Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 30/09/2024 04:46
Chiều ngày 30 tháng 9 năm 2024, nhằm kịp thời phổ biến, hướng dẫn áp dụng các quy định mới của Luật, đặc biệt là phát huy vai trò định hướng, hướng dẫn tổ chức thực thi các quy định của Luật từ vai trò các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hôm nay, trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực cán bộ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với sự phối hợp của Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.
Hội thảo quốc tế nâng cao năng lực cán bộ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Uỷ ban cạnh tranh quốc gia, Ông Phan Thế Thắng - Phó Ban Bảo vệ người tiêu dùng - Uỷ ban cạnh tranh quốc gia, Bà Grace Cooper - trực thuộc ACCC (Uỷ ban vì người tiêu dùng và cạnh tranh Úc - Australian competion and consumer commission), Ông Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk và hơn 80 đại biểu đến từ các sở, ban ngành, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh...
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phan Thế Thắng cho biết, ngày 20 tháng 6 năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật 2023 bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới, trong đó, nổi bật là các quy định về giao dịch đặc thù, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài mục đích giới thiệu về nội dung của Luật, tập trung vào một số quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cụ thể, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đã làm rõ các khái niệm như: giao dịch đặc thù, thông tin của người tiêu dùng, tiêu dùng bền vững, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trách nhiệm của doanh nghiệp.
Trong đó, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD, quấy rối NTD, ép buộc NTD mua sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trái với ý muốn của NTD, ép buộc NTD thanh toán cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã cung cấp; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho NTD do nhầm lẫn; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho NTD; đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ, không thông báo trước, không công khai cho NTD việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức; ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, yêu cầu NTD phải mua thêm sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của NTD; quy định điều kiện không được phép (Điều 25) trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của NTD trái quy định.
Luật mới quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung như: cung cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt, cung cấp nước sinh hoạt, truyền hình trả tiền, dịch vụ viễn thông di động mặt đất (dịch vụ thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet), mua bán căn hộ chung cư...; trách nhiệm của doanh nghiệp đối với giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa...
Hội thảo được tổ chức còn nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Úc trong công tác phát hiện và xử lý vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như công tác thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Úc. Bà Grace Cooper - Chuyên gia ACCC đã chia sẻ về vai trò của ACCC trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Úc, đánh giá khiếu nại, các bước điều tra, thương nhân có trụ sở ở nước ngoài và các vụ việc giả định...
Theo Bà Grace, Luật người tiêu dùng Úc (ACL) quy định tất cả người tiêu dùng đều có quyền như nhau và tất cả doanh nghiệp đều có trách nhiệm như nhau trên toàn nước Úc, theo đó, ACCC phối hợp với các cơ quan chính phủ khác để thu thập, trao đổi thông tin và thực thi ACL, nhưng ACCC không giải quyết tranh chấp người tiêu dùng, tuy nhiên, ACCC thực hiện hoạt động giáo dục người tiêu dùng về quy định pháp luật, và tư vấn cho họ liên hệ các cơ quan giải quyết tranh chấp như cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan thanh tra ngành và các toà án vụ việc nhỏ..
Ngoài ra, ACCC tư vấn về quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, các bước tiếp theo giúp người tiêu dùng giải quyết khiếu nại, hướng dẫn người tiêu dùng và doanh nghiệp tham khảo thông tin trên trang web của ACCC, hướng dẫn người tiêu dùng và doanh nghiệp liên hệ các cơ quan chính phủ có liên quan, lưu trữ nội dung phản ánh về các hành vi vi phạm tiềm ẩn nhằm phân bổ nguồn lực hiệu quả tại ACCC...ACCC còn triển khai vai trò bằng hình thức đóng giả làm người tiêu dùng, qua đó thu thập các bằng chứng về: Thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, về bảo đảm người tiêu dùng, cung cấp sản phẩm có thể không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn hoặc thông tin bắt buộc, quy trình bán hàng và/hoặc giao dịch với doanh nhân, đồng thời, chuyên gia ACCC còn đề cập đến các khó khăn, thách thức khi triển khai nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Úc... Hội thảo quốc tế nâng cao năng lực cán bộ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là dịp để các bên có liên quan trao đổi và thảo luận một cách tích cực các vấn đề tồn tại hiện nay trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp thu, học hỏi các kinh nghiệm của đất nước Úc đối với hoạt động này trong tương lai.