Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 25/10/2024 03:26
Khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng cũng ngày càng cao. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong các giao dịch hàng hóa và dịch vụ, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng được ban hành và thực thi. Luật không chỉ là một văn bản pháp lý mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tạo dựng niềm tin và đảm bảo sự công bằng trong thị trường.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 số 19/2023/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua Ngày 20 tháng 6 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo môi trường tiêu dùng công bằng và an toàn.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bố cục thành 6 chương như sau:
Chương I: Những quy định chung bao gồm 10 điều với các nội dung về phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng áp dụng của Luật, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Chương này cũng đưa ra 8 quyền cơ bản và quan trọng của người tiêu dùng, 2 nghĩa vụ của người tiêu dùng, 8 hành vi bị cấm theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đưa ra những nguyên tắc cơ bản trong xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chương II: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng bao gồm 15 điều quy định các vấn đề về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; Giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực; Thực hiện hợp đồng theo mẫu; Thực hiện điều kiện giao dịch chung; Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch; Trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật; Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra; Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chương III: Trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm ba điều quy định về ba nội dung cơ bản: Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội; Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.
Chương IV: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân hàng hóa kinh doanh dịch vụ. Chương này đưa ra các quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa bao gồm: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết tranh chấp tại tòa án. Chương IV có 4 mục:
Mục 1 về phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng: Mục này quy định theo hướng khuyến khích người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng. Pháp luật không can thiệp vào việc lựa chọn sử dụng phương thức này cũng như quá trình thương lượng và thi hành kết quả thương lượng thành của các bên. Tuy nhiên, không được thương lượng trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại lớn đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.
Mục 2 về phương thức hòa giải: quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ và người tiêu dùng có quyền thỏa thuận lựa chọn bên thứ ba là cá nhân, tổ chức hòa giải để thực hiện việc hòa giải. Tổ chức hòa giải phải có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được thành lập tổ chức hòa giải để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cũng giống như thương lượng, không được hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.
Mục 3 về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trong tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Mục 4 về phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án. Trong đó khẳng định đối với nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Toà án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án. Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án.
Chương V: Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương này gồm ba điều quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và đặc biệt quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Công thương, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chương VI: Điều khoản thi hành nêu rõ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật, hướng dẫn một số nội dung cần thiết khác của Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận và lừa dối. Nó quy định rõ ràng các hình thức xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh. Người tiêu dùng sẽ không còn lo lắng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái hay hàng kém chất lượng. Từ đó, luật này giúp nâng cao uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Khi quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ, các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm hơn trong quy trình sản xuất và cung ứng dịch vụ. Điều này tạo sự cạnh tranh lành mạnh, buộc các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Sự cạnh tranh này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng còn có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng trong xã hội. Khi người tiêu dùng biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, họ sẽ trở thành những khách hàng thông minh, biết cách bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ ý thức tuân thủ pháp luật, từ đó tạo ra một văn hóa kinh doanh trung thực và trách nhiệm. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Khi người tiêu dùng được bảo vệ, họ sẽ có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm và nâng cao đời sống cho xã hội.
Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng không chỉ mang lại những quyền lợi thiết thực cho người tiêu dùng mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch. Thực thi luật hiệu quả sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong các quyết định tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế và xã hội. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là bảo vệ lợi ích của toàn xã hội trong một tương lai bền vững hơn.