Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 10/10/2022 23:26
Đắk Lắk là tỉnh nông nghiệp (gần 70% dân số sản xuất nông nghiệp), nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích tự nhiên hơn 13.000 km² (đứng thứ 4 cả nước), là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân cư tạo nên một nền kinh tế năng động, một nền văn hóa đa sắc màu, với trên 2 triệu dân (đứng thứ 10 cả nước) gồm 49 dân tộc anh em sinh sống.
Đắk Lắk có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp với 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước), địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó có gần 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất, khí hậu ôn hòa, có gần 42.000 ha mặt nước,… Đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày hiện có 354.000 ha, trong đó diện tích cây công nghiệp là 311.000 ha, diện tích cây ăn quả 43.000 ha, bao gồm một số cây công nghiệp chủ lực như sau: Cà phê: Diện tích 213.000 ha, sản lượng 526.000 tấn; Cao su: Diện tích 34.300 ha, sản lượng 38.000 tấn; Hồ tiêu: Diện tích 32.800 ha, sản lượng 82.000 tấn; Điều: Diện tích 27.700 ha, sản lượng 31.400 tấn; Cây ăn quả: Diện tích 43.000 ha, sản lượng 400.000 tấn.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản (315 cơ sở chế biến cà phê, 185 cơ sở chế biến các sản phẩm khác như: Mắc ca, ca cao, điều, gạo, trái cây sấy, ....). Chế biến nông lâm thủy sản ở tỉnh Đắk Lắk hiện chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và đóng vai trò khá quan trọng trong việc hỗ trợ ngành nông, lâm nghiệp và dịch vụ của tỉnh phát triển.
Từ tình hình thực tế nêu trên có những tồn tại và hạn chế đó là diện tích, sản lượng cây công nghiệp của tỉnh rất lớn, tuy nhiên ngành chế biến cây công nghiệp dài ngày của tỉnh thời gian qua phát triển chậm, việc ứng dụng công nghệ cao, chế biến sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, tinh chế còn nhiều hạn chế (chỉ chiếm khoảng 10 - 20 % sản lượng).
Trước hết, năng lực chế biến còn thấp: thể hiện rõ nhất ở khả năng thu hút nông sản nguyên liệu. Một số cây công nghiệp dài ngày có sản lượng lớn được đưa vào chế biến công nghiệp như cà phê, mía đường nhưng khi vào chính vụ thì công suất chế biến không đủ đáp ứng, gây ùn tắc mùa vụ và tổn thất lớn (dao động 10-20% tùy theo ngành hàng).
Thứ hai, quy mô đầu tư chưa hợp lý, thiếu cân đối với phát triển nguyên liệu. Việc chậm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tập trung, khiến nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu, nguyên liệu chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, mức phát huy công suất chế biến thấp trong nhiều năm, gây thua lỗ kéo dài. Đối với các vùng nguyên liệu phân tán thường khó thu hút đầu tư chế biến công nghiệp, trong khi đó chưa quan tâm đúng mức đến phát triển chế biến quy mô vừa và nhỏ, để mặc tự phát với công nghệ lạc hậu, sản phẩm khó tiêu thụ.
Thứ ba, việc liên kết phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được hiệu quả. Các cơ sở chế biến cà phê lớn hiện đại chủ yếu tập trung tại Đông Nam Bộ trong khi ở địa bàn Tây Nguyên chưa có.
Thứ tư, trình độ công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày nhìn chung là thấp. Hệ số đổi mới thiết bị của các cơ sở chế biến cà phê trong nước chỉ 7%/năm, bằng 1/2 - 1/3 các nước khác. Nhiều cơ sở chế biến trên 15 năm tuổi nhưng công nghệ vẫn không được đổi mới, chi phí sản xuất cao.
Thứ năm, chế biến chưa đủ sâu và chưa đa dạng, linh hoạt theo mùa vụ. Sản phẩm cây công nghiệp dài ngày chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%). Còn chậm phát triển các sản phẩm chế biến từ cây công nghiệp dài ngày. Chưa đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống thiết bị chế biến một cách tối ưu để tiêu thụ được các loại nông sản đa dạng, khác biệt, nhiều mùa vụ ở nước ta, nhất là các loại rau, củ, quả. Vì thế, hiệu quả đầu tư, sản xuất còn hạn chế.
Định hướng trong thời gian tới xác định ngành Công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây cà phê đóng vai trò quan trọng, là một trong các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh; sớm đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày hiện đại, hiệu quả và thân thiện môi trường ở khu vực ASEAN và thế giới, là thủ phủ sản xuất và chế biến sâu cà phê gắn với thương hiệu ngang tầm thế giới; là trung tâm tập trung các thương hiệu thế giới trong chế biến các cây công nghiệp dài ngày khác.
Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới đó là:
Giải pháp về quy hoạch và các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày cho phù hợp với điều kiện phát triển trong giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045: Rà soát, điều chỉnh, minh bạch hóa quy hoạch và các chủ trương đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn tỉnh và vùng Tây Nguyên nhất là ở các vùng, địa phương đủ điều kiện, có nhiều tiềm năng phát triển.
Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng chặt chẽ, có cơ chế “nhạc trưởng” và cơ chế kết nối các địa phương, làm nền tảng cho kết nối công nghiệp chế biến cà phê và các cây công nghiệp dài ngày khác.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây cà phê. Cần có tập hợp các nhóm chính sách hướng đến từng nhóm chủ thể (doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã,…), tạo thành các gói cơ chế, chính sách tổng hợp để thực hiện có hiệu quả hơn. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác từ cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn nhằm phát triển công nghiệp chế biến, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Phát triển hợp lý chế biến công nghiệp, chế biến sâu với chế biến vừa và nhỏ: Để phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày quy mô lớn cần có lộ trình và bước đi hợp lý. Tập trung thu hút đầu tư với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn có nhiều tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường, trình độ quản lý tiên tiến hiện đại nhằm đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê và các cây công nghiệp dài ngày, kho lạnh, logistics với quy mô lớn, dây chuyền chế biến hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, một số địa bàn chỉ cần phát huy tối đa công suất chế biến hiện có là cơ bản đáp ứng yêu cầu. Một số khác không cần tăng công suất chế biến công nghiệp, mà tập trung nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư chế biến sâu, tạo ra sản phẩm phục vụ an ninh dinh dưỡng của thế giới. Việc đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp dài ngày phải hình thành được các doanh nghiệp đầu tàu trong từng ngành hàng, dẫn dắt các chuỗi cung ứng kép, hướng đến thực hiện kinh tế chia sẻ, ứng dụng blockchain. Đồng thời, luôn phải dành cơ hội cho sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ, phục vụ OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đẩy nhanh việc xây dựng liên kết chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến: Nền tảng của công nghiệp chế biến bền vững là sự phát triển của sản xuất trồng cây công nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, ổn định, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần quan tâm tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất của nông dân ở mức độ cao hơn, phát huy mạnh hơn vai trò hợp tác xã, tổ hợp tác trong liên kết ngang nông dân với nông dân, phát triển trang trại nguyên liệu... Doanh nghiệp chế biến cần hợp tác, liên kết với nông dân, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ bền vững theo cơ chế mới, chặt chẽ hơn (hỗ trợ nông dân vay vốn, ứng dụng tiến bộ kỹ thật vào sản xuất, thực hiện vai trò đầu tàu trong liên kết chuỗi giá trị. Nông dân phải có ý thức, nghiêm túc thực hiện sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu).
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, trong thời gian tới, tiếp tục chú trọng đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu, bảo quản và tiêu thụ nông sản, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sẽ giúp cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ được sản phẩm, giải quyết được bài toán được mùa mất giá, trồng, chặt, xóa bỏ tình trạng sản xuất tự phát như hiện nay, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sản xuất bền vững góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Giải pháp mở rộng, kết nối bền vững thị trường, xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại điện tử: Hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thành lập các Chi hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi nông dân và các thành viên, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Quan tâm công tác đánh giá, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản. Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách với các thành phố lớn về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cà phê và các cây công nghiệp dài ngày cả trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới.
Giải pháp tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số: Cần có một chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, tập trung lực lượng chuyên gia cả nước nghiên cứu nâng cấp công nghệ chế biến sâu cà phê và các sản phẩm từ cây công nghiệp dài ngày; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; làm rõ các mô hình đầu tư chế biến tối ưu từng ngành hàng, mô hình phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả cao, mô hình chuỗi cung ứng kép (ngang và dọc) giữa các cấp độ chế biến, công đoạn sản phẩm và các chủ thể doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp nhỏ, nông dân, hợp tác xã,…
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến có thể tận dụng, chủ động thích nghi với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung phát triển, đổi mới, ứng dụng các công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sớm đạt hiệu quả sản xuất, sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư và tận dụng được thời cơ từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chế biến cà phê và cây công nghiệp dài ngày thời kỳ kỹ thuật số: Quan tâm đúng mức việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất với công nghệ hiện đại. Khắc phục việc thiếu hụt cán bộ quản lý, nhân viên kế toán HTX, lực lượng khởi nghiệp ở nông thôn, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, sơ chế, bảo quản và các dịch vụ cơ điện ở nông thôn… Tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất, kết nối số của nông dân.
Tác giả: Nguyễn Như Thành - Phòng KHTC, Sở Công Thương