Nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng, triển khai hoạt động khuyến công tỉnh Đắk Lắk

Thứ hai - 02/12/2024 22:03
Hoạt động khuyến công tại Đắk Lắk không chỉ góp phần phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trước những yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng kế hoạch khuyến công trở thành nhiệm vụ quan trọng, để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải đổi mới phương pháp thực hiện.
Trong những năm qua, các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã và đang được triển khai hiệu quả, khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn trên cả nước, góp phần phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại tỉnh Đắk Lắk, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành, Sở Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, triển khai thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 17/6/2021 và Quyết định số 1575/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk).
Trong thời gian qua cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, giai đoạn các năm 2021-2024 đã triển khai thực hiện 92 đề án với tổng kinh phí thực hiện hơn 32.603 triệu đồng (trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 11.370 triệu đồng; kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 2.600 triệu đồng), phát huy hiệu quả vai trò “vốn mồi” của Nhà nước và thu hút được hơn 18.633 triệu đồng vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia để phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, các hoạt động khuyến công tập trung vào việc: Tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; khảo sát học tập kinh nghiệm; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua việc hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia trực tiếp hoặc đưa sản phẩm tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu trong nước; thực hiện xây dựng thiết kế và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp; hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm... Hỗ trợ các cơ sở CNNT tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, và nâng cao năng lực quản trị cho các cơ sở CNNT. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, thủ công sang tự động hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; mang lại hiệu quả thiết thực trong chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nông thôn, thúc đẩy CNNT phát triển bền vững.
Hội nghị kết nối giao thương thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP,
sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Kiên Giang
Tuy nhiên, song song với kết quả đạt được, hoạt động khuyến công vẫn tồn tại một số hạn chế như:
Nhận thức của nhiều cơ sở CNNT về quy định, chính sách của Nhà nước về hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, chưa chủ động tìm hiểu và tham gia chương trình khuyến công; các cơ sở nông thôn thiếu tiếp cận nền sản xuất hiện đại; số cơ sở CNNT đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với số lượng, tình hình hoạt động CNNT trên địa bàn tỉnh.
Chưa đồng bộ trong công tác xây dựng kế hoạch Khuyến công; công tác khảo sát, dự báo chưa sâu sát; sự phối hợp với cán bộ quản lý tại cơ sở chưa tốt; công tác nắm bắt vấn đề và tư vấn của cán bộ cho cơ sở còn mang nặng tính lý thuyết chưa sát thực tế; việc lập kế hoạch đôi khi còn mang tính áp đặt chủ quan của kế hoạch chưa sát với nhu cầu của cơ sở và tiềm năng thế mạnh của từng địa phương; một số đề án do mang tính nhất thời của cơ sở nên chưa phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của địa phương, dẫn đến hiệu quả thực hiện không cao.
Nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa được sự quan tâm của chính quyền các địa phương, thiếu tính liên tục và chưa được đầy đủ, kịp thời nhất là ở cấp xã; năng lực cán bộ làm trong hoạt động khuyến công còn hạn chế về năng lực, tầm hiểu biết và năng lực trong một số lĩnh vực; cán bộ cấp huyện thường là kiêm nhiệm, chuyển đổi vị trí việc làm dẫn đến sự quan tâm đầu tư chuyên sâu về hoạt động khuyến công; việc phối hợp Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp với một số địa phương cấp huyện, cấp xã tham gia quản lý thực hiện có lúc có nơi chưa thật chặt chẽ, thiếu tính kịp thời.
Sự hạn chế trong kết nối giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc tư vấn, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển sản phẩm mới, kết nối thị trường đầu ra sản phẩm của cơ sở CNNT.
Kinh phí tham gia vào hoạt động khuyến công còn hạn chế, hạn mức ngân sách dành cho hoạt động khuyến công còn thấp, phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và chưa thu hút được các nguồn lực xã hội hóa.
Hỗ trợ gian trưng bày sản phẩm CNNT tiêu biểu cho cơ sở tại huyện Ea Kar
          Những tồn tại hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, hiệu quả công tác xây dựng Kế hoạch và triển khai hoạt động khuyến công. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy hiệu quả, vai trò xây dựng Kế hoạch và triển khai hoạt động khuyến công cần triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn đổi mới nhận thức, tư duy của cơ sở CNNT: Xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng, đa dạng hóa phương thức tiếp cận thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm tại địa phương, sử dụng mạng xã hội và truyền thông đại chúng để phổ biến chính sách; thành lập các nhóm công tác để trực tiếp tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở CNNT hiểu rõ, chính sách ngay tại địa phương; xây dựng các cẩm nang hướng dẫn cụ thể về chính sách khuyến công và quy trình lập hồ sơ, đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng. Giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận, nắm vững các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công của Đảng và Nhà nước.
Hai là, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch khuyến công: Công tác khảo sát, lập kế hoạch phải đánh giá được mức độ rủi ro, sát với nhu cầu thực tế, lắng nghe ý kiến từ cơ sở và các chuyên gia, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, xác định đề án phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa bàn trong tỉnh.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công hàng năm. Quy trình xây dựng kế hoạch phải linh hoạt, xuất phát từ khảo sát thực tế, đảm bảo sát với nhu cầu của doanh nghiệp; thẩm định chặt chẽ, loại bỏ các đề án không khả thi, tránh dàn trải trong lựa ngành công nghiệp, công nghiệp nền tảng. Tập trung hỗ trợ phát triển các nhóm ngành nghề nông thôn: chế biến nông, lâm, thủy sản ở chế biến tinh; cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng mới. Đồng thời ưu tiên các dự án có tính đổi mới, ứng dụng công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; áp dụng cơ chế phản hồi nhanh, xử lý linh hoạt các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đề án. Tăng cường áp dụng ứng dụng nền tảng số: Phát triển hệ thống quản lý trực tuyến để theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch khuyến công kịp thời; xây dựng cổng thông tin chuyên biệt về khuyến công, cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, thủ tục, và tình hình thực hiện các đề án.
Ba là, phát triển nhân lực và nâng cao năng lực quản lý: Bố trí cán bộ chuyên biệt, hạn chế thay đổi vị trí làm việc, xây dựng mạng lưới khuyến công chuyên nghiệp và ổn định ở cấp huyện và cấp xã. Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác khuyến công để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức triển khai. Hỗ trợ công cụ và tài liệu cập nhật mới nhất về chính sách, quy định và công nghệ cho cán bộ; tạo điều kiện để cán bộ khuyến công tiếp cận thực tế các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời cập nhật những thông tin, kiến thức mới về khoa học công nghệ, quản trị, thị trường, pháp luật, công nghệ số… Xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông thôn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ, đề xuất chính sách đãi ngộ, khen thưởng, nêu gương kịp thời.
Bốn là, tăng cường liên kết và huy động nguồn lực: Kết nối các cơ sở CNNT với các viện nghiên cứu, trường đại học để hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức của toàn xã hội trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn. Thu hút, huy động nguồn lực bên ngoài tham gia hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát triển khai các đề án khuyến công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo kế hoạch khuyến công theo đúng nội dung, tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công; sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động khuyến công giai đoạn.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động khuyến công không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp góp phần để phát triển bền vững công nghiệp nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Tác giả: Nguyễn Thị Thành - TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây