Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020. Việc xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương góp phần đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành tiếp tục được khai thác, vận hành có hiệu quả, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong tháng 02/2023 là 493.764 văn bản (gửi 91.394 văn bản, nhận 402.370 văn bản); luỹ kế 02 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 1 triệu văn bản; từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay Hệ thống có tổng số hơn 18.6 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 68 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.513 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 532 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).
Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 20/01/2022 đến ngày 20/02/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 489 nghìn tài khoản đăng ký; trên 16 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 1,2 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 971 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 273 tỷ đồng.
Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, tính đến ngày 21/02/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 02/2023 đạt 53.738.373; trung bình hằng ngày có khoảng 2,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,1 tỷ giao dịch.
Bên cạnh đó, một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được xây dựng và vận hành có hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 57 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. Trong tháng 02/2023 có hơn 42 triệu lượt tra cứu thông tin công dân, chủ yếu là các dịch vụ xác thực thông tin dân cư, xác thực số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, xác thực thông tin hộ gia đình… Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư đã đáp ứng các địa phương tiếp cận, khai thác phục vụ giải quyết TTHC. Ngoài ra, đã hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư (đến nay toàn quốc đã nhập thông tin của 1.930.502 hội viên Hội nông dân; 595.744 hội viên Hội người cao tuổi). Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 03 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vinaphone với 85.402.466 triệu yêu cầu đối sánh. Triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số Căn cước công dân (CCCD) từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH, tính đến ngày 18/02/2023, đã hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của hơn 74 triệu nhân khẩu. Tính đến ngày 18/02/2023, toàn quốc đã có 12.268 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp, chiếm 96% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông); Bộ Tư pháp; Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Văn phòng Chính phủ trong kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thực hiện tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày, thống kê tình hình hỗ trợ các nhóm đối tượng. Dữ liệu từ BHXH cấp huyện trở lên được tự động cập nhật lên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công. Về CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, tính đến ngày 21/02/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 33.070.276 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.410.979 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 4.580.082 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 7.616.411 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.992.816 dữ liệu đăng ký khai tử và 8.947.684 dữ liệu khác.
Về CSDL quốc gia về đất đai, tiếp tục triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG), khối lượng xây dựng CSDL sau điều chỉnh là 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi CSDL là 90 huyện), đã vận hành CSDL đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố. Đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương với Nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các Bộ ngành, địa phương. Hiện nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng CSDL đất đai với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố; tiếp tục xây dựng CSDL 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố, dự kiến hoàn thành 6/2023.
Về CSDL quốc gia đăng ký doanh nghiệp, hiện nay đã có thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; đã kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm, Cổng Dịch vụ công quốc gia qua Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với các Hệ thống: Hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài, Hệ thống thông tin đấu thầu qua mạng; Hệ thống thông tin của một số Bộ, ngành và địa phương thông qua Trục tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) như Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu phù hiệu xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống một cửa điện tử tại một số địa phương./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn