Tham gia Phiên tư vấn, tại điểm cầu trực tiếp TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có đại diện Cục Xúc tiến thương mại Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu; tại điểm cầu Ấn Độ có đại diện Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan) Ông Đỗ Duy Khánh,cùng sự tham gia hỗ trợ tại điểm cầu Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cũng như toàn thể doanh nghiệp quan tâm thị trường Ấn Độ trên nền tảng zoom.
Tại phiên tư vấn, ông Đỗ Duy Khánh – Bí thư thứ nhất, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã giới thiệu tổng quan các sản phẩm chè và cà phê tại thị trường Ấn Độ; thương mại song phương về thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu hai sản phẩm này sang Ấn Độ.
Ông chia sẻ thêm, đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới, chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ. Về mặt hàng chè, Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Được chính phủ hỗ trợ nhưng sản lượng chè trong nước không đáp ứng đủ như cầu trong nước và xuất khẩu nên đây là cơ hội cho xuất khẩu chè của Việt Nam vào thị trường này.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Babu Reddy, Dy, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường, Ủy ban Cà phê Ấn Độ và Ông T.K.Pandey, Giám đốc, Liên đoàn các Nhà nhập khẩu Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ (IICCI) cũng đã chia sẻ khả năng hợp tác, xuất khẩu chè và các sản phẩm liên quan cũng như các quy chuẩn nhập khẩu đối với các loại sản phẩm này.
Kết thúc phiên tư vấn, các chuyên gia khách mời đã giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất khẩu chè và cà phê sang thị trường Ấn Độ. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp quan tâm nên tận dụng những lợi thế đặc điểm vùng nguyên liệu của Việt Nam về chè và cà phê để thâm nhập thị trường giàu tiềm năng này.