Đắk Lắk: Đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn

Thứ ba - 18/04/2023 23:07
Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Đắk Lắk ngày càng đa dạng, phát triển và có được vị thế nhất định trên thị trường. Đặc biệt, với việc có nhiều hàng hóa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia cho thấy uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh và cơ hội vươn xa của sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh.
Du khách thăm và mua sắm các sản phẩm của Đắk Lắk tại Móng Cái, Quảng Ninh
Du khách thăm và mua sắm các sản phẩm của Đắk Lắk tại Móng Cái, Quảng Ninh
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Sở Công thương Đắk Lắk  đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai có hiệu quả Nghị định số 45/2012 của Chính phủ về khuyến công thông qua nhiều hình thức như: Hỗ trợ máy móc thiết bị, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm; thành lập gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm; đăng ký thương hiệu, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm công nghiệp nông thôn, từng bước đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Ngày 02/02/2023, Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Công Thương đã tổ chức Khai trương cửa hàng trưng bày và giao dịch sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Cửa hàng trưng bày đặt tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng KoTam, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột trưng bày trên 30 sản phẩm của 20 doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp của tỉnh Đắk Lắk, đây là địa điểm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến Đắk Lắk, và cũng là kênh quảng bá, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, tăng lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
324482338 1342081253300859 8188277051757333298 n
Ngày 02/04/2023, Đắk Lắk chính thức đặt trung tâm giới thiệu và xúc tiến thương mại tại số 04 Hoàng Quốc Việt, Phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đây là Trung tâm đầu tiên của Đắk Lắk tại tỉnh Quảng Ninh do Hội Doanh nhân nữ Đắk Lắk chủ trì, tổ chức thực hiện.  Là điểm trưng bày, giới thiệu và cầu nối xúc tiến thương mại các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk và của Hội nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk cùng dịch vụ Du Lịch – Lữ hành Đắk Lắk. Với vị trí thuận lợi, cửa hàng trưng bày - giới thiệu sản phẩm ocop, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khác trên toàn thế giới thông qua các kênh xuất khẩu trực tuyến và trung chuyển.
Có thể nói, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thực hiện trong những năm vừa qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hoạt động chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ định vị thương hiệu, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, trung tâm cũng có những chương trình hỗ trợ để các cơ sở công nghiệp nông thôn  nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Đắk Lắk là các sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương đạt chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đến nay tỉnh Đắk Lắk đã có 29 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tôn vinh là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và chế biến thực phẩm. Ngoài việc được hỗ trợ quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bằng hình thức như: đăng bài viết về cơ sở, về  sản phẩm trên trang thông tin điện tử của ngành công thương, hỗ trợ in ấn phẩm … Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp còn được ưu tiên lựa chọn mời tham gia các chương trình kết nối giao thương giữa các vùng miền, do tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh tổ chức hoặc các chương trình xúc tiến thương mại của ngành tổ chức trong và ngoài nước.
z4276921929302 55cff2c02fe39678eed5bfa7f3a8c977
Gian hàng các sản phẩm CNNT của Đắk Lắk tại Quảng Ninh
Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 45/2012 của Chính phủ về khuyến công, Sở Công thương Đắk Lắk đã triển khai có hiệu quả công tác khuyến công thông qua nhiều hình thức như: Hỗ trợ máy móc thiết bị, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh… đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn Đắk Lắk đến với người tiêu dùng.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hàng ngàn cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó quy mô hoạt động chủ yếu là vừa và nhỏ. Để hỗ trợ các cơ sở này phát triển ổn định, bền vững, nhiều hoạt động khuyến công đã được triển khai. Để sản phẩm các cơ sở phát triển trên thị trường, Sở công thương tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để các cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện thay đổi máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại; thay đổi công nghệ đóng gói, bao bì; hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ năm 2014 – 2022, Sở Công thương Đắk Lắk thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện được 101 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, trong đó 06 đề án ứng dụng máy móc thực hiện bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 1 tỷ 820 triệu đồng;  95 đề án thực hiện bằng nguồn vốn khuyến công địa phương với tổng kinh phí 10 tỷ 332 triệu đồng. Điều này đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, từ đó nỗ lực vượt khó để xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn của mình.  Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng đã chủ động phối hợp cùng với phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị, thành phố, bám sát cơ sở, tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất; gắn việc phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với phát triển du lịch để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm quà tặng truyền thống của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
2
Qua báo cáo của các cơ sở công nghiệp nông thôn cho thấy, hầu hết các cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đều có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu; doanh số của sản phẩm luôn tăng trưởng; cơ sở có điều kiện tạo thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Trong số đó, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đóng góp và hỗ trợ công tác xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với việc chủ động hội nhập, hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, giao lưu văn hóa, hợp tác kinh doanh và thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Cùng với sự phát triển đó, ngành công thương luôn theo sát, tích cực hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm. Tạo điều kiện giúp các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu môi trường kinh doanh, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, mở rộng quan hệ, giao lưu văn hóa đặc trưng giữa các tỉnh, các vùng miền trong cả nước. Việc tham gia hội chợ còn là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu các chính sách ưu đãi và tiềm năng phát triển của tỉnh, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư tại Đắk Lắk. Tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các tỉnh với nhau trong quá trình hội nhập và phát triển.
3
Trong Năm 2023, Tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đây sẽ là chương trình tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, thông qua hoạt động này góp phần hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Từ đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn sẽ chủ động hơn trong công tác phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh công tác bình chọn, tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương./.

Nguồn tin: Mai Thanh - TTKC:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây