Phát huy hiệu quả từ những đề án khuyến công Đắk Lắk

Thứ năm - 03/01/2019 20:59

          Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai các đề án khuyến công. Thông qua đó giúp nhiều cơ sở, doanh nghiệp hiện đại hóa máy móc, thiết bị sản xuất và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh...
 

255 1

          Việc triển khai các đề án khuyến công cũng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập hiệu quả.
          Năm 1998, anh Trần Văn Phước thành lập Cơ sở cơ khí Anh Tý ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, chuyên ngành cơ khí. Cũng như các bạn trẻ khởi nghiệp khác, thời gian đầu, quy trình sản xuất chủ yếu là làm thủ công, tốn nhiều công lao động, có nhiều công đoạn phải nhờ tới các cơ sở lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột gia công giúp. Khi xã hội phát triển, nhu cầu trang trí nội thất của người dân cũng tăng cao, anh Phước cũng đã tìm tòi, học hỏi để làm ra những sản phẩm gia công trang trí bằng sắt. Tuy nhiên, khi gia công bằng tay, cắt bằng gió đá thì mất rất nhiều thời gian để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng độ nét của sản phẩm không cao. Năm 2018, anh Phước đã nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, đầu tư mua 1 máy cắt Plasma CNC với phạm vi cắt từ 1,5mét x 3 mét; tốc độ cắt từ 0 – 8.000 mm/phút; chiều dày cắt từ 1mm – 20mm, tổng trị giá 230 triệu đồng. Trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2018, cơ sở được hỗ trợ 80 triệu đồng. Sau khi đầu tư máy móc, thiết bị mới, giá trị sản phẩm đã nâng cao đáng kể, giảm chi phí cho cả đơn vị sản xuất và cho người dân.
          Ngoài các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các cơ sở sản xuất thuộc các ngành nghề truyền thống cũng được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk quan tâm triển khai để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao và có thương hiệu riêng. Đơn cử như Cơ sở sản xuất cà phê Buôn Hồ, tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ vừa được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk hỗ trợ thực hiện đề án Máy chế biến cà phê bột mà cơ sở đã có được hệ thống máy móc hiện đại, khép kín, đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa trong sản xuất hiện nay. Đề án có tổng kinh phí thực hiện là 240 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng.
Các đề án khuyến công không chỉ hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, hiện đại hóa quy trình sản xuất mà còn góp phần to lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới.

255

Cùng với việc hoàn thành những đề án lớn hỗ trợ máy móc trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại cho các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã hỗ trợ các cơ sở  nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Tác giả: Mai Thanh -TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây