Dầu bớt giảm sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận với Iran
Giá dầu thô kết thúc phiên vừa qua sụt giảm 2%, tuy nhiên đã hồi phục nhiều từ mức thấp hơn trước đó, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận với Iran về ngăn chặn chương trình hạt nhân ký vào năm 2015, và đồng thời tuyên bố sẽ áp các trừng phạt "ở mức cao nhất" đối với quốc gia Trung Đông này.
Dầu Brent giảm 1,7% xuống 74,85 USD/thùng vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,4% xuống 69,06 USD/thùng. Trước đó trong cùng phiên, có lúc giá giảm tới 4%, dầu WTI xuống chỉ 67,63 USD/thùng, còn dầu Brent xuống 73,10 USD/thùng vì giới đầu tư nghi ngờ việc ông Trump sẽ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân như lời đe dọa.
Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong khối Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và chiếm khoảng 4% nguồn cung dầu toàn cầu, với sản lượng khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Từ khi được xóa các lệnh trừng phạt năm 2015, xuất khẩu dầu thô Iran đã tăng lên khoảng 2,5 triệu thùng/ngày so với chỉ dưới 1 triệu thùng giai đoạn trước đó (2012-2015). Việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên quốc gia này có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa.
Giá dầu hồi phục một phần nữa cũng bởi Viện Dầu mỏ Mỹ thông báo dự trữ dầu thô nước này giảm 1,9 triệu thùng trong tuần tới 4/5, nhiều hơn mức -710.000 thùng mà giới phân tích dự đoán.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định sản lượng dầu của Iran có khả năng không bị ảnh hưởng nhiều khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, trừ khi ông Trump có thể thuyết phục các đồng minh khác cũng tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran".
Vàng ổn định do USD lên cao nhất năm 2018
Giá vàng vững trong phiên vừa qua sau khi USD lên cao nhất kể từ đầu năm bởi lo ngại Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran. Vàng giao ngay giá vững ở 1.313,76 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6 giảm 0,4 USD tương đương 0,03% xuống 1.313,79 USD/ounce. Dự báo giá vàng năm 2018 sẽ tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm do những bất ổn địa chính trị thu hút các nhà đầu tư rót tiền vào thị trường này.
Bộ phận nghiên cứu kim loại GFMS của Thomson Reuters dự báo giá vàng trung bình năm nay sẽ là 1.360 USD/ounce, tăng 8% so với năm 2017, và có thời điểm sẽ lên tới 1.500 USD/ounce. Theo GFMS, các quỹ ETFs sẽ mua tới 350 tấn vàng trong năm nay so với chỉ 177 tấn năm ngoái; ngoài ra, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng sẽ khôi phục hoạt động mua vàng, đưa tổng nhu cầu mua ròng chính thức năm nay lên hơn 400 tấn lần đầu tiên kể từ 2015.
Nguyên liệu sản xuất thép tiếp tục tăng
Giá các nguyên liệu sản xuất thép trên thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp do các nhà đầu cơ không ngừng mua dự trữ khi công suất sản xuất của các nhà máy thép tăng trở lại. "Sản lượng thép tăng luôn luôn mang đến triển vọng tích cực đối với nhu cầu quặng sắt cũng như các nguyên liệu khác", công ty môi giới Argonaut cho biết.
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 1,6% trong phiên vừa qua, lên 476 NDT (74,80 USD)/tấn; quặng sắt giao tại cảng Tần Hoàng Đảo (Trung Quốc) tăng 1% lên 67,26 USD/tấn, cao nhất trong vòng 2 tuần. Trong khi đó, giá than luyện cốc tăng 1,6% lên 1.248 NDT/tấn, còn than cốc tăng 1% lên 2.022 NDT/tấn, cao nhất kể từ 9/3.
Sản lượng thép thô của các công ty thép chủ chốt trong giai đoạn từ 10-20/4/2018 đã tăng 1,87% so với cùng kỳ tháng trước, với sản lượng trung bình ngày đạt 1,91 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Sắt Thép Nhật Bản. Dự trữ thép cây đã giảm từ giữa tháng 3 – thời điểm cao nhất nhiều năm (9,79 triệu tấn) xuống 6,71 triệu tấn vào ngày 4/5, theo số liệu của SteelHome. Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy thép tuần qua tăng 1,24% so với tuần trước đó, lên 68,92%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Cao su giảm từ mức cao nhất 1,5 tháng
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo đầu phiên vừa qua đạt mức cao nhất 1 tháng rưỡi, nhưng đã giảm trở lại vào lúc đóng cửa, do các yếu tố cung – cầu vẫn yếu và giá dầu trước đó giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi xem Mỹ sẽ quyết định thế nào về thỏa thuận hạt nhân Iran. Cao su giao tháng 10 tại Tokyo giảm 1,8 yen xuống 191,7 JPY (1,76 USD)/kg, sau khi có lúc đạt 195 JPY – cao nhất kể từ 16/3. Giá ở Tokyo vẫn giảm mặc dù giá tại Thượng Hải tăng 30 NDT lên 11.735 NDT (1.845 USD)/tấn (hợp đồng giao tháng 9). Nhập khẩu cao su thiên nhiên và tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 428.000 tấn, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hạt điều giảm do nhu cầu yếu
Giá hạt điều trên thị trường Ấn Độ giảm khoảng 5 rupee do nhu cầu yếu trong khi tồn trữ còn nhiều. Điều nhân các loại No 180, 210, 240 và 230 giá bán buôn giảm đồng loạt 5 rupee xuống lần lượt 1.080-1.085 Rs, 975-985 Rs, 875-885 Rs và 755-775 Rs/kg.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giao tháng 7 giảm 1,15 US cent (1%) xuống 1,196 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn giảm 19 USD (1,1%) xuống 1.794 USD/tấn. Tuy nhiên, những thông tin mới nhất có thể sẽ kéo giá tăng trở lại trong những phiên tiếp theo.
Dự trữ cà phê robusta tại châu Âu (có xác nhận) trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi. Tính từ đầu năm tới nay, dự trữ đã giảm gần 37% xuống chỉ 76.790 tấn. Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo tiêu thụ cà phê niên vụ 2017-18 sẽ tăng, và thị trường đang chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt nhẹ.
Cụ thể, ICO nâng dự báo tiêu thụ trong niên vụ 2017-18 lên 159,92 triệu bao (1 bao = 60 kg), cao hơn mức 158,89 triệu bao công bố trước đó, và cho biết nguồn cung niên vụ này thiếu hụt khoảng 254.000 bao (trước đây ICO dự báo là dư thừa). Dự báo về sản lượng cà phê niên vụ 2017-18 được ICO giữ nguyên ở 159,66 triệu bao. Về niên vụ 2016-17, ICO cũng điều chỉnh các con số cung – cầu, và cho biết thị trường thiếu hụt 164.000 bao chứ không phải dư thừa 312.000 bao như dự báo trước đây, phản ánh nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên.
Đường giảm giá
Giá đường thô giao tháng 7 tăng 0,24 US cent (2,1%) lên 11,56 US cent/lb, trong khi đường trắng giao tháng 8 tăng 6,5 USD (2%) lên 327,60 USD/tấn do công ty môi giới INTL FC Stone dự báo sản lượng đường ở khu trung-nam Brazil sẽ giảm 14% so với niên vụ trước, xuống mức thấp nhất 9 năm. Tuy nhiên, sản lượng dự báo sẽ tăng ở những nước sản xuất chủ chốt khác, trong đó có Ấn Độ và Thái Lan, do đó nguồn cung sẽ vẫn dư thừa. S&P Global Platts/Kingsman dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2018-19 sẽ vượt 12,59 triệu bao so với nhu cầu, là mức dư thừa nhiều nhất kể từ vụ 2006-07. Niên vụ 2017-18 nguồn cung dự báo cũng sẽ dư thừa 11,46 triệu tấn, cao hơn mức 9,24 triệu tấn trong báo cáo trước đây.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng