Mật ong Việt Nam đối mặt với việc Hoa Kỳ áp thuế bán phá giá

Thứ tư - 09/03/2022 09:18
          Ngày 14/5/2021, Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá đối với mật ong Việt nam và 4 quốc gia khác là: Argentina, Brazil, Ấn độ và Ukraina. Trong quá trình điều tra sơ bộ, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu mật ong của Việt nam đã hợp tác và cung cấp thông tin cho DOC.
Sản lượng mật ong Đắk Lắk Xấp xỉ 15.000 tấn/năm
Sản lượng mật ong Đắk Lắk Xấp xỉ 15.000 tấn/năm
          Ngày 17/11/2021,  DOC ban hành kết luận sơ bộ mật ong của Việt Nam đang bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ với biên độ từ 410,93% đến 413,99% và áp mức thuế  tạm thời tương ứng, trong khi biên độ bán phá giá của 04 nước còn lại trong vụ việc điều tra chỉ từ 6,24% đến 49,44%.
           Theo yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, DOC tiếp tục tiến hành điều tra tình huống khẩn cấp đặc biệt do lượng xuất khẩu mật ong từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trước thời điểm ban hành kết luận sơ bộ tăng đột biến (trên 30%). Ngày 03/01/2022 DOC thông báo áp mức thuế khẩn cấp tạm thời cho các lô hàng mật ong nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 25/8/2021. Sau khi ban hành kết luận sơ bộ, DOC tiếp tục thẩm tra, xác minh số liệu và làm việc với các bên liên quan để đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 4/2022. Đắk Lắk có hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc trong vụ việc điều tra của DOC là Công ty cổ phần ong mật Đắk Lắk và Công ty cổ phần ong mật Ban Mê Thuột đang tiếp tục làm việc, cung cấp số liệu thông tin cho các công ty luật tại Hoa Kỳ để đưa ra luận điểm bác bỏ phán quyết của DOC đối với mức thuế chống bán phá giá được DOC đưa ra.
z3243941984301 69c615d9d27b5d17c77b2198e30cf9f9
Chế biến mật ong để xuất khẩu
            Sản phẩm mật ong đã được Bộ Công thương đưa vào danh sách cảnh báo mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ Quý 4 năm 2020 và gửi cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh theo dõi chỉ đạo. Ngay sau khi DOC khởi xướng vụ việc ngày 14/5/2021 cho đến nay, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán cùng Thương vụ Việt Nam tại Hoa kỳ, Hội nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam nhằm trao đổi vụ việc, chia sẽ khó khăn và phương án ứng phó trong từng giai đoạn; có thư gửi cho DOC, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, Cơ quan Đại diện thương mại Hoa kỳ (USTR) nhằm bày tỏ quan điểm, quan ngại của ta đối với mức thuế sơ bộ và đề nghị DOC thảo luận với các cơ quan liên quan của Việt Nam về vụ việc. Đồng thời Bộ Công Thương cũng đã đăng ký dự phiên điều trần do DOC tổ chức.
                   Tỉnh Đắk Lắk có văn bản báo cáo khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu mật ong trên địa bàn tỉnh và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của tỉnh Đắk Lắk trong việc khiếu nại  DOC  áp mức thuế suất chống bán phá giá  cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Đắk Lắk. Đồng thời đề nghị  Bộ Công Thương hỗ trợ những chương trình xúc tiến thương mại quốc gia  thúc đẩy tiêu thụ trong nước; xúc tiến việc mở rộng các thị trường xuất khẩu khác để giảm dần tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của ngành mật ong Việt Nam nói chung.
            Sản lượng sản phẩm mật ong Việt Nam hàng năm khoảng 64.000 tấn, xuất khẩu đạt 54.000 tấn, trong đó thị trường Hoa kỳ là 51.000 tấn, chiếm tỷ lệ 95% tổng số lượng xuất khẩu. Hiện Việt nam có khoảng 28 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong. Đắk Lắk có 2 Doanh nghiệp xuất khẩu mật ong là Công ty cổ phần ong mật Đắk Lắk và Công ty cổ phần ong mật Ban Mê Thuột hàng năm xuất khẩu đạt xấp xỉ 20.000 tấn. Sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là mật lá được làm nguyên liệu chủ yếu trong ngành công nghiệp thực phẩm, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam không chỉ gây thiệt hại cho các các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam mà cũng gián tiếp gây ra khó khăn cho các nhà nhập khẩu mật ong tại Mỹ do thiếu nguồn cung nguyên liệu cho chế biến.
z3243948028194 6d3d2c32fc4b7761dc588b4d3409193e
Sản phẩm mật ong tiêu thụ trong nước
             Việc Hoa kỳ áp thuế bán phá giá đối với mật ong Việt Nam sẽ tác động trực tiếp đến 35.000 người nuôi ong, trong đó có 10.000 người nuôi ong chyên nghiệp với 1,5 triệu đàn ong (Đắk Lắk có khoảng 300.000 đàn ong). Với việc áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc trước mắt ngành ong mật phải ngừng sản xuất vì mất đi thị trường chủ đạo; tác động trực tiếp và gián tiếp đến nghề nuôi ong, ảnh hưởng đế công tác an sinh xã hội và môi trường, đặc biệt ảnh hưởng đến sự thụ phấn cây trồng của con ong làm giảm năng suất cây trồng…
              Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công thương cùng các Bộ ngành trung ương, Các địa phương, Hội nuôi ong cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa kỳ tiếp tục đối thoại trực tiếp với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, bày tỏ quan điểm của Việt Nam trong vụ việc, trao đổi những tác động tiêu cực đối với ngành nuôi ong Việt Nam, đề xuất các phương án trao đổi, đưa ra những luận chứng xem xét, đưa vụ việc ra trao đổi trong khuôn khổ hợp tác song phương phù hợp, đề nghị phía Hoa kỳ xem xét lại để có mức thuế phù hợp cho mật ong Việt Nam. Đồng thời triển khai các chính sách, giải pháp xúc tiến thương mại tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mật ong phát triển thị trường xuất khẩu, hướng dẫn các địa phương lồng ghép việc tiêu thụ mật ong vào hệ thống phân phối tại thị trường trong nước.
               Sở Công Thương Đắk Lắk phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ nội địa, đưa các sản phẩm mật ong của các công ty kinh doanh, xuất khẩu mật ong trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, đồng thời phát động chương trình chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mật ong của Đắk Lắk đến các địa phương trên cả nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu mật ong tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương để mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Thông qua hệ thống các thương vụ, tham tán thương mại, các đại sứ quán tại các nước trên thế giới nhằm giới thiệu sản phẩm mật ong Việt Nam, tìm kiếm thị trường, tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ai len (UKVFTA)... để chuyển đổi thị trường xuất khẩu, giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang thị trường Hoa Kỳ.
z3243951563142 621f85b7f1192b42e39135b95f8c97ad
Sản phẩm mật ong tham gia chương trình OCOP
           Các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong một mặt nắm bắt thông tin từ DOC, phối hợp với Bộ ngành trung ương, công ty luật và các đối tác cùng lợi ích tại Hoa Kỳ đấu tranh quyết liệt trong giai  đoạn từ sơ bộ đến chính thức hiện nay. Mặt khác năng động đổi mới, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm mật ong, tăng cường chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm mật ong, giữ vững  thương hiệu góp phần tăng giá bán trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây