Về số lượng: CNVCLĐ (Công nhân viên chức lao động) ngành Công Thương trong năm qua đã có sự biến động nhất định do các doanh nghiệp làm ăn khó khăn dẫn đến thu hẹp, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh... Số lượng CNVCLĐ trong toàn ngành là 3.443 người (giảm 131 người so với cùng kỳ năm trước); trong đó: Nữ là 1.317 người, dân tộc thiểu số là 382 người.
Về chất lượng: Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của CNVCLĐ ngày càng được nâng lên nhưng không đồng đều giữa các khu vực, tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp.
Về việc làm: Việc làm của CNVCLĐ trong toàn ngành nhìn chung ổn định, người lao động cơ bản đủ việc làm. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động vẫn còn thiếu việc, do một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thu hẹp sản xuất hoặc tinh giản lao động.
Về tiền lương: Tiền lương của CNVCLĐ khu vực hành chính sự nghiệp ổn định với mức bình quân 5.060.000 đồng/tháng, đối với khu vực sản xuất kinh doanh tiền lương của người lao động đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định với mức bình quân là 5.772.000 đồng/tháng. Hầu hết các đơn vị thanh toán tiền lương đầy đủ, kịp thời cho người lao động.
Điều kiện làm việc: Điều kiện làm việc của CNVCLĐ ngày càng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư và có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp, điều kiện làm việc của người lao động còn ít được cải thiện, đặc biệt là lao động sản xuất trực tiếp vẫn phải làm việc trong điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động không đảm bảo.
Về tình hình nhà ở: Đa số CNVCLĐ của ngành là lao động tại chỗ nên tình hình nhà ở tương đối ổn định. Trong đó, số lao động có nhà riêng: 2.990 người (chiếm 86,9%), số lao động ở nhà tập thể: 168 người (chiếm 4,8%), số lao động ở nhà thuê: 285 người (chiếm 8,3%).
Tình hình tổ chức bếp ăn tập thể: Có 28 doanh nghiệp trong ngành hỗ trợ ăn ca cho 1.977 người lao động. Trong đó, có 20 doanh nghiệp tổ chức bếp ăn tập thể cho người lao động, gồm 27 bếp, phục vụ 1.167 người; chủ yếu phục vụ bữa ăn giữa ca, mức ăn bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/suất.
Về tư tưởng, nguyện vọng CNVCLĐ:
Tư tưởng CNVCLĐ trong ngành: Phần lớn tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại bộ phận yên tâm với công việc đang làm, có sự gắn bó với doanh nghiệp, có ý thức phấn đấu vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Nguyện vọng của đa số CNVCLĐ là có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, CNVCLĐ còn thể hiện sự băn khoăn, lo lắng trước tình hình tham nhũng, tiêu cực, sự biến động về giá cá các mặt hàng thiết yếu, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...
* Những kết quả hoạt động công đoàn đạt được trong năm
- Công tác tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.
Về hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”: Công đoàn ngành đã triển khai văn bản hướng dẫn và đôn đốc các CĐCS tổ chức triển khai thực hiện. Có 21 CĐCS triển khai hoạt động hưởng ứng Tuần lễ bằng nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động... Trong đó 10 đơn vị tổ chức tập huấn về công tác ATVSLĐ cho 631 người lao động. Có 09 đơn vị tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 724 người lao động. Qua các hoạt động hướng ứng Tháng ATVSLĐ ở cơ sở đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ góp phần ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị không tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ, số lượng người lao động tham gia hưởng ứng còn ít.
Về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở:
Các CĐCS đã phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thông qua việc xây dựng và ban hành các quy chế (Quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị, Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, Quy chế tổ chức hội nghị người lao động...), tổ chức hội nghị CBCC,VC ở các đơn vị HCSN và tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp.
Qua theo dõi, các đơn vị HCSN, doanh nghiệp Nhà nước và các Công ty cổ phần từ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước tiến hành Hội nghị CBCC,VC; hội nghị người lao động đảm bảo nội dung, thời gian theo quy định và đã có tác dụng thực sự trong việc phát huy dân chủ trong hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến người lao động. Nội dung chủ yếu của Hội nghị là bàn biện pháp thực hiện chương trình công tác, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, trả lời các đề xuất kiến nghị của người lao động, tổ chức phát động phong trào thi đua,… Ngoài ra, việc công khai và tham gia ý kiến của người lao động còn được thực hiện qua các cuộc họp giao ban cán bộ chủ chốt, các cuộc họp cơ quan, hội nghị công đoàn... Các nội quy, quy chế, quy định được niêm yết, hoặc gửi văn bản đến các phòng, đơn vị trực thuộc, hoặc đăng tải trên hệ thống điều hành nội bộ để công khai đến người lao động. Việc tổ chức Hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Việc tổ chức đối thoại với người lao động cũng đã được các đơn vị triển khai thực hiện. Thông qua đối thoại, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc của người lao động; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ như: Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, trợ cấp thôi việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.
Ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể: CĐCS tại doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, toàn ngành đã có 36/48 đơn vị ký kết Thỏa ước lao động tập thể đạt tỷ lệ 75% (Trong đó có 08 bản Thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn). Các bản Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết đã có nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm thân thể, ăn giữa ca, thực hiện chính sách bình đẳng giới, tổ chức tham quan nghỉ mát, hiếu, hỉ.... Qua đó, góp phần chăm lo, đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bản Thỏa ước lao động tập thể sao chép các điều khoản của Luật, hết hạn nhưng chưa được ký tiếp.
- Công tác chăm lo đời sống đối với đoàn viên, CNVCLĐ và hoạt động xã hội:
Các hoạt động chăm lo đời sống đối với đoàn viên, CNVCLĐ được Công đoàn ngành và các CĐCS quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nổi bật giúp đoàn viên, CNVCLĐ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, lao động sản xuất.
Chương trình Nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã được Công đoàn ngành triển khai đến các CĐCS trực thuộc. Trong năm 2018, đoàn viên trong ngành đã tham gia ủng hộ với số tiền là 129.210.000 đồng, tổng quỹ hiện nay là 192.936.000 đồng, đã triển khai xây dựng được 04 nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (01 nhà từ nguồn của LĐLĐ tỉnh hỗ trợ, 03 nhà từ nguồn của Công đoàn ngành hỗ trợ), mỗi nhà trị giá 50.000.000 đồng. Việc tham gia ủng hộ Chương trình của đoàn viên trong ngành đã nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, mới có đoàn viên của 21 đơn vị tham gia ủng hộ.
Công tác thăm hỏi hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn đã được tổ chức Công đoàn quan tâm kịp thời, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, tháng Công nhân. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 112 suất quà cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn của ngành. Công đoàn ngành đã tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy” với các hoạt động văn hóa văn nghệ, tặng quà, trao kinh phí hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, bốc thăm trúng thưởng cho đoàn viên, CNVCLĐ thuộc các CĐCS trong ngành. Các CĐCS đã tổ chức thăm hỏi 587 đoàn viên, CNVCLĐ ốm đau, hoặc có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 374.160.000 đồng.
Trong tháng Công nhân 2018, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 06 suất quà (01 suất quà cho đoàn viên bị tai nạn lao động, 05 suất quà cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng), Công đoàn ngành thăm, tặng 23 suất quà cho đoàn viên, CNVCLĐ bị tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 11.500.000 đồng. Các CĐCS đã tổ chức thăm hỏi 95 đoàn viên, CNVCLĐ ốm đau hoặc có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 25.900.000 đồng.
Quỹ “Đoàn kết tương trợ Công đoàn”: Có 15 CĐCS xây dựng quỹ “Đoàn kết tương trợ” với số tiền là trên 1,1 tỷ đồng cho đoàn viên, CNLĐ vay để giải quyết những khó khăn đột xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, trong năm 2018 đoàn viên, CNVCLĐ ngành Công Thương luôn tích cực tham gia hiến máu nhân đạo do LĐLĐ tỉnh tổ chức, ủng hộ các cuộc vận động xã hội, từ thiện do địa phương phát động như: Ủng hộ đóng góp Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ mẹ VNAH, gia đình chính sách… với tổng số tiền là 587.889.000 đồng.
- Phong trào thi đua:
Công đoàn ngành đã phát động thi đua trong toàn ngành từ đầu năm đến các CĐCS. Các CĐCS đã chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp, căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch SXKD của đơn vị cụ thể hoá thành các chỉ tiêu, từng đợt thi đua và tổ chức triển khai phát động thi đua đến đoàn viên, CNLĐ theo hướng thiết thực, hiệu quả, trọng tâm là các phong trào thi đua“Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí”...
Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được các CĐCS phát động rộng khắp trong đoàn viên, CNVCLĐ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; động viên đoàn viên, CNVCLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc. Trong năm, đã có 28 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, kinh nghiệm, phương pháp quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công tác làm lợi hàng tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong năm 2018.
Phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, thường xuyên được phát động tại các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATVSLĐ trong quá trình lao động sản xuất, tham gia các hoạt động cải thiện môi trường lao động, cao điểm là các hoạt động hưởng ứng Tháng ATVSLĐ; kết quả đã giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, tạo cảnh quan, môi trường làm việc Xanh – Sạch – Đẹp tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Phong trào thi đua “Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí” được các đơn vị tổ chức thông qua việc thực hành tiết kiệm chi phí thường xuyên tại cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng tại các doanh nghiệp; giải quyết kịp thời kiến nghị của CNVCLĐ ... đã góp phần tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sạch vững mạnh.
Nhìn chung, phong trào thi đua đã được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đúng mức, tạo động lực khuyến khích, hăng hái thi đua lao động sản xuất đạt hiệu quả trong đoàn viên, CNVCLĐ góp phần quan trọng vào việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch trong năm 2018.
- Công tác tuyên truyền giáo dục.Công đoàn ngành đã tập trung tuyên truyền và chỉ đạo các CĐCS tuyên truyền về Đại hội X Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, CNVCLĐ trong ngành thông qua Hội nghị tập huấn, mạng xã hội, sinh hoạt Công đoàn... đã thu hút được 2.823 lượt người tham gia.
Hoạt động tháng Công nhân được Công đoàn ngành triển khai đến các đơn vị, cơ sở và đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh tổ chức đối thoại, tuyên truyền Luật BHXH, Luật BHYT và pháp luật lao động đến 130 đoàn viên, CNLĐ thuộc CĐCS Công ty TNHH May Tây Nguyên. Các CĐCS đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng công nhân” với nhiều hình thức như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thăm tặng quà cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, xét hỗ trợ kinh phí xây nhà “Mái ấm Công đoàn”, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… với 1.749 lượt người tham gia. Hoạt động tháng Công nhân đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, góp phần chia sẽ một phần khó khăn, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Trong tháng An toàn giao thông, Công đoàn ngành phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật An toàn giao thông đến hơn 100 đoàn viên, CNVCLĐ trong ngành.
Trong năm 2018, các CĐCS phối hợp với chuyên môn tổ chức 16 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhân dịp kỷ niệm, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập đơn vị... thu hút hơn 630 lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, qua đó giúp người lao động được vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích, tránh xa các tệ nạn xã hội. Công đoàn ngành tổ chức Hội thao CNVCLĐ ngành Công Thương lần thứ XI, năm 2018 với 06 môn thi đấu ở 09 nội dung, có 20 CĐCS trực thuộc tham gia với trên 300 vận động viên tham gia tranh tài ở các nội dung.
- Công tác tổ chức và xây dựng tổ chức Công đoàn.
Công đoàn ngành Công Thương đến nay có 52 CĐCS. đang hoạt động tăng 02 CĐCS so với cùng kỳ năm trước (03 CĐCS thành lập mới, 01 CĐCS chuyển sinh hoạt theo ngành dọc) với tổng số đoàn viên Công đoàn là 3.345 người; trong đó nữ là 1.226 người.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS: Thực hiện chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong năm 2018, Công đoàn ngành đã xây dựng kế hoạch và đã tổ chức khảo sát, làm việc với doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Công đoàn. Trong năm đã vận động được 06 đơn vị thành lập tổ chức Công đoàn, trong đó 03 đơn vị thành lập CĐCS, 03 đơn vị sinh hoạt Công đoàn ghép với đơn vị khác trong
- Công tác Nữ công.
Công đoàn ngành đã hướng dẫn, đôn đốc chỉ đạo các CĐCS tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và 1978 năm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tổ chức chương trình gặp mặt cán bộ Nữ công nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 tại khu du lịch sinh thái KoTam với các hoạt động tọa đàm, tặng quà, giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi cho 89 người tham dự. Các CĐCS đã phối hợp với chuyên môn tổ chức kỷ niệm 108 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và 1978 năm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng với các hoạt động như: Tổ chức tọa đàm, thi nấu ăn, tham quan du lịch…. cho 1.036 lượt chị em tham gia, với tổng kinh phí là 308.656.000 đồng; 75 chị được khen thưởng, với số tiền là 21.830.000 đồng.
Các hoạt động Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10) được Công đoàn ngành hướng dẫn, chỉ đạo các CĐCS thực hiện. Công đoàn ngành đã tổ chức gặp mặt, tặng quà cho các chị em Ban Nữ công quần chúng của ngành, các CĐCS đã phối hợp với chuyên môn tổ chức với nhiều hoạt động như: Thi nấu ăn, cắm hoa, tổ chức đi du lịch, tọa đàm, tặng quà… thu hút 779 lượt chị em tham gia; tổng kinh phí tổ chức các hoạt động tại CĐCS là 290.100.000 đồng.
Trong tháng hành động vì trẻ em, Công đoàn ngành đã hỗ trợ 06 suất quà cho con em của đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền là 3.000.000 đồng. Các CĐCS đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức các hoạt động vui chơi, xem phim, liên hoan, tặng quà, khen thưởng… cho 2.172 cháu thiếu nhi tại cơ sở với tổng kinh phí tổ chức là 355.572.000 đồng. Trong dịp Tết Trung thu các CĐCS đã phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu là con em của CNVCLĐ trong đơn vị với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: Tổ chức vui chơi, tặng quà, liên hoan, múa lân... cho 2.036 cháu với chi phí 320.100.000 đồng.
- Công tác kiểm tra.
Tổng số UBKT Công đoàn gồm có 31 UBKT (01 UBKT Công đoàn ngành và 30 UBKT CĐCS) với 96 Ủy viên.
Công đoàn ngành đã ban hành kế hoạch công tác kiểm tra năm 2018. Trong năm UBKT Công đoàn ngành đã tổ chức kiểm tra đồng cấp tài chính Công đoàn năm 2017; tiến hành kiểm tra chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công tác thu chi tài chính Công đoàn tại 09 CĐCS. Kết quả Công đoàn ngành đã thực hiện tốt các quy định theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công tác thu chi tài chính Công đoàn thực hiện theo đúng quy định của nhà nước và của tổ chức Công đoàn; các CĐCS thực hiện tương đối tốt các nội dung về chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công tác thu chi tài chính theo đúng quy định; tuy nhiên vẫn còn một số CĐCS công tác kiểm tra chưa được chú trọng, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn nội dung, phương pháp hoạt động của UBKT CĐCS để thực hiện theo đúng quy định.
UBKT CĐCS thực hiện kiểm tra đồng cấp 12 cuộc, kiểm tra cấp dưới 13 cuộc.
- Công tác tài chính công đoàn:
Việc sử dụng, quản lý tài chính, tài sản của Công đoàn ngành đúng mục đích, thu chi rõ ràng, mở sổ và sử dụng phần mềm quản lý tài chính, tài sản Công đoàn đúng quy định.
Việc xây dựng dự toán, quyết toán tài chính năm một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc; việc trích nộp nghĩa vụ tài chính lên Công đoàn ngành một số CĐCS chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công đoàn ngành đã có thông báo cụ thể đến từng đơn vị.
Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhìn chung năm 2018 Công đoàn ngành và các CĐCS đã bám sát nhiệm vụ của ngành, của cơ sở, nghị quyết của Công đoàn các cấp; đã chủ động, tích cực xây dựng Kế hoạch, chương trình công tác và tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức chương trình Tết Sum vầy 2018; tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật BHXH, Luật BHYT, Bộ Luật Lao động năm 2012; tổ chức đăng ký, phát động thi đua; tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động nhân “Tháng Công nhân”; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đoàn viên, CNVCLĐ; thường xuyên chú trọng công tác thăm hỏi, giúp đỡ đoàn viên CNVCLĐ vượt khó; thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện…
Tác giả: Mai Thanh -TTKC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn