Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk 42 năm trưởng thành và phát triển

Thứ hai - 05/06/2017 23:19
1. Quá trình hình thành và phát triển
          Ngay sau ngày miền Nam được giải phóng cùng với cả nước tỉnh Đắk Lắk khẩn trương bước vào công cuộc hàn gắn vết thương sau chiến tranh, ra sức tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế ổn định đời sống nhân dân. Các cơ quan hành chính của tỉnh được thành lập, trong đó có Ban cải tạo công thương nghiệp. Tại Ty Thương nghiệp đã thành lập được Phòng cải tạo làm nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của thị trường địa phương, cùng với các ngành tham gia thực hiện chính sách cải tạo Công Thương nghiệp theo Quyết định số 569/QĐ-UB ngày 06/12/1996 của UBND tỉnh.
          Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường công tác quản lý nguồn hàng, quản lý thu chi tài chính về tiền mặt, phấn đấu ổn định thị trường và đời sống nhân dân, ngày 16/7/1977  UBND  tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 363/TC thành lập Ban Quản lý thị trường. Ban Quản lý thị trường gồm 22 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Ty Thương nghiệp làm Phó Trưởng ban, đồng chí Phó Ty Thương nghiệp làm ủy viên thường trực, cùng các ủy viên là Lãnh đạo các Sở, ngành như Ban cải tạo Công Thương nghiệp, Uỷ ban vật giá, Nông nghiệp, Giao thông, Ngân hàng, UBND thị xã Buôn Ma Thuột, Công nghiệp, Xây dựng, Công ty Ngoại thương, Văn hóa Thông tin, Lương thực, Nông hội tỉnh, Y tế, Quản lý nhà đất, Công an, Ban Tuyên huấn, ngoài ra còn huy động đại biểu các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Mặt trận, Bộ chỉ huy quân sự tham gia với tư cách là ủy viên. Tại các huyện, thị xã thành lập Ban Quản lý thị trường với thành phần như trên. Đến thời điểm việc giao lưu mua bán hàng hóa giữa tỉnh Đắk Lắk với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải miền Trung ngày càng thuận tiện, lượng hàng hóa nông sản, cà phê, lâm sản của tỉnh bán ra các tỉnh ngoài ngày một nhiều, thị trường ngày càng được mở rộng, để quản lý chặt chẽ nguồn hàng xuất đi, ngày 10/8/1989 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-UB thành lập Đội kiểm tra đặc biệt, làm nhiệm vụ cơ động kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên đường.
          Để thực hiện Quyết định số 190/HĐBT ngày 16/7/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 08/6/1990 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 453/QĐ-UB thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh gồm 12 thành viên là Lãnh đạo các Sở, ngành như: Thương nghiệp, Công an, Quân sự, Tài chính Vật giá, Thanh tra Nhà nước, Tư pháp, Kiểm lâm, Thuế và Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột, các huyện là địa bàn trung tâm nằm trên trục quốc lộ chính vào tỉnh là Ea H’Leo, M’Đrắk, Đắk R’Lấp. Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Thương nghiệp làm Phó ban Thường trực, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo công tác Quản lý thị trường, chống buôn lậu, chống buôn bán hàng giả. Để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, ngày 22/6/1990 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 191/QĐ-UB thành lập Đội kiểm tra thị trường liên ngành của tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh. Đội gồm có 9 đồng chí từ các ngành Công an, Kiểm lâm, Thuế, Thương nghiệp điều động sang. Tại các huyện đã có 14 Đội kiểm tra thị trường được thành lập trước đây, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND các huyện.
          Để thống nhất tổ chức chỉ đạo Quản lý thị trường theo Nghị định số 398/HĐBT, văn bản số 09/QLTT-TW ngày 10/01/1992 của Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương về tổ chức chỉ đạo Quản lý thị trường ở địa phương, đồng thời trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Quản lý thị trường và Ban đặc nhiệm chống buôn lậu, ngày 21/02/1992 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 102/QĐ-UB thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường gồm 20 đồng chí là Lãnh đạo các Sở, ngành như: Thương mại, Công an, Tài chính Vật giá, Ngân hàng, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Kiểm lâm, Thuế, Hải quan, Quân sự, Thanh tra, Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột, huyện M’Đrắk, Ea H’Leo, Đắk R’Lấp, cuối năm 1993 bổ sung thêm 1 đồng chí Lãnh đạo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ban Chỉ đạo có bộ phận thường trực gồm 5 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối lưu thông phân phối làm Phó trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Thương mại Du lịch làm Phó ban thường trực, Lãnh đạo Sở Tài chính, Công an làm Ủy viên. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường có nhiệm vụ chỉ đạo công tác Quản lý thị trường, chống buôn lậu trong toàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo phối hợp các lực lượng chống buôn lậu và trực tiếp chỉ đạo Đội kiểm tra thị trường liên ngành, ngoài ra từng thành viên chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu thuộc ngành mình quản lý.
           Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo, ngày 21/3/1992 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 104/QĐ-UB thành lập Đội kiểm tra thị trường tỉnh trên cơ sở hợp nhất Đội kiểm tra thị trường cũ với các Đội kiểm tra thị trường của thị xã Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’Leo, M’Đrắk, Đắk R’Lấp, Đội gồm 5 đồng chí thuộc các ngành, 24 đồng chí thuộc lực lượng chuyên trách Quản lý thị trường của tỉnh và huyện, 4 đồng chí thuộc Sở Công an, 2 đồng chí thuộc Chi cục Kiểm lâm, 3 đồng chí thuộc Cục Thuế, 1 đồng chí thuộc Cục Hải quan, 1 đồng chí thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, ngoài ra theo yêu cầu công việc trong từng thời điểm  Đội còn được bổ sung 15 người từ các ngành cử sang phối hợp kiểm tra. Đội kiểm tra thị trường tỉnh được sử dụng con dấu riêng, có tài khoản mở tại Ngân hàng, có sự tham gia phối hợp của nhiều ngành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh. Tuy nhiên sang năm 1994, do có nhiều thay đổi về chủ trương từ các Bộ, ngành Trung ương, nên một số lực lượng phối hợp liên ngành rút dần, đến tháng 9 năm 1994 Đội kiểm tra thị trường tỉnh chỉ còn 29 đồng chí thuộc lực lượng chuyên trách Quản lý thị trường, do đó hoạt động của đội không còn mang tính liên ngành nữa.
          Thực hiện Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Quản lý thị trường; Thông tư số 10/TM-QLTT ngày 19/4/1995 của Bộ Thương mại về hướng dẫn tổ chức Quản lý thị trường ở địa phương. Ngày 08/3/1995 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-UB thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trực thuộc Sở Thương mại Du lịch trên cơ sở sát nhập bộ máy chuyên trách của Ban Chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh và Phòng Quản lý thị trường Sở Thương mại Du lịch. Tổ chức Chi cục Quản lý thị trường có 03 Phòng chức năng là Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, Phòng tổ chức Hành chính và Phòng Quản lý thị trường, có 5 Đội Quản lý thị trường, trong đó 1 đội lưu động trong phạm vi toàn tỉnh, 4 đội hoạt động kiểm tra trên địa bàn 17 huyện thành phố, theo hình thức phụ trách liên huyện. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức và hình thành thấy không phù hợp, nên không hình thành phòng Quản lý thị trường tại Chi cục Quản lý thị trường mà phòng này vẫn trực thuộc Sở Thương mại và Du lịch để làm nhiệm vụ tham mưu cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh. Chi cục Quản lý thị trường có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và bắt đầu hoạt động từ ngày 10/6/1995.
          Năm 1997 trước tình hình các hộ kinh doanh phát triển ngày càng tăng về số lượng, số đơn vị kinh doanh ngày càng nhiều. Ngày 14/6/1997 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1173/QĐ-UB về việc điều chỉnh và bổ sung các Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý thị trường sẽ có 7 đội trực thuộc, bao gồm: Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra lưu động trên toàn tỉnh và phụ trách địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk; Đội Quản lý thị trường số 2 hoạt động trên địa bàn huyên Krông Pắk, các đội tiếp theo, thứ tự từ số 3 đến số 7, mỗi Đội phụ trách 3 huyện, có trụ sở làm việc đóng tại huyện trung tâm.           
          Thực hiện chủ trương chia tách tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, ngày 19/01/2004 Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Đắk Lắk  đã ban hành Quyết định số 71/QĐ-UB về việc điều chỉnh địa bàn hoạt động của các Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, theo đó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có 5 Đội theo thứ tự từ 01 đến số 5, Đội Quản lý thị trường số 1 hoạt động trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, Đội Quản lý thị trường số 2 hoạt động trên các địa bàn huyện Krông Ana, Krông Bông, Lắk có trụ sở đóng tại thị trấn Buôn Trấp, Đội Quản lý thị trường số 3 hoạt động trên địa bàn các huyện Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrắk có trụ sở đóng tại thị trấn Ea Kar, Đội Quản lý thị trường số 04 hoạt động trên địa bàn các huyện Krông Búk, Ea H’Leo, Krông Năng có trụ sở đóng tại thị trấn Buôn Hồ, Đội Quản lý thị trường số 5 hoạt động trên địa bàn các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp có trụ sở đóng tại thị trấn Cư M’gar. Ngày 21/4/2009 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 962/UB-UBND về việc thành lập Đội Quản lý thị trường cơ động thuộc Chi cục Quản lý thị trường. Ngày 01/4/2016  UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 871/QĐ-UBND về việc thành lập Đội Quản lý thị trường số 6 trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường trên cơ sở tách cơ cấu tổ chức Đội Quản lý thị trường số 4 thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn huyện Krông Búk và huyện Ea H’leo.
          2. Những thành quả đạt được
2

2.1. Về tổ chức và xây dựng lực lượng
Ngày 08/3/1995 sau khi Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk chính thức được thành lập, ban đầu biên chế chỉ có 45 người, trong đó có 1 đồng chí Chi cục trưởng là trình độ Đại học, còn lại 12 đồng chí trình độ trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp, có 1 Chi bộ với 13 Đảng viên. Nhưng sau 22 năm kể từ khi thành lập cho đến nay (1995 – 2017) số cán bộ, công chức của chi cục đã không ngừng tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện tại toàn lực lượng 81 đồng chí, trong đó: nam 74 đồng chí, nữ 07 đồng chí, dân tộc thiểu số 04 đồng chí, đảng viên 42 đồng chí.  Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của cán bộ công chức, lao động: Thạc sỹ 01 đồng chí; Đại học là 56 đồng chí; Cao đẳng là 05 đồng chí; Trình độ trung cấp và kỹ thuật 19 đồng chí. Hiện nay, Chi cục có 07 Đội Quản lý thị trường và 03 phòng tham mưu tổng hợp. Hiện nay mặc dù cơ sở vật chất chưa được đồng bộ nhưng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã có được 1 văn phòng Chi cục đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột và 4 văn phòng của 4 Đội Quản lý thị trường địa bàn đóng tại các huyện, thị xã như Buôn Hồ, Ea Kar, Cư Kuin, Cư M’gar tương đối khang trang đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt và công tác cho cán bộ, công chức. Về trang thiết bị phục vụ công tác, hiện nay toàn Chi cục đã có 06 chiếc xe ô tô, trong đó 01 xe 16 chỗ ngồi, 01 xe 07 chỗ ngồi, 04 xe bán tải và 01 xe Uoát; có tương đối đầy đủ công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, súng bắn hơi cay, bình xịt hơi cay…
Từ năm 2012 Chi cục Quản lý thị trường đã áp dụng công nghệ thông tin trong toàn lực lượng, nối mạng Internet từ văn phòng Chi cục đến tất cả các đội Quản lý thị trường địa bàn và từ Chi cục Quản lý thị trường đến Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường.
Tính đến thời điểm này Chi cục Quản lý thị trường đã xây dựng Quy chế phối hợp công tác được với Cục Hải quan, Phòng Cảnh sát Môi trường, đặc biệt là Quy chế phối hợp với 16 Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, hiệu quả công tác phối hợp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngoài ra đã xây dựng được Thỏa thuận hợp tác về công tác quản lý thị trường ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng và Thỏa thuận hợp tác về việc chống buôn lậu, kinh doanh xăng dầu trái phép trên khâu lưu thông được với Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên và Công ty xăng dầu Quân đội.
2.2. Về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm
4
a) Giai đoạn từ tháng 01/1990 đến tháng 5/1995

Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý: 4.381 vụ vi phạm, trong đó: vi phạm về kinh doanh trái phép lâm sản là: 222 vụ, về Thuế: 3.412 vụ, về hàng nhập lậu: 709 vụ, hàng kinh doanh trái phép khác: 38 vụ. Tổng số tiền thu phạt 5.465.604.913 đồng, trong đó: thu phạt về lâm sản 2.981.704.245 đồng về Thuế 1.924.753.208 đồng, hàng tịch thu 559.147.460 đồng. Tịch thu tang vật: 3.099m3 gỗ các loại, 293.992 gói thuốc lá ngoại nhập các loại, 519.980 kg cà phê nhân, 2.043 dây pháo nổ cùng nhiều hàng hóa khác. Ngoài ra còn kiểm tra 2.855 hộ kinh doanh cố định ở địa bàn các huyện, thị xã, xử lý 1.309 vụ vi phạm, thu phạt hành chính 1.035.208.825 đồng.
b) Giai đoạn từ tháng 6/1995 đến tháng 12/2003
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra được: 32.306 lượt hộ kinh doanh; xử lý: 6.990 vụ vi phạm. Thu phạt hành chính và trốn lậu thuế:  7.041.150.280 đồng. Tịch thu hàng hóa: 277.610 gói thuốc lá ngoại, 110 đầu máy video, 1.344 băng đĩa hình, 13.035 viên gạch men, 1.235 chi tiết xe gắn máy, 84 nồi cơm điện, 429 chai rượu ngoại và nhiều hàng hóa khác. Tịch thu tiêu hủy 65.300 gói dầu gội đầu, 818 chai nước ngọt lớn, 33.620 chai nước ngọt loại nhỏ và một số hàng hóa khác. Phối hợp với ngành chức năng kiểm tra được 13.213 lượt hộ kinh doanh, xử lý 2.647 vụ vi phạm, thu phạt 2.374.836.090 đồng, ngoài ra còn hỗ trợ ngành Thuế thu trên 4 tỷ đồng tiền nợ đọng.
c) Giai đoạn từ tháng 01/2004 đến tháng 12/2011
Đã kiểm tra được: 15.587 lượt hộ kinh doanh, xử lý: 2.654 vụ vi phạm. Tiền thu được sau xử lý: 6.559.750.220 đồng; tịch thu hàng hóa trị giá 3.561.390.000 đồng. Hàng hóa tịch thu gồm những mặt hàng chính: 64.176 gói thuốc lá ngoại, 324 nồi cơm điện, 508 điện thoại di động, 103 máy thu hình, 338 đầu đĩa, 7.284 đĩa hình, 4.900 lít dầu DO và một số hàng hóa giá trị khác. Ngoài ra còn phối hợp với các ngành chức năng khác kiểm tra 5.869 vụ việc, xử lý 1.358 vụ vi phạm, phạt hành chính và truy thu thuế 891.021.670 đồng.
d) Kết quả kiểm tra, xử lý năm 2012
Tổng số vụ kiểm tra là: 1.505 vụ, đã xử lý 990 vụ, tổng số tiền qua xử lý 4.406.947.225 đồng. Hàng hóa tịch thu: 25.485 gói thuốc lá ngoại nhập, 2.866 chi tiết phụ tùng ô tô xe máy, 2.366 bộ quần áo, 834 đôi giày dép nhập lậu từ Trung quốc, 355 kính đeo mắt, 31 điện thoại di động, 108 đồng hồ đeo tay, 684 súng kiếm nhựa đồ chơi bạo lực, 977 gói thực phẩm kém chất lượng, 20 thùng nước uống tăng lực không rõ nguồn gốc xuất xứ, 701 hộp mỹ phẩm, 48 bình gas bị thu giữ do sang chiết nạp trái phép, 04 máy tính laptop, 4.398 kg bắp giống giả, 02 cột bơm xăng dầu gắn chíp điện tử gian lận trong đo lường, cùng nhiều hàng hóa khác.
đ) Kết quả kiểm tra, xử lý năm 2013
Tổng số cơ sở kiểm tra là: 1.246 vụ, đã xử lý 1.019 vụ, tổng số tiền qua xử lý là 3.475.726.993 đồng. Hàng hóa tịch thu: 6.974 gói thuốc lá ngoại nhập, 3.002 bộ quần áo các loại, 336 chi tiết phụ tùng ô tô xe máy, 29.425 kg phân bón các loại, 1.350 chén sứ Trung Quốc, 75 cái vỏ hộp máy tính, 318 cái mũ bảo hiểm, 04 cột bơm xăng dầu gắn chíp điện tử gian lận trong đo lường, 120 đôi dép ngoại nhập, 70 súng nhựa đồ chơi bạo lực, 471 gói thực phẩm kém chất lượng cùng nhiều hàng hóa khác.
e) Kết quả kiểm tra, xử lý năm 2014
Tổng số cơ sở kiểm tra là: 1.317 cơ sở, đã xử lý 758 vụ, Tổng số tiền xử lý 3.113.638.454 đồng. Hàng hóa tịch thu: 469 bộ bài lá , 110 đôi giày dép các loại, 225 chai LPG, 180 cái mũ bảo hiểm, 1.704 lọ mỹ phẩm các loại, 636 chi tiết phụ tùng xe máy, 579 chi tiết phụ tùng ô tô, 1.290 bộ quần áo, 240 hộp sữa, 384 cây súng, kiếm nhựa, 6.502 bao thuốc lá nhập lậu cùng nhiều hàng hóa khác.
g) Kết quả kiểm tra, xử lý năm 2015
Tổng số cơ sở kiểm tra: 1.194 cơ sở,  đã xử lý 630 vụ,  tổng số tiền thu qua xử lý 7.291.795.901 đồng. Hàng hoá tịch thu gồm: 11.624 bao thuốc nhập lậu các loại, 09 cột bơm xăng dầu, 5,794 m3 gỗ nhóm IIA, 3.250 kg phân bón hết hạn sử dụng, 337 lọ mỹ phẩm, 203 chai thuốc thú y, 282 bình gas, 1.200 kg quần áo các loại, 189 bao bột trét tường, 2.698 chai sữa Ensure, 283 mũ bảo hiểm kém chất lượng, 125 đồng hồ cùng nhiều hàng hóa khác.
h) Kết quả kiểm tra, xử lý năm 2016
Tổng số cơ sở kiểm tra là 1.061 cơ sở, đã xử lý 593  vụ, tổng số tiền thu được qua xử lý là 7.240.091.366 đồng. Hàng hoá tịch thu: 01 cụm hộp số tự động xe ô tô HuynDai TucSon, 1.606 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, 55 chai rượu ngoại nhập lậu các loại, 02 cột bơm xăng A92, 23.750 kg phân bón NPK các loại, 4 lóng gỗ sao nhóm 2 tổng khối lượng 5,893m3 và một số hàng hóa giá trị khác.
3. Một số thành tích được khen thưởng
Với những thành quả đã đạt được qua các thời kỳ, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã được UBND tỉnh, Bộ Thương mại, Bộ Công Thương tặng thưởng nhiều cờ thi đua, bằng khen và giấy khen các loại. Tính từ thời điểm năm 1995 đến nay Chi cục Quản lý thị trường đã được UBND tỉnh tặng: Cờ đơn vị thi đua xuất sắc năm 2000, 2001, 2004; Bằng khen năm 1997, 1998, 1999, 2002, 2003, 2005, 2006, 2008; 2009.    Tập thể các Phòng, Đội Quản lý thị trường được UBND tỉnh tặng 15 Bằng khen,  Bộ Thương mại, Bộ Công Thương tặng 15 bằng khen. Các cá nhân được UBND tỉnh, Bộ Thương mại, Bộ Công Thương tặng 70 bằng khen.  Trong năm 2012 có 15 đồng chí cán bộ, công chức được tặng Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
4. Phương hướng nhiệm vụ trong những năm tiếp theo
          Nhìn lại 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường cả nước nói chung và 42 năm lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk nói riêng, đó là thành quả của những thế hệ đi trước đã có nhiều đóng góp để lực lượng Quản lý thị trường phát triển như ngày nay. Chúng ta càng tự hào và đóng góp một phần  bé nhỏ của mình trong việc củng cố, xây dựng và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường theo hướng chính quy, tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.
Để tiếp tục nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại trong tình hình mới mà Đảng và Nhà nước giao phó, tập thể lãnh đạo, lán bộ, công chức Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xác định cần phải thực hiện tốt những nội dung sau: 
Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 Đắk Lắk về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT ngày 4/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường, thường xuyên rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ trong thi hành nhiệm vụ. Tăng cường quán triệt nâng cao ý thức đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực và phòng chống tham nhũng trong lực lượng.
Tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, trang bị cho kiểm soát viên kiến thức về nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, bố trí lần lượt cho từng kiểm soát viên được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Cục Quản lý thị trường tổ chức. Thực hiện tốt công tác trao đổi nghiệp vụ, phổ biến pháp luật, các văn bản mới của nhà nước liên quan đến  công tác quản lý thị trường đến toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan. Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ công chức về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó chú trọng đến công tác thu thập, xử lý thông tin, trinh sát nắm bắt địa bàn. 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nhiều hình thức, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
          Xây dựng cơ sở báo tin đáng tin cậy để kịp thời phát hiện chính xác đối tượng vi phạm, tổ chức kiểm tra và xử lý đạt kết quả cao.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra nội bộ theo quy định tại Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT ngày 31/7/2008 của Bộ Công Thương, để tăng cường công tác giám sát, quản lý kiểm tra hoạt động của các Đội Quản lý thị trường; kiên quyết xử lý hoặc loại bỏ những vi phạm, tiêu cực trong ngành, thực hiện tốt chế độ tập trung dân chủ tại đơn vị./.

Tác giả: Đ/c Phạm Thái - GĐ Sở Công thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hoi dap
Idesk
Email
Chuyen doi so
ISO
LICH TIEP CONG DAN
Code Buy Transfer Sell
AUD 15,781.47 15,940.87 16,452.24
CAD 17,962.12 18,143.56 18,725.59
CNY 3,438.94 3,473.67 3,585.64
EUR 26,307.40 26,573.13 27,749.81
GBP 30,708.07 31,018.25 32,013.29
HKD 3,165.97 3,197.95 3,300.53
JPY 160.50 162.12 169.87
SGD 18,152.89 18,336.25 18,924.46
USD 25,133.00 25,163.00 25,473.00
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây