Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 26/04/2024 03:52
Ngày 26 tháng 4 năm 2024, tại tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên tháng 4 năm 2024. Chương trình do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp thực hiện.
Về phía trung ương, Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo các Vụ như: Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc Tiến Thương mại, Hiệp hội rau quả Việt Nam, Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam...
Về phía địa phương, có sự tham dự của Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện lãnh đạo UBND Thành phố Buôn Ma Thuột - Ông Trần Đức Nhật, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của các tỉnh Tây Nguyên như: Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính và các cơ quan, ban ngành, Hiệp hội như: Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại Đắk Nông, Liên minh hợp tác xã Gia Lai, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Chi cục phát triển nông thôn Sở NN và PTNT Gia Lai, Hội nghị chào đón hơn 200 doanh nghiệp đến từ các tỉnh Tây Nguyên như: Công ty TNHH MTV XNK 2-9, Tiktok Việt Nam, Alibaba.com Việt Nam....Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Tây Nguyên do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột được tổ chức vừa bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chương trình Hội nghị đã tập trung trao đổi những vấn đề về: hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu của vùng Tây Nguyên; liên kết vùng Tây Nguyên trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; kết quả một số hoạt động xúc tiến thương mại trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử...
Phát biểu khai mạc, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp tốp nhất nhì khu vực cũng như thế giới thì Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su… Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Vùng đất đại ngàn phía tây này của Tổ quốc, dù hội đủ những điều kiện để phát triển nhưng hiện tại lại gặp nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, đem lại giá trị không cao cho người dân, doanh nghiệp. Các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều, do đó còn gặp phải nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật. Lĩnh vực công nghiệp Vùng Tây nguyên còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức khi thiếu nhân lực chất lượng cao, hạ tầng logictics, cơ sở vật chất còn yếu. Đặc biệt, liên kết nội vùng đang thể hiện nhiều điểm yếu, lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng. Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.
Đại diện Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.
Trên cơ sở triển khai của lãnh đạo Bộ Công Thương, chương trình Hội nghị đã diễn ra hết sức thành công, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Tây Nguyên được nghe các ý kiến tham luận của các đại biểu Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện các địa phương vùng Tây Nguyên, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các hiệp hội, doanh nghiệp. Các ý kiến đưa ra rất cụ thể, thẳng thắn, đi sâu vào những tiềm năng, thế mạnh cũng như những bất cập và hạn chế gây cản trở phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng.
Hội nghị đã đưa ra một số giải pháp đối với các địa phương và các doanh nghiệp trong vùng, theo đó, các tỉnh cần tính toán, liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của Vùng, từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ/ngành liên quan đẩy mạnh , xúc tiến xuất khẩu trọng tâm cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu, Xây dựng tốt nhất mô hình liên kết phù hợp, khi đó mỗi mắt xích trong các chuỗi này đều được hưởng lợi, từ đó từng bước cân bằng phát triển kinh tế nội Vùng.
Các doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu các ưu đãi đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để xác định các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất cho sản phẩm của mình, hoặc các thị trường xuất khẩu tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro trong trường hợp 1 thị trường xuất khẩu nào đó gặp bất ổn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên nghiên cứu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó có các chương trình của địa phương hoặc của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp cần đầu tư xác đáng cho việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực của nhân sự tham gia thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử từ đó có thể mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh tại Hội nghị, sự phát triển của đa dạng các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên vốn eo hẹp về kinh phí XTTM trực tiếp tại nước ngoài, nay có thể tận dụng được các nền tảng này để quảng bá hàng hoá đi tới nhiều thị trường xa, nhiều doanh nghiệp của Vùng Tây Nguyên dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế nhưng còn thụ động trong công tác XTTM. Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, khả năng tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục sẽ tích cực đồng hành Vùng trong các hoạt động như: Cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu,Tổ chức kết nối giao thương, Nâng cao năng lực XTTM và phát triển xuất khẩu cho doanh nghiệp, đặc biệt, Cục sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức sâu rộng hơn về thương hiệu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia. Nhân dịp Hội nghị hôm nay, tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp lớn Vùng Tây Nguyên nghiên cứu, đăng ký tham gia xét chọn thương hiệu quốc gia năm 2024. Đây là hoạt động XTTM đặc thù nhằm bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín, giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng ở thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới. Cục XTTM sẽ tổ chức nhiều chương trình hội thảo, khóa đào tạo liên quan tới nhận thức về thương hiệu và xây dựng thương hiệu để các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của thương hiệu.
Quan trọng hơn hết, đối với Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương Vùng Tây Nguyên hỗ trợ các doanh nghiêp trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển hiệu quả, năng động hơn nữa.
Các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ cụ thể, tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp thuộc Vùng Tây Nguyên nâng cao năng lực tham gia thương mại quốc tế, nâng cao nhận thức về sản phẩm, thương hiệu và thị trường, xây dựng định hướng phát triển phù hợp và nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội thị trường.
Tây Nguyên cần được khơi thông, phát huy các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá, thông qua hội nghị này đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan đã cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.
Bên lề hội nghị đã diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với một số Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Tác giả: Tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại