Tham dự Hội nghị có ông Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận; ông Hồ Phước Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chủ trì Hội nghị có ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Phan Tấn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận.
Tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp ở các tỉnh năm 2021, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, sản xuất công nghiệp ở các tỉnh/thành phố trong khu vực giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; 12/15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn cả nước; trong đó, một số địa phương tăng trưởng cao trên 2 con số như: Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kom Tum, Lâm Đồng... Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 đạt 474.871,5 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Tình hình 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục đà hồi phục. Một số tỉnh/thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cả nước, điển hình như: Quảng Nam, Đắk Lắk, Quảng Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao, ước đạt 261.371 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Tình hình phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Toàn khu vực có 11 khu kinh tế với 726 dự án; 50 khu công nghiệp thu hút được 1.834 dự án; 196/242 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 2.168 dự án đầu tư.
Về Hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2021 toàn khu vực đạt hơn 740.249 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020, cao hơn mức bình quân của cả nước (-3,8%), chiếm tỷ trọng 15,4% cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 13.495,7 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 đạt 11.678,9 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm, toàn khu vực ước đạt 425.321,5 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ và đạt 52% kế hoạch năm 2022.Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.140,8 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ và đạt 70% kế hoạch năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5.839,5 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao. Các điều kiện tự nhiên, dân số có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp, thương mại gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại như: công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí; sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…Khu vực có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi cho giao thương nội vùng và liên vùng (với các địa phương trên trục EWEC).
Thời gian qua, 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt thành tựu lớn trên nhiều mặt... Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, năm 2021, khu vực có 2 địa phương trong Top 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là: Gia Lai 9,71%; Ninh Thuận 9%... (cả nước tăng 2,58%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Những hạn chế này, không chỉ là vấn đề của riêng ngành Công Thương, mà là vấn đề chung của cả nước. Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành công thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022. Thảo luận kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.