Xác định nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công với các nội dung: Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị điện tử. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia, hưởng ứng vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách; thực hiện có hiệu quả chủ đề cải cách hành chính năm 2024:“Tập trung nguồn lực thực hiện cải cách hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai và thực hiện kế hoạch; nâng cao nhận thức của mỗi công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân góp phần nâng cao xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh.
Bên cạnh đó trong Kế hoạch yêu cầu thực hiện nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công phải đồng bộ với Kế hoạch Cải cách hành chính Nhà nước của tỉnh và của Sở Công Thương 2024. Quán triệt, triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024. Thực hiện các chỉ đạo, định hướng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Đảm bảo nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản trị hành chính công cho công chức, viên chức ngành công thương.
Với nội dung rõ ràng trong quá trình thực hiện như Công khai, minh bạch: Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của ngành công thương; Đa dạng hóa các hình thức công khai chính sách, pháp luật hiện hành để người dân có cơ hội tiếp cận các thông tin chính sách pháp luật; tăng cường công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản. Đẩy mạnh các hình thức công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở để người dân nắm bắt được thông tin về các kế hoạch, quy hoạch thuộc lĩnh vựcngành quản lý.
Trách nhiệm giải trình với người dân: Triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ giải trình trong nội quy, quy chế làm việc. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân: bố trí người đúng chức trách, thẩm quyền; người đứng đầu cơ quan đơn vị đảm bảo lịch trực tiếp công dân định kỳ. Tăng cường công tác đối thoại với tổ chức, cá nhân để biết nguyện vọng và giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở. Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Kiểm soát tham nhũng: Thực hiện công khai, minh bạch về tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo theo quy định pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, xét tuyển, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo tuyển dụng được những người có năng lực vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về phòng chống tham nhũng của Tỉnh, Bộ Công Thương và các cơ quan Trung ương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị. Kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu tiêu cực và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tin báo phản ánh tham nhũng, các vụ việc tham nhũng.
Thủ tục hành chính công: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách TTHC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của công chức tham mưu thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC. Thực hiện công khai minh bạch TTHC lĩnh vực công thương được tiếp nhận giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến TTHC. Tuyên truyền, nội dung, ý nghĩa của dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch. Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch số 7201/KH-UBND ngày 02/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện “Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh”; Kế hoạch số 10357/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về triển khai hệ thống quản lý tài liệu điện tử và số hóa kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của Kế hoạch số 10357/KH-UBND ngày 22/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai hệ thống quản lý tài liệu điện tử tỉnh và số hóa kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025, Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 3/11/2022 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bãi bỏ một số nội dung của Kế hoạch số 10357/KH-UBND và Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 28/01/2022. Tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, rà soát cử công chức có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thường xuyên phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của công chức Sở Công Thương đến làm việc tại Trung tâm.
Cung ứng dịch vụ công: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có các giải pháp nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sinh hoạt của người dân. Quản trị điện tử: Đánh giá hiện trạng Trang thông tin điện tử của Sở, đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến đến người dân biết và sử dụng, khai thác tìm hiểu những chính sách của tỉnh, của ngành công thương trên Trang thông tin điện tử của sở. Nâng cao chất lượng cung cấp thông tin Trang thông tin điện tử của Sở để tổ chức, cá nhân truy câp, tìm kiếm thông tin thuân lợi. Thường xuyên cập nhật tin tức hoạt động của cơ quan, các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực công thương, các thủ tục hành chính. Xây dựng chuyên mục “Lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân” để kịp thời trả lời phản ánh, kiến nghị và tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân, tổ chức về các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách về ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cơ quan, các quy trình xử lý công việc trong nội bộ cơ quan, với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và giao dịch các cơ quan hành chính khác.