Thị trường ong mật Đắk Lắk cần hướng đi mới trong thời gian tới

Thứ sáu - 25/03/2022 21:06
Tỉnh Đắk Lắk sở hữu hơn 600.000 ha rừng tự nhiên với nhiều loại cây công nghiệp, có bạt ngàn hoa rừng, cà phê, cao su...tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật là một trong những nghề truyền thống ở Đắk Lắk với hơn 220.000 đàn ong mật, di chuyển theo các mùa hoa. Sản lượng mật ong hàng năm trên 15.000 tấn, xuất khẩu gần 30 triệu USD Mỹ đi các thị trường chủ đạo bao gồm: Mỹ và một số nước Châu Âu, trong đó, xuất khẩu ong mật sang Hoa Kỳ chiếm 90% tổng lượng mật ong xuất khẩu.

Tuy nhiên, nghề ong mật của tỉnh Đắk Lắk nói chung và một số công ty ong mật của tỉnh Đắk Lắk nói riêng hiện đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá. Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận mật ong Việt Nam hiện đang bán phá giá vào Hoa Kỳ với biên độ từ 410,93% - 413,99% và áp dụng mức thuế tương ứng, cao gấp 400 lần so với mức thuế áp dụng thông thường. Mức thuế này sẽ chính thức được áp dụng bởi Hoa Kỳ kể từ ngày 08/4/2022, áp dụng đối với 2 công ty của tỉnh là Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột kể từ ngày 25/8/2021. Mức thuế này được xem như lệnh cấm vận đối với sản phẩm ong mật Đắk Lắk, Việt Nam vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và ngành ong mật xuất khẩu của cả nước nói chung, mà còn gián tiếp gây ra khó khăn cho các nhà nhập khẩu mật ong và ngành chế biến thực phẩm tại Hoa Kỳ.
z3289278235523 7874b9d3b1a07f35f6b0578bae73b091
công ty sản xuất mật ong điển hình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Đứng trước nguy cơ trên, tỉnh Đắk Lắk và các công ty có liên quan hiện đang khẩn trương đề nghị với các Bộ ngành của Chính phủ nhằm tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành ong mật của tỉnh nhà. Cụ thể: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của tỉnh Đắk Lắk trong việc khiếu nại về mức thuế suất chống bán phá giá được áp lên các công ty trước khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra phán quyết chính thức (bắt đầu từ ngày 08/4/2022, Hoa Kỳ sẽ chính thức áp dụng mức thuế chống bán phá giá nêu trên); Chỉ đạo Bộ Công Thương có những chương trình xúc tiến tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; xúc tiến việc mở rộng các thị trường xuất khẩu khác để giảm dần tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ.

Tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống các thương vụ, tham tán thương mại tại các nước trên thế giới làm việc với cơ quan thương mại địa phương nhằm giới thiệu sản phẩm mật ong Việt Nam, tìm kiếm thị trường để chuyển đổi, giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang thị trường Hoa Kỳ; Chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của tỉnh Đắk Lắk trong việc khiếu nại về mức thuế suất chống bán phá giá được áp lên các Công ty trước khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra phán quyết chính thức.

Với Bộ Ngoại Giao, tỉnh đã đề nghị Bộ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ hỗ trợ Hiệp hội các nhà xuất khẩu mật ong Việt Nam và các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc trong việc tiếp xúc, vận động phía Hoa Kỳ trong quá trình điều tra, đưa ra kết luận vụ việc; Chỉ đạo Đại sứ quán tại các nước trên thế giới làm việc với cơ quan thương mại địa phương nhằm giới thiệu sản phẩm mật ong Việt Nam, tìm kiếm thị trường để chuyển đổi, giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang thị trường.

Với các đề xuất, đề nghị của tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi họp trực tuyến và trực tiếp với Hội nuôi ong và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ong mật để thông báo thông tin, cung cấp các quy định liên quan của Hội Kỳ, thu thập thông tin, thảo luận các phương án ứng phó, trực tiếp khảo sát về ngành mật ong của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ đề nghị các công ty ong mật có phương án xây dựng kế hoạch tăng cường tiêu thụ nội địa, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu trong dài hạn, đồng thời, các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển ngành ong của Việt Nam và các biện pháp hỗ trợ phát triển ngành ong, hướng dẫn các địa phương lồng ghép việc tiêu thụ mật ong vào hệ thống phân phối tại thị trường trong nước cho phù hợp với từng chương trình, dự án đang triển khai.

Bên cạnh đó sau khi nhận được đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của Bộ phối hợp với Sở Công thương Đắk Lắk đề nghị các công ty ong mật của tỉnh tham gia chương trình: “Gặp gỡ các đối tác Châu Âu – Châu Mỹ năm 2022” vào ngày 07/4/2022, tại Khách sạn Melia, Hà Nội nhằm kết nối và tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại với các đối tác khu vực Châu Âu – Châu Mỹ. Đây là cơ hội giúp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm ong mật tìm kiếm thị trường thay thế thị trường Hoa Kỳ đang bị áp thuế chống bán phá giá, đồng thời, quảng bá sản phẩm của mình với các đối tác tại chương trình.

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng QLTM

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây