Ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 4/2018 đạt 160 nghìn tấn, trị giá 304 triệu USD, giảm 20,1% về lượng và giảm 21,5% về trị giá so với tháng 3/2018, tăng 18,7% về lượng nhưng giảm 0,6% về trị giá so với 4/2017. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 689 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng nhưng giảm 0,1% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2017.
Giá xuất khẩu mặt hàng cà phê tháng 4/2018 trung bình ở mức 1.900 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng 3/2018 và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 4 tháng năm 2018, giá xuất khẩu cà phê trung bình ở mức 1.933 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 3/2018, lượng cà phê Robusta xuất khẩu đạt 175,4 nghìn tấn, trị giá 310,53 triệu USD, tăng 17,9% về lượng, nhưng giảm 2,6% về trị giá so với tháng 3/2017. Trong 3 tháng đầu năm 2018, lượng cà phê Robusta xuất khẩu đạt 467,9 nghìn tấn, trị giá 834,61 triệu USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với 3 tháng đầu năm 2017.
Trên thị trường thế giới, tháng 4/2018, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn biến động không đồng nhất. Giá cà phê Arabica tăng do thời tiết tại vùng trồng cà phê Arabica của Brazil không thuận lợi.
Tháng 4/2018, thị trường cà phê Robusta chịu tác động của các yếu tố như nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu khá dồi dào, sau vụ mùa cà phê của Việt Nam, sẽ đến vụ thu hoạch của Bra-xin. Theo Hiệp hội người xuất khẩu cà phê Indonesia, sản lượng cà phê năm 2018 của nước này ước đạt 660.000 - 690.000 tấn, tăng so với mức 560.000 tấn năm 2017.
Ngoài ra tồn kho ở mức cao cũng ảnh hưởng đến thị trường cà phê Robusta. Tồn kho dự trữ ở châu Âu mặc dù giảm nhẹ, nhưng vẫn đủ đáp ứng cho khoảng 3 tháng hoạt động rang xay theo nhu cầu. Tính đến ngày 23/4/2018, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London giảm 1.340 tấn (giảm 1,5%) so với tuần thương mại trước đó, xuống mức 77.900 tấn. Tại Mỹ, theo Green Coffee Association, lượng cà phê dự trữ tại các kho đến cuối tháng 3/2018 tăng 42.449 bao so với cuối tháng 2/2018