Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 02/03/2022 20:54
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều lợi thế cho sản xuất cà phê. Hiện nay, ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk đã có một vị trị rất quan trọng trong ngành hàng cà phê cả nước và nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Ở Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê, tuy nhiên diện tích và sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc, gấp nhiều lần mức bình quân của các tỉnh khác.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan; cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu và là nguồn thu ngân sách quan trọng của tỉnh Đắk Lắk. Diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng 210.000 ha, chiếm 33% diện tích cà phê cả nước; trong đó diện tích cho sản phẩm 194.000 ha, năng suất bình quân 26,8 tạ/ha đạt sản lượng 520.000 tấn/năm.
Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 12 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, xuất khẩu cà phê nhân hàng năm đạt trên 300.000 tấn với kim ngạch trên 650 triệu USD; có 220 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 215 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 05 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, đa phần các cơ sở chế biến cà phê nguyên chất theo hướng hữu cơ, cà phê sạch theo nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và khó khăn nhất định như: Cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ của các doanh nghiệp lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hàng hoá chưa đa dạng, do vậy sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cà phê. Để đảm bảo cho việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê đạt hiệu quả cao, hạn chế tình trạng thu hái cà phê xanh, non góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, Chỉ thị về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê; giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các cấp các ngành, các tổ chức kinh tế xã hội đề ra các giải pháp để hỗ trợ cho ngành sản xuất, kinh doanh cà phê ổn định và phát triển.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Công Thương Đắk Lắk tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng đồng thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn để cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh cà phê. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê. Tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thông qua tham tán thương mại ở các nước cùng với trung tâm thông tin Bộ Công Thương thường xuyên nắm bắt giá cả, dự báo tình hình diễn biến thị trường để thông tin kịp thời thị trường cà phê thế giới và trong nước trên trang thông tin điện tử Sở Công Thương. Tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa cà phê địa phương. Phối hợp, cập nhật cung cấp thông tin tình hình biên mậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc cho doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nguồn hàng, tránh thiệt hại do dồn ứ ở các cửa khẩu với Trung Quốc, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có các biện pháp xử lý thích hợp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các doanh nghiệp,tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu cà phê theo quy định của nước nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm bắt nhu cầu về tiêu thụ cà phê để thực hiện kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch COVID-19, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương cùng các ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất cà phê; cung cấp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác … có các sản phẩm hàng hóa cà phê, cà phê đã qua chế biến đến các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê, bán những sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phả chúng ta bán những sản phẩm mà chúng ta có. Thông qua công tác xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu trên các thị trường; quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu khảo sát thị trường, tường bước phát triển thị trường trong nước và ngoài nước. Tập trung phát triển thị trường nội địa, trong xu hướng hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đồng thời xảy ra tình trạng cạnh tranh trên thị trường trong nước sẽ ngày càng gay gắt; cùng theo đó đại dịch covid 19 còn diễn biến phức tạp, khôn lường thì việc phát triển thị trường, kích cầu tiêu thụ cà phê nội địa là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp cà phê phát triển.
Xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cà phê Đắk Lắk, phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma thuột. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của cà phê đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài, đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng cà phê sau thu hoạch. Hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp cà phê Đắk Lắk trên thị trường thế giới. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu đăng ký nhãn hiệu là vấn đề hết sức cấp bách, cần thiết khi cà phê của chúng ta có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Phân khúc thị trường, phân khúc chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê: Cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao… Mang lại chất lượng cà phê Việt Nam ngày càng được cải thiện dưới con mắt của người tiêu dùng, tăng cường bảo vệ thương hiệu của mình trên cơ sở kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam.