Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 26/04/2024 04:40
Chiều ngày 26/4/2024, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2024” tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu phát triển thị trường sản phẩm cà phê và gia vị Việt Nam”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Khách sạn Mường Thanh, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và kết hợp trực tuyến trên Zoom và livestream trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tham dự Hội nghị có Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại chủ trì Hội nghị; Ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương; Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk - đồng chủ trì Hội nghị; Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó chủ tịch, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, các Liên minh Hợp tác xã, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan truyền thông báo chí...
Qua nền tảng Zoom, Hội nghị có sự tham gia chia sẻ của Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam; Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái; Ông Trương Tấn Nhất Linh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước; Ông Nguyễn Vĩnh Đức, đại diện Hội Cà phê tỉnh Sơn La; Bà Đỗ Việt Hà - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức; Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ; Ông Nguyễn Duy Hưng - Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập; Bà Trần Như Trang - Trưởng đại diện Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO); Bà Phan Thị Vân - Giám đốc Chương trình, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH Vietnam). Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết với vị thế là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, các mặt hàng cà phê của Việt Nam đã hiện diện trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu chiếm 9,1% thị phần, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng cho ngành cà phê Việt Nam. Ngoài thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu cà phê, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu thế giới về cung ứng hồ tiêu và gia vị với kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Gia vị của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gia vị toàn cầu, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Theo số liệu thống kê của sơ bộ của Tổng cục hải quan, kỳ 1 tháng 4 năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cà phê và gia vị đều có sự tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu cà phê ước tính đạt hơn 306 triệu USD, tăng khoảng 59%, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu ước tính đạt khoảng 58.5 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, dù đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2024, dẫu vậy dự báo nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng cà phê và gia vị sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nguyên nhân bất ổn về thương mại toàn cầu đi kèm với những dấu hiệu suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường tài chính toàn cầu có những biến động mạnh, biến động về giá cả thị trường (so với cùng kỳ năm ngoái, hiện nay giá hồ tiêu tăng 30%, giá cà phê tăng 100%). Ngoài ra, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sẽ phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn cao của thị trường nhập khẩu như quy định của EU về chống phá rừng, áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, ca cao, cao su và sắp tới có thể áp dụng cho hồ tiêu.
Chương trình Hội nghị với 2 phiên tham luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề “Đánh giá tình hình xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị: Thực trạng, thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp XTXK”. Ban tổ chức đã mời đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam; Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam và Hội cà phê Sơn La (đại diện cho các doanh nghiệp) và Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước (đại diện cho địa phương có tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu cà phê và gia vị) có ý kiến tham luận.
Phiên thứ 2 với chủ đề “Thông tin cập nhật về chính sách, khuyến nghị của Thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại quốc tế đối với xuất khẩu sản phẩm cà phê và gia vị Việt Nam”, có sự tham gia chia sẻ của các đồng chí đại diện thương vụ Việt Nam tại Đức, Ấn Độ, Ai Cập và đại diện các tổ chức quốc tế: Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH).
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2024 đã được nghe báo cáo tổng quan về thực trạng cung ứng, xuất khẩu cà phê, gia vị Việt Nam, các ý kiến đề xuất, kiến nghị về giải pháp xúc tiến xuất khẩu từ các Hiệp hội ngành hàng cũng như đại diện của các địa phương có thế mạnh về cung ứng cà phê, gia vị đồng thời Hội nghị đã được các đồng chí đại diện các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung thông tin cập nhật, xu hướng thị trường nhập khẩu sản phẩm cà phê và gia vị. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã mời các chuyên gia về sản xuất, xuất khẩu bền vững từ các tổ chức phát triển thương mại quốc tế chia sẻ các thông tin, yêu cầu thị trường liên quan đến sản xuất và xuất khẩu xanh, bền vững – một trong những yêu cầu đang trở thành điều kiện mang tính sống còn trong cạnh tranh xuất khẩu hiện nay.