Sau 4 năm, hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sức khỏe của con người. Hoạt động khuyến công là cầu nối hiệu quả để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Cụ thể:
Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT:
Trong giai đoạn từ 2015 – 2018, Trung tâm đã triển khai được 10 đề án nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn với tổng số kinh phí là 1.420 triệu đồng. Trong đó có các đề án phối hợp với Tỉnh đoàn Đắk Lắk tập huấn khởi sự doanh nghiệp và phổ biến chính sách khuyến công cho đoàn viên thanh niên; phối hợp với Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk tập huấn sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch và phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến công cho hội viên hội nông dân; tổ chức các hội thảo, tập huấn theo chuyên đề; hỗ trợ tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm làm công tác khuyến công tại các tỉnh bạn trong cả nước.
Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật:
Trong giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm đã thực hiện được 03 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí khuyến công quốc gia là 650 triệu đồng và 35 đề án khuyến công địa phương về hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí 3.137 triệu đồng.
Các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị nghiệm thu và đưa vào hoạt động nhằm giúp cho cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng các máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất điêu khắc mỹ nghệ, sơ chế hạt nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng ... nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho các cơ sở sản xuất CN-TTCN; Tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk
Về hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu:
Trong giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm đã hỗ trợ tổ chức 01 đề án khuyến công quốc gia về tổ chức hội chợ, triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên (2016) với tổng kinh phí 1.056 triệu đồng, 04 đề án hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm với tổng số kinh phí KCĐP là 410 triệu đồng;
01 đề án bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với số tiền 58,49 triệu đồng. Năm 2017, Trung tâm đã phối hợp tổ chức bình chọn SPCNNTTB cấp tỉnh với 06 đơn vị, 08 sản phẩm đạt giải; Năm 2018 các sản phẩm đạt giải cấp tỉnh đã được tham dự bình chọn khu vực miền Trung – Tây Nguyên và kết quả có 04 đơn vị, 05 sản phẩm đạt giải cấp khu vực.
Các đề án được thực hiện khuyến khích các đơn vị tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giúp cho các cơ sở CNNTTB có thêm cơ hội ký kết hợp đồng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Về hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công:
Trong giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm đã thực hiện 10 đề án khuyến công địa phương cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công với tổng số kinh phí KCĐP là 584 triệu đồng, trong đó có các đề án xây dựng chuyên mục phát trên sóng đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh; xuất bản Bản tin Công Thương; xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử ngành công thương tại địa chỉ https://socongthuong.daklak.gov.vn/ .
Các đề án được thực hiện đã tập trung tuyên truyền hoạt động của ngành Công Thương, là kênh thông tin giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả của một số cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các chuyên mục còn là diễn đàn trao đổi thông tin các kinh nghiệm thực tiễn về sản xuất Công nghiệp – Thương mại, các vấn đề cần quan tâm đối với sự nghiệp phát triển ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Thông qua các chương trình truyền hình, bản tin, trang thông tin điện tử…, các tổ chức, cá nhân sẽ hiểu rõ và nắm bắt được chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển Công nghiệp – Thương mại nói chung và hoạt động khuyến công nói riêng nhằm phát triển kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà trước hết là công nghiệp hoá nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội.
Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công:
Trong giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm đã xây dựng và triển khai được 06 đề án nâng cao năng lực quản lý về tổ chức thực hiện với số kinh phí KCĐP là 416 triệu đồng. Các đề án tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công; Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm công tác khuyến công tại các tỉnh trong nước.
Kết quả huy động các nguồn lực thực hiện:
Trong giai đoạn 2015 – 2018, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị thực hiện các đề án với nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương cho các đề án khuyến công quốc gia, ngân sách tỉnh cho các đề án khuyến công địa phương kết hợp với kinh phí của các đơn vị thụ hưởng.
Cụ thể:
+ Đề án khuyến công quốc gia: 9.869.400.000 đồng (trong đó kinh phí KCQG: 1.706.000.000 đồng; kinh phí đơn vị thụ hưởng: 8.163.400.000 đồng)
+ Đề án khuyến công địa phương: 13.857.696.807 đồng (trong đó kinh phí KCĐP: 6.335.252.207 đồng; kinh phí đơn vị thụ hưởng: 7.500.404.200 đồng)
Tổng kinh phí thực hiện: 23.727.096.807 đồng (Hai mươi ba tỷ bảy trăm triệu đồng – đã làm tròn)
Ngân sách nhà nước: 8.041.000.000 đồng (Tám tỷ không trăm bốn mươi mốt triệu đồng – đã làm tròn)
Vốn tự có của các cơ sở công nghiệp nông thôn: 15.664.000.000 đồng (Mười lăm tỷ sáu trăm sáu mươi bốn triệu đồng – đã làm tròn)
Hiệu quả thực hiện các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất:
+ Khuyến công quốc gia: Thực hiện được 03 đề án, đang hoạt động bình thường, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho địa phương. Đạt tỷ lệ 100%.
+ Khuyến công địa phương: Tổng thực hiện được 35 đề án.
Trong đó:
- Số đề án hoạt động bình thường là 29 đề án. Đạt tỷ lệ 82,86%.
- Số đề án hoạt động theo thời vụ là 05 đề án. Đây là các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sấy nông sản sau thu hoạch. Các đề án tập trung tại Buôn Hồ, Ea H’leo, Krông Bông, Krông Năng chủ yếu sấy cà phê, Mắc ca và ngô, 01 đề án tại Ea Súp chủ yếu sấy ngô và lúa. Đạt tỷ lệ 14,28 %.
- Số đề án dừng hoạt động là 01 đề án. Đây là các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất lưới B40 tại huyện Krông Năng, đề án hoạt động được gần 02 năm nhưng đầu ra không đảm bảo nên HKD kinh doanh hoạt động hiệu quả. Đạt tỷ lệ 2,86 %.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, những con số trên đã phần nào nói lên hiệu quả cũng như mặt tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, từ thực tế 4 năm qua, cũng bộc lộ ra một số khó khăn, bất cập trong hoạt động khuyến công.
Những tồn tại và hạn chế:
Việc phối kết hợp các phòng ban chuyên môn của Sở và các huyện, thị xã, thành phố cùng TTKC trong việc thực hiện chương trình khuyến công, xây dựng kế hoạch khuyến công vẫn còn chậm, chưa sát với thực tế;
Hầu hết các cán bộ quản lý công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cấp huyện, thị xã, thành phố công tác kiêm nhiệm, không ổn định, mạng lưới cộng tác viên cấp cơ sở chưa được thành lập do vậy công tác nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đề án tại địa phương còn nhiều bất cập;
Nguồn ngân sách cấp cho các đề án, chương trình còn hạn chế nên phần kinh phí hỗ trợ cho từng đề án, chương trình có giá trị thấp, chưa đủ động lực để cơ sở, doanh nghiệp tích cực tham gia cũng như thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp;
Một số đề án triển khai chậm do đơn vị thụ hưởng tốn nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ cũng như giá cả phù hợp để đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất;
Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn nhận thức về chương trình khuyến công còn hạn chế; Bên cạnh đó các địa phương chưa đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng. Việc du nhập, thu hút phát triển thêm ngành nghề mới còn rất hạn chế.
Một số đề án khuyến công về hỗ trợ máy móc thiết bị trong sơ chế nông sản như: Sấy nông sản không mang lại hiệu quả cao, rất hạn chế trong bảo vệ môi trường, hoạt động không liên tục mang tính chất thời vụ.
Giai đoạn 2015-2018 vẫn có đề án hỗ trợ máy móc thiết bị ngừng hoạt động do cơ sơ kinh doanh không hiệu quả.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
Địa bàn hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh rộng; cán bộ cấp huyện kiêm nhiệm và thay đổi liên tục, sự sàng lọc, lựa chọn và tìm hiểu đề án tại cơ sở chưa sát, một số cơ sở CNNT có quy mô nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính dẫn đến đầu tư kéo dài hoặc chậm đầu tư, có đề án xin dừng thực hiện, nên ảnh hưởng đến công tác triển khai.
Trong công tác triển khai các nhiệm vụ khuyến công còn chậm chạp do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công và các hoạt động khuyến công còn hạn chế, chưa đa dạng, đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công chưa khai thác, kết nối thông tin.
Giải pháp thực hiện:
Tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Công Thương địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố để hướng dẫn cho các đơn vị thụ hưởng trong quá trình thực hiện việc lập kế hoạch, lập đề án và triển khai thực hiện đề án.
Xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đề án của đơn vị thụ hưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo việc hoàn thành, nghiệm thu đề án đúng tiến độ, bảo đảm việc hỗ trợ có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng quy định theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, qua đó cũng đề xuất chương trình hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phù hợp với quy định của Nhà nước.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của của Đảng và Nhà nước về chương trình, kế hoạch khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.
Ổn định tổ chức, củng cố kiện toàn công tác nhân sự, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức tại Trung tâm. Hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn theo đúng quy định hiện hành./.