Súp nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Đắk Lắk, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 km theo tỉnh lộ 1, phía Đông giáp hai huyện Ea H'Leo, Cư M'gar, phía Tây có 26,3km đường biên giới giáp với huyện Cô Nhéc, tỉnh Munđulkiri, Vương quốc CamPuChia, phía Nam giáp huyện Buôn Đôn, phía Bắc giáp huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có tiểu vùng khí hậu cá biệt, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu nhiệt đới lục địa cao nguyên, nhiệt độ cao, nắng nóng. Nằm trên khu vực hạ lưu của hệ thống sông Sêrêpốk, Ea Súp có mạng lưới sông suối với mật độ dày, khoảng 0,4-0,6 km/ km2. Các sông suối trong vùng hầu hết được bắt nguồn từ phía Đông - Đông bắc, một số suối nhỏ từ Tây nam đổ vào hệ thống sông Sêrêpốk trên đất Cam Pu Chia (gồm sông Ea H'leo, suối Ea Súp, Ea Đrăng, Ea Mơ, Ya Lốp, Ea Khal…). Đây là nguồn cung cấp nước cho hoạt động sản suất nông nghiệp, diện tích đất tự nhiên 176.531 ha. Trong đó diện tích trồng lúa theo Niên giám thống kê năm 2021 là 23.284 ha với sản lượng 6.173 tấn/năm.
Sản phẩm gạo sau khi được qua máy tách màu và đóng gói thành phẩm của HTX
Với nguồn tài nguyên đất dồi dào và khí hậu ôn hoà, đã tạo cho huyện Ea Súp nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung có những lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện Ea Súp còn thấp, các sản phẩm vẫn chưa được đa dạng, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Do chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, dẫn đến chất lượng nông sản thương phẩm còn thấp. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị trong sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và chế biến, nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào từ khâu thu hoạch, kết hợp với cải tiến công nghệ trong khâu xay xát, phơi sấy, chế biến, đóng gói,... Với mục tiêu tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng hơn, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu
Đoàn nghiệp thu kiểm tra sản phẩm gạo sau khi qua máy xát
HTX Thành Công Ea Lê đóng trên địa bàn xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đứng trước tình hình lúa gạo kém chất lượng, dư lượng chất hoá học như hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dung, nên HTX mong muốn đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm gạo sạch, đạt chất lượng tốt nhất, do vậy, Gạo sạch luôn tìm hướng đi bền vững trong việc kinh doanh các mặc hàng uy tín để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, HTX Thành Công Ea Lê đã đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gạo, với kinh phí đầu tư là 700 triệu đồng. Sau khi hoàn tất hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, Sở Công Thương đã thẩm định cấp cơ sở và Bộ Công Thương phê duyệt hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 để triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ này.
Đoàn nghiệm thu kiểm tra quá trình vận hành máy xát gạo liên hoàn tại HTX Thành Công Ea Lê
Qua theo dõi quá trình vận hành máy móc thiết bị và cho ra sản phẩm gạo đạt yêu cầu tại cơ sở, đại diện các bên tham gia nghiệm thu cơ bản thống nhất và đưa ra các yêu cầu cần đáp ứng trong quá trình sản xuất tại cơ sở nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói, nhãn hiệu… trước khi ra thị trường tiêu thụ.
Đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp cũng đưa ra ý kiến về định hướng quảng bá, phát triển sản phẩm thông qua các đợt hội chợ triển lãm, kết nối giao thương do Sở Công Thương tổ chức, đồng thời phổ biến các tiêu chí để được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các kỳ bình chọn sắp đến.
Trao đổi các nội dung liên quan đến buổi nghiệm thu
Việc hỗ trợ đầu tư theo chương trình khuyến công quốc gia năm 2022 lần này đã kịp thời khuyến khích, động viên cơ sở tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng gạo sạch, đa dạng hóa, hạ giá thành sản phẩm, tận thu nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, giảm thiểu hao hụt, thất thoát. Đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ tại chỗ, giúp nhân dân địa phương hưởng lợi ích của việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản, góp phần phát triển bền vững cho ngành sản xuất lúa gạo tại địa phương.