Hãng dầu lửa Mỹ ConocoPhillips đang quyết tâm mua số tài sản trị giá 2 tỷ USD của công ty dầu lửa quốc doanh Venezuela là PDVSA. "Nếu ConocoPhillips thành công, thu nhập của PDVSA sẽ sụt giảm thêm nữa", nhà quản lý công ty nghiên cứu thị trường Tradition in Stamford, ông Gene McGillian cho biết. Tổng cộng, xuất khẩu dầu từ 3 cơ sở của PDVSA có thể giảm 400.000 thùng/ngày. Trong quý 1/2018, PDVSA đã xuất khẩu 1,19 triệu thùng dầu thô/ngày từ các cơ sở sản xuất ở Venezuela và Caribbean, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Khủng hoảng kinh tế khiến Venezuela không thể đầu tư đầy đủ cho ngành dầu khí của mình, và sản lượng dầu của nước này hiện đã giảm một nửa so với mức hồi đầu thập niên 2000, còn 1,5 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, liên quan tới vấn đề Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ quyết định về việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran hay áp lệnh trừng phạt nên quốc gia này vào lúc 18hGMT ngày hôm nay 8/5/2018. Chuyên gia phân tích năng lượng Joe McMonigle thuộc công ty Hedgeye Research nhận định: "Tôi thấy có dấu hiệu rằng ông Trump đang lên kế hoạch tái áp đặt lệnh trừng phạt, và giờ chỉ còn câu hỏi thị trường dầu sẽ diễn biến ra sao".
Nếu ông Trump khôi phục các lệnh trừng phạt cơ bản, theo luật pháp Mỹ thì cần ít nhất 180 ngày để những lệnh này có hiệu lực để đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ (có sự chuẩn bị cho nguồn cung thay thế dầu của Iran).
Vàng giảm vì dollar index cao nhất kể từ đầu năm
Vàng giảm giá trong phiên vừa qua sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó do chỉ số đồng USD (dollar index) tăng mạnh sau số liệu việc làm không mấy tích cực của Mỹ. Vàng giao ngay giảm 0,04 % xuống 1.314,08 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm 0,6 USD (0,05%) xuống 1.314,10 USD/ounce.
Quặng sắt tăng
Trong phiên thứ 2 mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trực tiếp, giá quặng sắt kỳ hạn giao sau trên thị trường Trung Quốc do nhu cầu mua mạnh lên trong bối cảnh các nhà sản xuất thép khôi phục công suất sản xuất. Quặng sắt giao tháng 9 tăng 0,2% lên 470 NDT (73,86 USD).
Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy thép Trung Quốc tuần qua tiếp tục tăng thêm 1,24 điểm phần trăm, từ mức 68,92 điểm của tuàn trước đó, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Trung Quốc vừa mở cửa thị trường giao dịch quặng sắt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 3 nước này đã mở cửa thị trường giao dịch dầu thô cho khách hàng quốc tế.
Xuất khẩu quặng sắt Australia từ cảng Hedland sang Trung Quốc trong tháng 4 tăng 3,3% so với tháng trước đó, lên 36,15 triệu tấn.
Kẽm đảo chiều tăng sau 8 phiên giảm
Giá kẽm kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải đảo chiều tăng sau 8 phiên liên tiếp giảm do hoạt động mua vào diễn ra mạnh mẽ. Giá đã tăng 2,3% trong phiên vừa qua, lên 23.910 NDT (3.756,19 USD)/tấn; trong phiên có lúc giá chỉ 23.145 NDT, thấp nhất kể từ cuối tháng 8. Là một trong những nguyên liệu sản xuất thép nên mặt hàng kẽm thường được săn mua khi sản lượng thép tăng.
Cao su thiên nhiên tăng do giá dầu cao
Giá cao su tại Tokyo tăng theo xu hướng giá tại Thượng Hải và do giá dầu có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Hợp đồng giao tháng 10 trên sàn Tokyo kết thúc phiên tăng 1,5 yen lên 193,5 JPY/1,77 USD mặc dù đầu phiên có lúc giá thấp chỉ 188,9 JPY. Hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 140 NDT lên 11.765 NDT (1.849 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá cũng chỉ 11.510 NDT.
Tuy nhiên, nhà phân tích Toshitaka Tazawa thuộc hãng môi giới hàng hóa Fujitomi Co. cho hay: "Mức kháng cự kỹ thuật chỉ cao hơn 195 JPY một chút và rất khó để cao su Tokyo vượt mức này dù giá dầu tăng thêm nữa, bởi giá dầu là yếu tố duy nhất hậu thuẫn giá cao su lúc này". Hồi tháng 2 và tháng 3, giá cao su đã rất "cố gắng" nhưng cũng không thể phá ngưỡng 160 JPY do lo ngại dự trữ mặt hàng này gia tăng.
Dự trữ cao su tại các kho của sàn Tokyo đã đạt 13.792 tấn vào ngày 20/4, tăng 134 tấn so với thời điểm 10/4 và gấp gần 11 lần so với cách đây mọt năm.
Bông trồi sụt
Giá bông kỳ hạn trên sàn New York giảm gần 1% vào lúc đóng cửa phiên vừa qua do hoạt động bán kiếm lời sau khi vào giữa phiên giá vọt lên mức cao kỷ lục 4 năm bởi lo ngại thiếu cung bông chất lượng cao. Hợp đồng giao tháng 7 chốt phiên giảm 0,91 US cent tương đương 1,05% xuống 85,99 US cent/lb; trong phiên có lúc giá đạt 88,08 US cent, cao nhất kể từ tháng 5/2014.
Dầu cọ tăng mạnh nhất 3 tuần
Giá dầu cọ kỳ hạn giao sau trên thị trường Malaysia đã tăng mạnh theo xu hướng giá dầu mỏ và dầu đậu tương. Kết thúc phiên giao dịch, dầu cọ giao tháng 7 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 1,6% lên 2.377 ringgit (603,30 USD)/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ 17/4. Đầu phiên, có lúc giá tăng 1,7% lên 2.379 ringgit, cao nhất kể từ 2/5.
Dầu Brent trong phiên vừa qua có lúc vượt 70 USD/thùng, trong khi dầu đậu tương trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) phiên cuối tuần trước (4/5) tăng 0,9%. .
Dự trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 4 ước tính giảm 4,1% xuống 2,23 triệu tấn, thấp nhất trong vòng 6 tháng; xuất khẩu trong tháng 4 ước tính cũng giảm 5,5% so với tháng trước, xuống 1,48 triệu tấn, mặc dù sản lượng vẫn duy trì ở 1,57 triệu tấn.
Cà phê thấp nhất 3 tuần
Giá cà phê arabic giao tháng 7 giảm 1,85 US cent (1,5%) xuống 1,2075 USD/lb, mức thấp nhất kể từ 16/4 do nội tệ Brazil (real) yếu so với USD và thời tiết khô ráo ở Brazil thuận lợi cho việc thu hoạch và phơi sấy cà phê.
Đường thấp nhất 2 năm rưỡi
Tiếp tục duy trì quanh mức thấp nhất 2 năm rưỡi, đường thô giao tháng 7 giảm 0,19 US cent (1,7%) xuống 11,32 US cent/lb. Nguồn cung đã, đang và dự báo sẽ tiếp tục dư thừa gây áp lực triền miên lên giá đường. Đồng real Brazil giảm giá càng khiến giá đường giảm sâu.
Công ty môi giới đường Mỹ, JSG Commodities, dự báo giá đường thô có thể sẽ còn giảm tiếp xuống chỉ 8 US cent (kỳ hạn giao tháng 10).
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng