Tham dự Hội nghị Khuyến công dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (CTĐP)- ông Ngô Quang Trung, ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận và sự tham dự của trên 200 đại biểu từ 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN) gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên toàn khu vực là 102.035 km2, chiếm hơn 30% diện tích của cả nước, bao gồm vùng ven biển một phần Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên với tổng chiều dài bờ biển hơn 1.456 km. Dân số của khu vực trên 18 triệu người, chiếm hơn 21,2% dân số cả nước.
Theo đó, Ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết “Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2022 là cơ hội để các địa phương tăng cường gặp gỡ, trao đổi, rút ra những bài học trong công tác khuyến công, đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để các cơ sở công nghiệp nông thôn có cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp”. Hội nghị Khuyến công là sự kiện tổ chức định kỳ hằng năm nhằm đánh giá tình hình thực hiện hoạt động Khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, phương hướng, biện pháp để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, định hướng phát triển công tác khuyến công năm 2023.
Theo ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, chính sách khuyến công trong thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ nghiêm túc, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trước diễn biến phức tạp của kinh tế và phòng chống dịch ở nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tình hình kinh tế đã có bước phục hồi nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là chi phí sản xuất tăng cao tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tác động đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động khuyến công nói riêng.
Theo Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 15 tỉnh thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 48,79 tỷ đồng, đạt 95,24% so với kế hoạch năm (được giao 51,23 tỷ đồng).
Trong đó, nguồn khuyến công quốc gia thực hiện đạt 11,07/11,14 tỷ đồng (đạt 99,37%); chiếm 14,71% tổng kinh phí thực hiện khuyến công quốc gia năm 2021.
Nguồn kinh phí khuyến công địa phương thực hiện đạt 94,11% so với kế hoạch (37,73/40,09 tỷ đồng); chiếm 23,76% tổng kinh phí thực hiện khuyến công địa phương của cả nước năm 2021.
Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình... Địa phương có sự quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ kinh phí đối với năm 2021 là Gia Lai, Quảng Ngãi.
7 tháng đầu năm 2022, kinh phí khuyến công toàn vùng đã thực hiện đạt 20,7 tỷ đồng, đạt 28,44% kế hoạch năm, so với tỷ lệ thực hiện 7 tháng đầu năm 2021 cao hơn 62,15%. Trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia đã triển khai thực hiện 3,54 tỷ đồng, đạt 12,11% kế hoạch năm; kinh phí khuyến công địa phương 17,17 tỷ đồng, đạt 39,38% kế hoạch năm.
Nguồn kinh phí khuyến công được thực hiện tập trung vào 6 nội dung chính. Trong đó, phân bổ nhiều nhất cho hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Sau đó đến nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công. Ngoài ra, nguồn kinh phí khuyến công còn hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông.
Về tư vấn phát triển công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022, các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đã tư vấn cho 59 dự án, với doanh thu đạt 4,78 tỷ đồng, đạt 44,18% kế hoạch năm, thấp hơn 32,19% so với cùng năm 2021.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động khuyến công, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, đặc biệt là những khu vực, vùng còn nhiều lĩnh vực sản xuất còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khó khăn, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi đánh giá những kết quả đạt được về kết quả khuyến công năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, nhìn thẳng vào các tồn tại, hạn chế, xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề ra giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt để triển khai hoạt động khuyến công, bám sát tình hình phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn, đặc biệt là tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, triển khai các hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ khuyến công được giao năm 2022. Ngoài ra, cùng trao đổi kinh nghiệm, những hoạt động có giá trị từ thực tiễn tổ chức các hoạt động khuyến công; và thảo luận, đề xuất đến Bộ Công Thương, các cơ quan trung ương các chủ trương, các giải pháp cụ thể để đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp, giải quyết kịp thời các khó khăn, để hoạt động khuyến công có hiệu quả.