Tham dự có đồng chí Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; đại diện Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu…
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bộ, ngành, Trung ương và sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây nguyên đã vượt qua khó khăn triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn khuyến công, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, năm 2019, tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên là 64,47 tỷ đồng, đạt 95,27% so với kế hoạch năm, tăng 7,34% so với tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2018. Năm 2020, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố là 69,41 tỷ đồng, cao hơn 2,56% so với kế hoạch năm 2019; một số địa phương bố trí nguồn ngân sách cao cho hoạt động khuyến công là: Lâm Đồng (hơn 10 tỷ đồng), Quảng Nam (6,94 tỷ đồng), Quảng Bình (3,94 tỷ đồng)… Trong 6 tháng đầu năm, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 19,9 tỷ đồng, đạt 28,58% kế hoạch năm, cao hơn 12,92% so với tỷ lệ thực hiện 6 tháng đầu năm 2019.
Từ kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương được phân bổ, các đơn vị đã triển khai các chương trình, như: đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT… bảo đảm theo các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Ngoài ra, một số địa phương căn cứ quy định trên địa bàn, có phân bổ kinh phí khuyến công địa phương để triển khai thực hiện thêm một số nội dung khác để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT. Các hoạt động khuyến công, nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Tạo cho các cơ sở công nghiệp nông thôn và địa phương có những nhìn nhận tích cực về hiệu quả hỗ trợ của Nhà nước.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố thẳng thắn trao đổi, phân tích những khó khăn, tồn tại và đề ra các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai công tác khuyến công hiện nay để Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động khuyến công ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng lưu ý, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công theo hướng chuyên nghiệp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia năm 2020; bám sát diễn biến tình hình của cơ sở công nghiệp nông thôn, đặc biệt là các đối tượng tại vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh gặp vướng mắc trong triển khai tiến độ đề án, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối với hoạt động khuyến công và phát triển công nghiệp, thương mại.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chụp hình lưu niệm cùng Lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh.
Dịp này, 6 tập thể và 5 cá nhân đã được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công. Đại diện lãnh đạo Cục Khuyến công địa phương và Sở Công Thương Quảng Bình đã trao cờ cho Sở Công Thương Ninh Thuận, đơn vị đăng cai hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ XII, năm 2021.
Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương