Sau 2 năm EVFTA có hiệu lực: Thị phần hàng Việt tại EU vẫn khiêm tốn!

Thứ tư - 10/08/2022 22:29
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 2 năm qua. Tuy nhiên, thị phần hàng Việt tại EU vẫn còn khá khiêm tốn.
 
Thủy sản là một trong những ngành hàng tận dụng khá tốt EVFTA. Ảnh: Internet
Xung lực cho xuất khẩu
Phát biểu tại tọa đàm "Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng" ngày 8/8, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: 2 năm qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam, việc thực thi EVFTA đã đem lại kết quả khả quan.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực (1/8/2020-PV), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 15% so với giai đoạn trước khi có hiệp định.
Đa số các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%; cà phê tăng 75,2%; hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Với các nhóm hàng truyền thống Việt Nam đã xuất khẩu mạnh sang EU từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia giày, đồ gỗ, mức tăng trưởng đạt khoảng 10-15%.
“Về tổng thể, EVFTA là xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải nói.
Đánh giá doanh nghiệp Việt đã có sự bắt nhịp, tận dụng khá tốt EVFTA, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu phân tích: ngay trong 2 quý đầu năm 2022, trị giá hàng hóa xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này.
Với thị trường EU, bên cạnh EVFTA, hiện nay vẫn duy trì chương trình ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 vẫn đang ở mức 25%, tương đương với mức nhiều FTA khác sau một vài năm mới đạt được cho thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã nắm rõ và hiểu được giá trị của hiệp định cũng như vai trò của chứng nhận xuất xứ.
Ghi nhận những kết quả xuất khẩu tích cực đạt được, song ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, thị phần hàng Việt tại EU vẫn còn khá khiêm tốn. Ví dụ như, thị phần rau quả Việt tại EU chưa đến 4%; thủy sản chưa đến 8%. Xuất khẩu gạo vào EU cũng còn khá thấp.
Cần xem tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành nói riêng đến đâu. Nếu xem xét một số tỉnh xuất khẩu lớn nhất (trong “top” 10), tỷ trọng của thị trường EU trong xuất khẩu của các tỉnh đó hiện nay cũng không đến 15-20%.
“Điều đó có nghĩa là, Việt Nam đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á. Thị trường EU rất lớn, hiệu quả thì chưa đủ tập trung, dư địa tăng trưởng còn rất lớn”, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nói.
Thách thức đáp ứng quy tắc xuất xứ
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trần Thanh Hải cho rằng, thách thức lớn nhất trong tận dụng EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu sang EU là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…
“Điều này là căn cốt, vì đó là hàng rào cơ bản hiện nay, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể nêu lên. Thứ hai là thách thức đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đối với một số mặt hàng cụ thể có khác biệt trong đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA với các FTA khác. Doanh nghiệp trong ngành hàng phải chủ động tìm hiểu thêm”, ông Hải nói.
Thách thức khác được lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề cập tới còn là xây dựng chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường EU, thông qua việc xây dựng và định vị thương hiệu. Điều này đòi hỏi chiến lược và sự đầu tư bài bản, tư vấn của chuyên gia…, làm sao để doanh nghiệp Việt không chỉ bán được hàng mà phải bán được hàng có thương hiệu.
Từ góc độ ngành hàng xuất khẩu, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam bày tỏ mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan trong EVFTA cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ, giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU.
“Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư về khoa học công nghệ cho con giống, thức ăn chăn nuôi…; tăng cường các giải pháp để tận dụng được chế biến phụ phẩm trong ngành thuỷ sản, bởi phụ phẩm chiếm khoảng 40-50% sản lượng thuỷ sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành”, bà Hằng nói.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); 4,57-5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có EVFTA.

Nguồn tin: (Theo haiquanonline.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây