Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 18/07/2022 22:11
Sở Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch khuyến công địa phương đợt 1 năm 2022 với 23 đề án, tổng kinh phí 5.374 triệu đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công địa phương là 2.515 triệu đồng và kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng là 2.859 triệu đồng.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến công đã xây dựng, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện 11 đề án với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ thực hiện 1.104 triệu đồng, bao gồm: Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến 06 đề án; xuất bản ấn phẩm quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đắk Lắk; khảo sát học tập kinh nghiệm công tác khuyến công và quản lý công nghiệp; duy trì trang thông tin điện tử ngành Công Thương Đắk Lắk; đề án quản lý chung chương trình khuyến công đợt 1 năm 2022; Tham gia Hội chợ - triển lãm và tập huấn nghiệp vụ khuyến công.
Công tác hoạt động Tư vấn phát triển công nghiệp: Trong 06 tháng năm 2022, Trung tâm đã tư vấn trợ giúp cho 31 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, trong đó: Tư vấn hỗ trợ tiếp cận chính sách khuyến công, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến và hướng dẫn lập hồ sơ đề án khuyến công cho 13 cơ sở; tư vấn hướng dẫn lập và nộp hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022 cho 13 cơ sở, với 15 sản phẩm; tư vấn hỗ trợ xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho 05 cơ sở, với 05 sản phẩm. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm đã quyết định thành lập Tổ tư vấn công nghiệp nông thôn (sau đây gọi tắt là Tổ), với các Thành viên của Tổ là Lãnh đạo Trung tâm và Lãnh đạo các phòng chuyên môn của Trung tâm. Các Thành viên của Tổ được phân công tư vấn trợ giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn theo các lĩnh vực, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu và phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo. Trung tâm cũng đã thông báo rộng rãi về việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu tư vấn công nghiệp nông thôn qua nhiều kênh thông tin (Trang thông tin điện tử Sở Công Thương, các Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột; các tổ chức: Kinh tế - Xã hội, Chính trị - Xã hội, Hội của tỉnh) để thông tin đến các cơ sở sản xuất công nghiệp nông trên địa bàn tỉnh biết và đề nghị tư vấn trợ giúp khi có nhu cầu.
Nhìn chung, những mục tiêu của hoạt động khuyến công năm 2022 đã và đang được thực hiện, khẳng định được vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở đã từng bước áp dụng thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất chế biến sâu, cải tiến các bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm,...Một số hạn chế, tồn tại: Chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công. Do vậy, việc nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các đề án khuyến công tại địa phương còn khó khăn; khả năng xây dựng đề án của các cơ sở CNNT còn hạn chế, phải điều chỉnh, thay đổi nhiều ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng của một số đề án. Việc phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý thực hiện có lúc có nơi chưa thật chặt chẽ, kịp thời, vì vậy có những đề án chưa lường hết những biến động, rủi ro, nên phải điều chỉnh hoặc ngừng triển khai dẫn đến chậm tiến độ, không đạt kế hoạch. Hoạt động tuyên truyền về khuyến công tuy đã được thực hiện bằng nhiều kênh nhưng chưa đa dạng về hình thức, hạn chế số lượng, chất lượng nên hiệu quả chưa cao. Kinh phí hoạt động khuyến công chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia hoạt động khuyến công. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản là nhỏ hoặc siêu nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính và quản trị. Địa bàn triển khai các đề án khuyến công chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn là chính, điều kiện đi lại rất trở ngại dẫn đến việc triển khai, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu các đề án rất khó khăn, các đề án đơn lẻ nên dẫn đến việc hỗ trợ thường rời rạc. Hoạt động khuyến công tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát. Các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động Khuyến công áp dụng tại địa phương. Để khắc phục những khó khăn tồn tại trung tâm khuyến công đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành mục tiêu kế hoạch khuyến công năm 2022: Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thụ hưởng trong quá trình thực hiện việc lập kế hoạch, lập đề án và triển khai thực hiện đề án; Xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án của đơn vị thụ hưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo việc hoàn thành, nghiệm thu đề án đúng tiến độ, bảo đảm việc hỗ trợ có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng quy định theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, qua đó cũng đề xuất chương trình hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phù hợp với quy định của Nhà nước; Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình khuyến công quốc gia; trên cơ sở ngân sách địa phương hàng năm, bố trí kinh phí hợp lý cho công tác khuyến công địa phương; phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khai thác, tiềm kiếm, phối hợp các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn lực hợp pháp khác thực hiện các đề án khuyến công tại địa phương; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của của Đảng và Nhà nước về chương trình, kế hoạch khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.