Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 05/01/2025 22:04
Hoạt động thiết thực xuất phát từ một chủ trương lớn! Thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Việc phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu được thông qua hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, đây là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm mục đích phát hiện và tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, các cơ quan nhà nước có chính sách, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phát huy lợi thế của tỉnh về nguyên vật liệu, lao động, kỹ năng, kinh nghiệm kết hợp với tư duy sáng tạo cùng với việc áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, các sản phẩm CNNT tiêu biểu được sản xuất từ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần đáng kể trong việc xây dựng nên những sản phẩm CNNT mang Thương hiệu Việt.
Các cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh Đắk Lắk được tôn vinh SPCNNTTB cấp Quốc gia 2023
Kết quả ấn tượng
Hoạt động khuyến công Đắk Lắk luôn bám sát mục tiêu của các chương trình khuyến công quốc gia, địa phương theo từng giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành để cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng; tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tổng số lượng đề án đã thực hiện từ năm 2012 - 2024 là khoảng 242 đề án, với tổng kinh phí khoảng 107.505 triệu đồng, trong đó: kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 5.586 triệu đồng, kinh phí từ chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 21.895 triệu đồng và kinh phí từ nguồn đối ứng của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn là 80.024 triệu đồng.
Cụ thể, đã hỗ trợ triển khai thực hiện 02 đề án đào tạo nghề cho 80 lao động; 45 đề án tập huấn nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng sản xuất sạch trong công nghiệp với hơn 2.309 học viên tham gia; 195 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn cho 15 cơ sở CNNT; kịp thời hỗ trợ giới thiệu và quảng bá rộng rãi với các tỉnh bạn về sản phẩm CNNT chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT của tỉnh liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ hơn 100 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước...
Đối với hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, để phát hiện và tôn vinh những sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và có tiềm năng phát triển sản xuất tại địa phương, từ năm 2017-2024, Sở Công Thương đã triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu định kỳ 2 năm/lần. Công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được các ngành, địa phương hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả; nhận thức của các cấp, ngành, cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp về công tác bình chọn sản phẩm trong hoạt động khuyến công ngày càng nâng cao. Đến nay, Qua các kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk đã có 61 sản phẩm và bộ sản phẩm đạt chứng nhận cấp tỉnh; 31 sản phẩm và bộ sản phẩm được chứng nhận cấp khu vực; 10 sản phẩm và bộ sản phẩm được chứng nhận cấp Quốc gia. Các đơn vị có sản phẩm được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được tỉnh, các ngành chức năng hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước cũng như nước ngoài. Nhiều cơ sở được hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức thông tin tuyên truyền khác. Từ đó, đã góp phần khuyến khích, động viên kịp thời các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nới nói riêng tích cực đẩy mạnh sản xuất, huy động vốn đầu tư mở rộng quy mô, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh và hướng đến xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Đơn cử như, Công ty TNHH Cacao Nam Trường Sơn được hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất ca cao từ nguồn vốn khuyến công, công ty cũng đã đạt Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, Quốc gia. Hơn 17 năm phát triển, các sản phẩm không chỉ bán trong nước mà được xuất khẩu qua 2 đối tác lớn là Canada và Nhật Bản. Bước đầu khẳng định chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng cao cấp. Công ty Damaca Nguyên Phương cũng nhận được hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến sản xuất hạt mắc ca từ nguồn vốn khuyến công. Sản phẩm hạt mắc ca Nguyên Phương đã được Chứng nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp Quốc gia. Mắc ca mang thương hiệu Damaca Nguyên Phương đã dần được mở rộng thị trường trên toàn quốc qua các kênh phân phối online, các chuỗi cửa hàng thực phẩm, các chuỗi quà tặng và xuất khẩu ra các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada, Pháp. Công ty tiếp tục đẩy mạnh thị trường trong nước và tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng khác giúp cho sản phẩm mắc ca Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Việc chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã mở ra những cơ hội phát triển mới, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, tăng độ nhận diện cũng như uy tín khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đây cũng là động lực để các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục nghiên cứu đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Kết quả trên không chỉ khẳng định sự nỗ lực, nhạy bén, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mà còn khẳng định sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thời gian qua. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu Việt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, khôi phục, gìn giữ và phát triển một số ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công của tỉnh Đắk Lắk còn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân như sau:
Tổ chức khuyến công chưa có ở cấp huyện, cấp xã nên không phát huy được vai trò trong tổ chức thực hiện từ cơ sở; chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên làm công tác khuyến công ở các cấp; năng lực xây dựng đề án của các cơ sở CNNT hạn chế, còn phải thay đổi mục tiêu hoặc điều chỉnh kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng của một số đề án. Việc phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý thực hiện có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, kịp thời, có những đề án chưa lường hết những biến động, rủi ro dẫn đến phải ngừng triển khai; Kinh phí hoạt động khuyến công chỉ là ngân sách nhà nước và của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác hỗ trợ. Các cơ sở công nghiệp nông thôn ở các xã xa trung tâm hầu hết là nhỏ và rất nhỏ, năng lực tài chính yếu trong khi nhu cầu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới khá lớn, nhưng mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công chỉ là “vốn mồi” để động viên, khuyến khích. Nhiều nội dung khuyến công đề ra trong chương trình triển khai với tỷ lệ thấp như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu… Nội dung, quy mô hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa có sức lan toả lớn. Chưa có nhiều đề án khuyến công điểm, quy mô lớn thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Công tác tuyên truyền, phổ biến đối với hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều cơ sở sản xuất có những sản phẩm tiềm năng chưa được tham gia; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng phần mềm trong công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu còn hạn chế nên việc tổng hợp kết quả, truy xuất thông tin về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các cấp còn gặp khó khăn.
Để phát huy vai trò và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công, thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Tiếp tục rà soát đánh giá lại đội ngũ cán bộ, cân đối nhân sự; xây dựng khung năng lực từng vị trí công tác và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhằm bổ sung chuyên môn và nghiệp vụ mà mỗi cán bộ đang thiếu hụt, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ khuyến công tiếp cận thực tế các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời cập nhật những thông tin, kiến thức mới về khoa học công nghệ, quản trị, thị trường, pháp luật, công nghệ số…
- Công tác theo dõi, phát hiện, động viên khuyến khích để phát triển công nghiệp nông thôn ở nhiều xã, nhất là địa bàn xa trung tâm huyện còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tồn tại này, đội ngũ cán bộ khuyến công cần bám sát đến cấp xã, nhất là các xã xa trung tâm huyện để khai thác, phát huy tiềm năng phát triển công nghiệp ở tất các các địa bàn của tỉnh, đồng thời tạo ra nhận thức chung của các cấp, các ngành, thôn xã về chủ trương phát triển công nghiệp nông thôn của Nhà nước.
- Hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào các nội dung: ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Để vừa phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, vừa nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc của cán bộ khuyến công. Thời gian tới cần đẩy mạnh nội dung hoạt động tư vấn, kết nối, coi hoạt động tư vấn phát triển, tư vấn có thu và kết nối là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm khuyến công.
- Công tác tuyên truyền về chính sách khuyến công tuy thực hiện thường xuyên, liên tục nhưng do thời lượng tuyên truyền còn ít và hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác khuyến công.
Nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu chiến lược và vai trò phát triển công nghiệp nông thôn trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời truyền cảm hứng, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp mở mới, mở rộng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, cần chú trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất kinh doanh hiệu quả, đến mọi thành phần kinh tế với nhiều phương thức linh hoạt, đa dạng từ hội nghị, hội thảo, triển lãm, thông tin đại chúng, thông tin trên các trang điện tử, môi trường mạng.
- Cá nhân hoá trách nhiệm cán bộ khuyến công theo dõi, xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như hiệu quả đề án để gắn trách nhiệm. Kịp thời xem xét, tư vấn, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả lâu dài của các đề án.
Nhìn chung qua thời gian thực hiện Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công, có thể khẳng định hoạt khuyến công của tỉnh là đòn bẩy giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển một cách tích cực; góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp nông thôn; trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở công nghiệp nông thôn hình thành được liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế./.