Ngành Công Thương Đắk Lắk nỗ lực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế

Thứ sáu - 03/01/2025 03:34
Nhìn lại năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, các cuộc khủng hoảng, xung đột vũ trang vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung hàng hóa và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Vượt qua khó khăn, ngành Công Thương đã chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tích cực tìm kiếm giải pháp, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật.
Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP - Đắk Lắk năm 2024, nhân dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024)
Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP - Đắk Lắk năm 2024, nhân dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024)
Nhìn lại năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, các cuộc khủng hoảng, xung đột vũ trang vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung hàng hóa và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều nước nhập khẩu hàng hóa ngày quan tâm đến những vấn đề về phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng nên đã tạo ra những tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe liên quan đến môi trường, lao động, nguồn gốc nguyên liệu,... đối với các sản phẩm nhập khẩu. Trong nước, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho người và tài sản ở một số tỉnh phía Bắc, đối với tỉnh ta, những tháng đầu năm bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm cho hạn hán xảy ra ở một số vùng, dẫn đến suy giảm mực nước tại các hồ chứa thủy điện,...
 
Vượt qua những khó khăn, ngành Công Thương đã chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tích cực tìm kiếm giải pháp, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật. Hoạt động xuất khẩu đạt 1.853 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2023, đã đưa Đắk Lắk đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu ở khu vực Tây Nguyên. Trong đó, sản lượng cà phê đạt 241.000 tấn, giảm 20,74%; tiêu đạt 40.000 tấn, tăng 55,42%; điều 46.500 tấn, tăng 7,4%; sản phẩm ong đạt 5.300 tấn, tăng 111,32%; cao su đạt 9.200 tấn, giảm 24,3%. Nguyên nhân chính là do giá cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt mức khá cao, bình quân giá tiêu xuất khẩu đạt 5.000 USD/tấn, cà phê 3.600 USD/tấn, điều 5.200 USD/tấn và một số mặt hàng mới tham gia vào kim ngạch xuất khẩu như hàng dệt may, lông mi nhân tạo,... Tận dụng tốt cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, hoạt động xuất khẩu năm 2024 có nhiều bức phá, một số thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản chế biến như Hoa Kỳ và Hàn Quốc thì lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk cũng đã xuất khẩu chính ngạch thành công vào các thị trường này đối với sản phẩm cà phê rang xay và hạt mắc ca.

Thị trường nội địa hoạt động cũng tương đối ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân được cung ứng đầy đủ, kịp thời với giá cả tương đối ổn định, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra. Đối với giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện sinh hoạt có một lần điều chỉnh tăng ở mức 4,8%, mặt hàng xăng dầu có 24 lần điều chỉnh tăng, 26 lần điều chỉnh giảm, nhìn chung không biến động lớn về giá so với năm 2023. Theo số liệu thống kế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2024 ước đạt khoảng 111.323 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ đạt khoảng 95.546 tỷ đồng, còn lại doanh thu dịch vụ 15.772 tỷ đồng. Góp phần vào hoạt động sôi động của thị trường nội địa phải kể đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh tung ra hơn 39.800 chương trình khuyến mại, giảm giá áp dụng đa dạng ở nhiều ngành hàng, kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh như cà phê, tiêu, điều, sầu riêng,... ở mức khá cao so với nhiều năm trước, đã cải thiện thu nhập cho người nông dân và làm tăng sức mua của thị trường nội địa. Năm 2024, thương mại điện tử phát triển nhanh, trở thành kênh mua sắm mới, hiện đại; theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, chỉ số thương mại điện tử xếp thứ 19/58 tỉnh, thành phố được xếp hạng là một nhân tố góp thêm phần sôi động của thị trường nội địa. Cũng trong năm nhiều hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được quan tâm, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả. Hoạt động sản xuất công nghiếp tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp thực hiện cả năm tăng khoảng 7,23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh chịu tác động bất lợi của nhiều yếu tố, nhưng sản lượng sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước, đã làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì ở mức tăng trưởng cao, đạt khoảng 14%. So với năm 2023, một số mặt hàng chủ lực như bia đạt 83,1 triệu lít, tăng 10,8%; đường tinh luyện đạt 95.000 tấn, tăng 4,4%; tinh bột sắn đạt 130.000 tấn, tăng 8,3%; sản phẩm thép đạt 350.000 tấn, tăng 2,9%. Mức tiêu thụ điện thương phẩm ước đạt 2.420 triệu kWh, tăng 13,2 % so với cùng kỳ; điện sản xuất ước đạt 6.700,8 triệu kWh, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng duy trì ổn định so với cùng kỳ năm trước, sản lượng đá xây dựng đạt 260.000 m3, tăng 18,2%, bê tông đạt 100.000 m3 tăng 3,1%.

123
         
Phát huy những kết quả đạt được, toàn Ngành tiếp tục đoàn kết, nổ lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

 Xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2025. Đồng thời xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025 của Ngành theo tinh thần Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng công tác thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến sâu có ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu nông sản của tỉnh. Thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; khẩn trương thu hút đầu tư, triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo tiến độ đầu tư theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024.
 
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ truyền thống; thu hút đầu tư vào các dự án cảng cạn, trung tâm logistic đã được qui hoạch. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến mại, kết nối, kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử, nhằm giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt quan tâm các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.
 
Tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính trong cơ quan, hoạt động thông suốt, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả, với chủ đề của năm 2025 là: “Tập trung nguồn lực cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, số hóa làm giàu dữ liệu và khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu về dân cư; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về cải cách hành chính tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã đề ra”. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho công chức, viên chức trong thi hành công vụ và cho tổ chức, cá nhân có liên quan tron hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực công thương. Đồng thời làm tốt công tác gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có hướng hỗ trợ, giải quyết, góp phần nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh./.

Tác giả: Tin: Nguyễn Ngọc Lâm - SCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây