Giao dịch thương mại điện tử đối với mặt hàng nông sản kinh nghiệm từ các nước và các khuyến nghị với nông sản Đắk Lắk

Thứ tư - 24/08/2022 05:45
Tỉnh Đắk Lắk là tỉnh có điều kiện, tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp. Nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến dồi dào, đa dạng, chất lượng đang được nâng cao; ngành nông nghiệp có quy mô lớn hàng đầu của cả nước cả về diện tích canh tác, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông sản với công nghệ cao thiết bị hiện đại được chú trọng thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Do đó, với thành tựu của công nghiệp 4.0, cùng kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới thì thương mại điện tử là một cơ hội lớn dành cho việc tiêu thụ nông sản tỉnh Đắk Lắk.
Để tối ưu hoá cơ hội đang bùng nổ của ngành thương mại điện tử, thì cần có các mô hình kinh doanh bền vững và quy mô lớn, việc lựa chọn mô hình nào tuỳ thuộc vào chức năng vận hành của thị trường nội địa của nước đó, khu vực đó. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào mô hình sản phẩm, hiệu quả chiến lược, xây dựng lòng tin và sự trung thành của người tiêu dùng. 
Tại các nước đang phát triển cũng như phát triển, các ứng dụng thương mại điện tử đã được thiết lập phục vụ riêng cho mặt hàng nông sản, thậm chí các nhà bán lẻ đã tạo lập nên các mạng lưới logistics phù hợp, thiết lập quan hệ đối tác với các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp. Tại Mỹ, một số doanh nghiệp đã thiết lập các mô hình dịch vụ chỉ phục vụ riêng mảng nông sản, kết nối người nông dân và người tiêu dùng như: Farmstead, Good Eggs, GrubMarket, Imperfect Produce...Tại Anh có: Abel & Cole, Farmdrop và Riverford, trong đó, vào năm 2018, Riverford đã bán được 50,000 hộp rau củ trong 1 tuần và thu về 60 triệu bảng Anh trong năm. Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất nông nghiệp cũng có thể bán sản phẩm cho thương lái bên thứ ba, đối tác này sẽ bán thông qua các ứng dụng thương mại điện tử đến tay người tiêu dùng. Phương thức bán hàng phổ biến tại Trung Quốc nơi mà các công ty thương mại điện tử như JD, Pinduoduo, Tmall được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng logistics công nghệ cao nhằm tiếp cận với đối tượng là người tiêu dùng với các sản phẩm tươi. Pinduoduo sử dụng mô hình mua bán cải tiến, người sử dụng có thể mời nhiều người để thiết lập nhóm mua chung nhằm giảm chi phí đơn hàng. (Theo báo cáo năm 2019 của GSMA – Hiệp Hội Hệ Thống Thông Tin Di Động Toàn Cầu)
t12
Ảnh nguồn Internet
Về hệ thống pháp lý của Việt Nam, năm 2005, Quốc hội thông qua ba luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho Thương mại điện tử, đó là Luật thương mại, Bộ luật Dân sự và Luật giao dịch điện tử. Ngoài những văn bản trên, hoạt động Thương mại điện tử, các hoạt động liên quan đến Thương mại điện tử nói chung và việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực Thương mại điện tử còn chịu sự điều chỉnh của một số luật như; Luật Công nghệ thông tin năm 2006. 
Thực tiễn đối với tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê dựa trên kế hoạch số 8820/KH-UBND, này 29/9/2020 về phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5% quy mô dân số tham gia mua sắm trực tuyến, doanh số thương mại điện tử B2C hàng năm tăng 10%, tốc độ phát triển còn chậm so với tiềm năng; 15% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên các thông tin hoạt động và quảng bá các sản phẩm, 50% doanh nghiệp thực hiện việc đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 70% các đơn vị cung ứng dịch vụ viễn thông và truyền thông cho phép người dân thanh toán bằng thẻ và thanh toán qua các phương tiện điện tử. 
Vừa mới đây, Sở Công Thương Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch triển khai trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản, hiện đang lấy ý kiến của các ngành có liên quan, theo đó, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 hình thành và triển khai trung tâm logistics, trước mắt là trung tâm logistics chuyên dụng kết nối cùng với hệ thống các trung tâm logistics hạng I và hạng II, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, phục vụ cho đầu vào và đầu ra của sản xuất công nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm đầu mối logistics quan trọng của vùng và khu vực.
Với các điều kiện hiện có như: cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, các thiết bị viễn thông, di động, đường xá, bến bãi, kho lạnh... sẽ là yếu tố tiềm năng của để có thể phát triển thương mại điện tử ngành nông sản tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, các doanh nghiệp của tỉnh, bên cạnh các thị trường và mô hình kinh doanh truyền thống đã, đang từng bước tiếp cận với các thị trường trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua con đường thương mại điện tử, cụ thể như: việc thiết lập các website B2B, B2C, trở thành thành viên bán hàng tích cực của các mạng lưới như: shopee, lazada, sendo, haravan, google, gcaeco, amazon...cũng như tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các phiên tư vấn trong và ngoài nước để đẩy mạnh hoạt động kết nối, xây dựng mạng lưới khách hàng mới, tìm hiểu các quy định của thị trường mục tiêu...Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử cho mặt hàng nông sản còn manh mún, chưa đồng bộ, chưa có sân chơi chung cho các doanh nghiệp, sản lượng chưa mang tính tập trung, vận hành theo mô hình hợp tác xã còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có số liệu thống kê mang tính chính thống về số lượng đơn hàng, các hoạt động liên quan đến nguồn gốc mang tính truy xuất, chỉ dẫn địa lý hay vùng trồng chưa được thực hiện với nhiều sản phẩm nông sản như sầu riêng, bơ...
Trong thời gian tới, để ngành thương mại điện tử nông sản của tỉnh có những bước đi vững chắc, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trung ương, địa phương, các sở ban ngành và doanh nghiệp cũng như các hợp tác xã, người sản xuất để tạo ra được môi trường thuận lợi cho ngành này phát triển. Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:
1. Đối với hoạt động người nông dân sản xuất nông sản nói chung, nhà nước và các sở, ban ngành có liên quan cũng như các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhà phân phối...: Cần tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền, tập huấn cũng  như các buổi tư vấn tại chỗ theo dạng “cầm tay chỉ việc” về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá, quy trình trồng trọt, thu hái, bảo quản, sơ chế cũng như chế biến sâu...Ngoài ra, tuyên truyền, tập huấn cũng như tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của thương mại điện tử trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp; đưa ra những tình huống sát với thực tế hoặc những kinh nghiệm thành công của người sản xuất ở các tỉnh thành khác liên quan đến các quá trình từ khâu sản xuất, bao bì, nhãn mác, quy trình đến khâu tìm kiếm đối tác thương mại điện tử phù hợp với quy mô sản xuất cũng như mặt hàng. Cần có sự gắn kết chặt chẽ với những đơn vị có quy mô thương mại điện tử lớn, đa ngành, đa phương tiện. Cần tổ chức các chương trình tham quan thực tế, học hỏi các mô hình thành công trên cả nước, triển khai các hoạt động thống kê trên diện rộng về các đối tượng sản xuất nông sản, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để có thể kịp thời hỗ trợ và chung tay cùng người nông dân phát triển thương mại điện tử. 
2. Đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ như hạ tầng mạng, viễn thông, logistics, vận chuyển, kho bãi, kho lạnh...: Cần có sự quy hoạch ngành mang tính lâu dài và phù hợp với điều kiện địa lý, mang tính đồng bộ, ổn định, lâu dài và phù hợp với dung lượng thị trường, trong đó, đấu nối thuận tiện với các hệ thống giao thông vận tải. Bám sát kết cấu hạ tầng giao thông và các hành lang vận tải. Sử dụng thuận tiện được ít nhất là một phương thức trong mạng lưới vận tải đa phương thức. Theo quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 03/7/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phương án quy hoạch vùng Tây Nguyên: Hành lang kinh tế Đông Trường Sơn sẽ có 01 Trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 10 ha đến năm 2020 và trên 20 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và hướng ra các tỉnh duyên hải; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (thuộc các tỉnh vùng duyên hải), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
3. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử: Cần có sự liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan như: vận chuyển, kho bãi, lưu trữ hàng hoá để có thể kết nối, đưa nông dân lên các sàn thương mại điện tử, giảm khâu trung gian và mang tới người tiêu dùng những nông sản giàu chất lượng và tươi mới nhất. 
4. Đối với môi trường pháp lý, hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử cho ngành nông sản nói riêng: Trong thời gian đến, cần triển khai kịp thời và đồng bộ các văn bản của trung ương để từ đó, đưa tỉnh Đắk Lắk nói chung và nông sản Đắk Lắk nói riêng có sự hiện diện mạnh mẽ trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước. 

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây