Nguồn lực hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ hai - 25/04/2022 03:56
Trong những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk lắk hoạt động có hiệu quả trên các phương diện góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. 
Hệ thống sấy nấm năng lượng mặt trời
Hệ thống sấy nấm năng lượng mặt trời
Hoạt động khuyến công ngày càng khẳng định là nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn. Rất nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương hoặc quốc gia thông qua Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp dưới sự chỉ đạo của Sở Công Thương Đắk Lắk, đơn vị phối hợp tại các địa phương là phòng kinh tế hoặc kinh tế và hạ tầng. Các cơ sở công nghiệp nông thôn đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại, mở rộng năng lực sản xuất, áp dụng các công cụ quản lý chất lượng vào quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đã đạt được những hiệu quả nhất định trong sản xuất kinh doanh, một số mô hình có khả năng nhân rộng như: sản xuất cà phê bột - Công ty TNHH cà phê Hương Mỹ, Công ty cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công..; sản xuất và đóng gói cà phê hòa tan - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái; sản xuất Sô cô la - Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn; sản xuất macca và các sản phẩm từ macca - Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, Hợp tác xã Liễu Định; sản xuất vật liệu xây dựng không nung - Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hoàng Thụ, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Ngọc Chương; sản xuất, chế biến gạo - Công ty TNHH MTV Cà phê 721; hoa quả sấy - Công ty Công thương Miền Đông; Sản xuất nấm ăn – Công ty CP thực phẩm xanh Thành Đồng; và một số cơ sở sản xuất sản phẩm hàng tiêu dùng, cửa nhôm, cán tôn, sản phẩm cơ khí, nội thất, nước đóng chai, đá viên, một số sản phẩm hàng nông sản...
IMG 0550
Hệ thống máy cán tôn được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công 
Nhưng qua thực tế tiếp xúc với nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thì thấy được ở một số cơ sở còn nhận thức rất mơ hồ về hoạt động khuyến công do đó xin tóm lược lại vài vấn đề đề cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu bản chất vấn đề về hoạt động khuyến công, mục tiêu của chính sách, điều kiện để được hưởng hỗ trợ như sau:
Hoạt động khuyến công những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (gọi chung là “Hoạt động khuyến công”).
Mục tiêu của hoạt động khuyến công: Động viên và huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới;  Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn đến nay cũng dần nâng cao vai trò ngành sản xuất công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo, đóng góp ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 
Điều kiện và ngành nghề ưu tiên được hưởng chính sách khuyến công, nội dung nhiệm vụ, đề án phù hợp với nội dung quy định tại Điều 4 và ngành nghề phù hợp với danh mục ngành nghề quy định tại Điều 5 của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; Nhiệm vụ, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Công Thương đối với khuyến công quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đối với khuyến công địa phương); Tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ); Cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc thụ hưởng từ đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ; Tổ chức dịch vụ khuyến công, tổ chức dịch vụ khác có kinh nghiệm, năng lực để triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công (trừ các hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện).
Theo quy định ngành nghề ưu tiên được hưởng chính sách: Ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; Ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp trọng điểm của quốc gia, vùng, miền và từng địa phương; sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.
z3367161133874 867abd629bfdcc71a94e7cea1c0a6cf0
Máy kết tinh Sôcôla nhân macca được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công

Qua làm việc với Công ty TNHH MTV Cà phê 721 là đơn vị duy nhất trong tỉnh Đắk Lắk vừa sản xuất, vừa chế biến lúa gạo, là đơn vị đầu tiên trong tỉnh xây dựng thương hiệu gạo. Thương hiệu Gạo 721 được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018, đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017, cấp khu vực năm 2018, cấp quốc gia năm 2019. Để đạt được thành quả trên thì Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đã thực hiện chuyển đổi, áp dụng nhiều phương pháp, đầu tư máy móc thiết bị, song song với đó đã được hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến gạo, công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm tổng giá trị 754 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu. Tuy giá trị đề án và mức hỗ trợ không lớn nhưng rất kịp thời và hiệu quả, từ khi đề án hoàn thành trong dây truyền chế biến giảm được 5 công bốc xếp/ca làm việc, việc nạp lúa vào lò sấy, ra lúa sau sấy hoàn toàn tự động nhờ hệ thống vít tải và băng tải, nhờ hệ thống cân tự động đầu vào mà bất cứ lúc nào người quản lý cũng biết được tỷ lệ thu hồi gạo lên có những quyết định mua bán kịp thời, giảm bụi bẩn trong nhà máy...
HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu qua việc nắm bắt được các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, năm 2019 HTX đã mạnh dạn đầu tư mới 100% máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê thông qua việc hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh để mua máy tách màu, phân loại hạt cà phê với kinh phí khuyến công địa phương năm 2019 hỗ trợ: 140 triệu đồng. Quy trình chế biến cà phê có sử dụng công nghệ máy tách màu là quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến, đây là quy trình có mức độ tự động hóa cao, dễ vận hành, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Phương pháp tách màu với mức độ tự động cao, ít phụ thuộc chủ quan vào công nhân vận hành, hoạt động tin cậy, ổn định. Khâu vệ sinh và kiểm tra chất lượng được cải thiện và đạt hiệu quả cao. Thu được thành phẩm đồng nhất, hạt cà phê nhân đủ tiêu chuẩn, bề mặt đẹp, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường.
Việc hỗ trợ kinh phí cho HTX từ nguồn kinh phí khuyến công, giúp HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, đã tận dụng được nguyên liệu cà phê sẵn có trên địa bàn. Trước khi được hỗ trợ máy tách màu, để phân loại được 01 tấn nguyên liệu trong 01 ngày HTX cần đến 5 nhân công để phân loại cà phê nhân, chi phí lên tới: 37,5 triệu đồng/tháng. Sau khi được hỗ trợ máy tách màu phân loại với năng suất 1 tấn -1.4 tấn /giờ. HTX chỉ cần 2 nhân công để hỗ trợ sản xuất, HTX tiết kiệm được 31,5 triệu đồng tiền chi phí nhân công/tháng. Từ nguyên liệu cà phê hạt đạt yêu chất lượng HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất cà phê rang xay bao gồm cà phê hạt mộc và cà phê bột sản phẩm đạt chuẩn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và được thị trường ưa chuộng, đem lại lợi nhuận cao cho HTX.
Trên địa bàn tỉnh, qua một số mô hình nổi bật trong các năm vừa qua được hỗ trợ từ chương trình Khuyến công địa phương và quốc gia trong những năm qua thì nổi bật lên các cơ sở công nghiệp nông thôn khởi nghiệp ở một số địa phương có nền công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển như ở các huyện: EaKar; Ea H’leo; Krông Ana; Tp. Buôn Ma Thuột; CưM’gar; Krông Bông; Krông Năng, thành phố Buôn Ma Thuột… Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thì hiệu quả của Chương trình khuyến công đã phát huy ngày càng tốt hơn thông qua hỗ trợ: 
Hoạt động của khuyến công được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh – truyền hình Đắk Lắk, ấn phẩm, trang thông tin điện tử từ đó cung cấp những thông tin, kiến thức về khoa học công nghệ; kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, nhận thức về chính sách về khuyến công và phát triển công nghiệp, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đây là các kênh tuyên truyền về chính sách của nhà nước, thực tiễn hoạt động, hiệu quả của chương trình cũng như cách thức triển khai nhằm nhân rộng các mô hình đạt kết quả tốt, hiệu quả bền vững trong thời gian qua. 
IMG 3838 JPG
Ngày Hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk
Rất nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có của vùng, địa phương và được hỗ trợ từ chương trình khuyến công như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột cho Hộ kinh doanh Nguyễn Trung Dũng tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột cho Hộ kinh doanh Nguyễn Đình Vạn tại xã Chư Kbô, huyện Krông Búk; Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất đá viên tinh khiết tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar cho HKD Phan Văn Phụng.… đã bước đầu có thành công trên thị trường, sản xuất ra sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, dần cải tiến mẫu mã bao bì thông qua quá trình tư vấn của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động tôn vinh sản phẩm.... Các cơ sở công nghiệp nông thôn này là những mô hình thực tế, gần gũi, dễ dàng nhân rộng mô hình có vai trò lan tỏa về hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa phương khích lệ với các cơ sở sản xuất học hỏi, vì thế những năm qua công nghiệp nông thôn của tỉnh đã phát triển rất rõ rệt cả số lượng, chất lượng. Đây chính là sự đóng góp quan trọng trong con số phát triển tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh theo thống kê tăng khoảng 15 - 20% hàng năm, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy vậy để nền công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững thì trong thời gian tới các cơ sở công nghiệp nông thôn cần thực hiện chuyển đổi để đáp ứng thị trường thì sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt thị trường cần, cần có những kế hoạch, phương án cụ thể để hoạt động bền vững thì cần phải chú ý một số giải pháp, đặc biệt đối với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp: tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để làm lợi thế cho sản phẩm chủ lực của cơ sở; Tìm kiếm sự hỗ trợ vốn từ các Quỹ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc từ các chương trình gọi vốn khác...; Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động...; Tham gia tích cực các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại do các cơ quan tổ chức hỗ trợ nhằm tiết kiệm chi phí; Tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tiết giảm chi phí, tăng giá trị của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, bảo hộ thương hiệu sản phẩm của cơ sở hoặc tích cực tham gia chỉ dẫn địa lý vùng sản xuất; Tập trung cải tiến, đổi mới bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng từ sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt đáp ứng các yêu cầu của Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; Áp dụng các công cụ quản lý chất lượng cho sản phẩm, sản xuất như: ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, Hệ thống thực hành sản xuất tốt – GMP, SQF...Xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu sản phẩm, áp dụng các công cụ truy suất nguồn gốc, doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; Tham gia sản xuất sạch hơn nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất giúp hạ giá thành sản phẩm; Chuyển đổi số hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia sàn thương mại điện tử: Lazada, Shoppee, TiKi, Sendo...để phát triển thị trường nội địa; Sàn thương mại điện tử như: Amazon, Taobao, ebay, Walmart, Alibaba... để hướng đến thị trường xuất khẩu. Tận dụng các nền tảng số nâng cao hiệu quả quảng bá: zalo, Facebook, Tiktok, Intargram, Twitter... để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.
Ngoài ra các cơ sở công nghiệp nông thôn xem xét việc gia nhập các tổ chức như: Hội Nông dân Việt Nam; Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam. Tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua một số chương trình dành cho khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh...
hinh 9
Sản phẩm cà phê nguyên chất của cơ sở Công nghiệp nông thôn
Chương trình khuyến công của tỉnh có những chính sách hỗ trợ cho cở sở công nghiệp nông thôn trong giai đoạn từ 2021 đến năm 2025 bằng những chính sách thiết thực như: khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn thông qua việc hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn... đã giúp các cá nhân, tổ chức nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của hoạt động khuyến công; cung cấp những thông tin kiến thức cơ bản, đáp ứng yêu cầu để hình thành, phát triển và mở rộng của cơ sở, nhờ đó giúp cho các cơ sở mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn, mặt khác còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua các kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã thúc đẩy phát triển số lượng, tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thiện, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng và thị trường. 
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn bằng việc tham gia Hội chợ - triển lãm, kết nối giao thương, giúp giới thiệu, quảng bá rộng rãi, kịp thời các sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ lực, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm đối tác để liên doanh, liên kết, ký kết tiêu thụ sản phẩm.
Day chuyen che bien cafe
Hệ thống chế biến cà phê được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn nhờ được cung cấp thông tin về thị trường, thông tin khoa học công nghệ, biết áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, sử dụng nguyên nhiên liệu tiết kiệm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cộng đồng từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp; tổ chức và tham gia hội chợ giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu thị trường. Để cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký nhận được hỗ trợ từ chương trình khuyến công là rất thuận lợi từ việc đăng ký đến việc nhận hỗ trợ đều đã được quy định hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương với sự hỗ trợ nhiệt tình của phòng kinh tế hoặc kinh tế hạ tầng các địa phương và Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk, mọi vướng mắc đều nhận được sự tư vấn hướng dẫn của cán bộ thực hiện chương trình khuyến công do đó các cơ sở cần chủ động thực hiện tiếp cận tìm hiểu, tham gia chương trình thông qua thông tin tuyên truyền, nghiên cứu sự phù hợp của cơ sở mình để được thuận lợi tăng thêm phần hỗ trợ kinh phí từ chương trình trình khuyến công trong triển khai các đề án, dự án đầu tư.

Tác giả: Phan Hữu Thành - Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây