Thời gian qua, Công đoàn ngành đã chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời chế độ chính sách, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động được chủ động triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả; Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền, giám đốc các doanh nghiệp và người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất và động viên tinh thần cho người lao động, qua đó đã thể hiện được trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với người lao động, giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, lao động sản xuất…
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở luôn được đặt lên nhiệm vụ hàng đầu, hàng năm Công đoàn ngành xây dựng kế hoạch và đã tổ chức khảo sát, làm việc với doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Công đoàn, kết nạp đoàn viên vào tổ chức công đoàn góp phần chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Lễ ra mắt thành lập Công đoàn cơ sở Công ty May mặc Able joy Đắk Lắk
Người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn được yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn. Đồng thời, được công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn...
Nhiều quyền lợi khi trở thành đoàn viên công đoàn, theo Điều 18 Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 do Quốc hội ban hành, quy định đoàn viên công đoàn có những quyền lợi:
Yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động; quy định của công đoàn.
Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.
Được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.
Được công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do công đoàn tổ chức.
Đề xuất với công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
Như vậy, Người lao động khi vào tổ chức công đoàn ở nơi làm việc sẽ được yêu cầu Công đoàn cơ sở đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn. Đồng thời, được thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn...
Ngoài những quyền lợi được nêu trong quy định của Luật Công đoàn, Điều 178 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện Người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động, gồm:
Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định.
Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này.
Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.
Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.
Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.
Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.
Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Công đoàn cơ sở sẽ đại diện cho người lao động trong việc có ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở còn đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền...
Bên cạnh các quyền lợi người lao động khi vào tổ chức Công đoàn, tại Điều 19, Luật Công đoàn đã quy định trách nhiệm của đoàn viên công đoàn như sau:
Thứ nhất, chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Thứ hai, học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn.
Thời gian đến việc, Công đoàn ngành Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các thông tin cần trao đổi, tư vấn thành lập Công đoàn cơ sở, kết nạp đoàn viên vào tổ chức công đoàn, các đơn vị liên hệ với Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk, địa chỉ 49 Nguyễn Tất Thành, Thành phố Buôn Ma Thuột, ĐT: 02623.511.555 để được hướng dẫn./.