Tuyên truyền là một trong những hoạt động thiết yếu đóng vai trò rất lớn để dẫn đến sự thành công của mọi đề án, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, hoạt động khuyến công nói riêng. Đối với Sở Công thương và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp, công tác tuyên truyền của hoạt động khuyến công là mắt xích quan trọng, đóng vai trò định hướng, điều chỉnh tư duy, phương thức sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn.
Với vai trò khuyến khích thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiêp hóa, hiện đại hóa… thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã đưa công tác thông tin tuyên truyền trở thành kế hoạch chiến lược hàng năm. Đến nay, bước đầu đã tạo được nhận thức và đồng thuận chung của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến công đối với phát triển công nghiệp nông thôn.
Đối với các doanh nghiệp, việc đầu tư máy móc hiện đại chính là chìa khóa dẫn đến sự thành công. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đã khiến các doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. Công ty TNHH cơ khí xây dựng TS Window, ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong lúc loay hoay với câu chuyện “tìm nguồn vốn” thì thông qua các kênh truyền thông đại chúng, ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí xây dựng TS Window đã biết đến nguồn vốn hỗ trợ về máy móc, thiết bị của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Sau khi tìm hiểu và xây dựng đề án theo hướng dẫn, năm 2018, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh với số tiền là 90 triệu đồng trên tổng giá trị hệ thống máy móc là 300 triệu đồng. Đây là động lực thúc đẩy cho hoạt động của Công ty ngày càng phát triển hơn trên thị trường.
Ngành khuyến công tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những hoạt động khuyến công đến tận các tổ chức, người dân, cơ sở, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: Bản tin Công Thương, xây dựng trang thông tin điện tử, phối hợp tuyên truyền trên Đài phát thanh - truyền hình địa phương, hệ thống loa đài ở cơ sở… Bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền các chương trình, chính sách khuyến công đến từng đơn vị, cơ sở, đội ngũ cán bộ khuyến công còn là kênh để các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. Nhờ đó mà Sở công thương Đắk Lắk và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp có thể xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công tạo điều kiện về hành lang pháp lý để triển khai thuận lợi đối với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 21 đề án khuyến công được triển khai với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, trong đó có 13 đề án được hỗ trợ trực tiếp máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí là 4,1 tỷ đồng. Qua những kết quả đạt được có thể thấy công tác tuyên truyền đã khuyến khích và huy động các nguồn lực từ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia vào hoạt động Khuyến công, từ đó có thể khẳng định đóng góp của hoạt động Khuyến công trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập.
Tác giả: Mai Thanh - TTKC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn