Tham gia hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam ông Gareth Ward, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh ông Trần Ngọc An, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh – Asean UKABC, Lãnh đạo các đơn vị Bộ Công Thương và khoảng gần 300 doanh nghiệp tại hai đầu cầu Việt Nam, Vương Quốc Anh tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh những thành tựu của kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm gần đây môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh lâu dài và ổn định trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và cùng có lợi giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và đòi hỏi tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường đầu tư tin cậy và hấp dẫn cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch chuyển dòng FDI, việc vẫn duy trì mức tăng trưởng vốn thực hiện của Việt Nam là thành quả đáng khích lệ, khẳng định sức hấp dẫn thu hút vốn của thị trường. Tính đến hết năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt tại Việt Nam 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cùng với sự phát triển của đất nước Việt Nam, với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Sau hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước 1973, bên cạnh những thành tựu to lớn mà hai nước đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển mỗi nước, quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương không ngừng được củng cố và phát triển. Trao đổi thương mại song phương năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3,5 lần trong 10 năm. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương có xu hướng chậm lại. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,61 tỷ USD, giảm 1,64%. Trong đó xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD, giảm 0,38%, nhập khẩu đạt 857 triệu USD, giảm 10,67%.
Dưới tác động của dịch Covid, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 2,57 tỷ USD, giảm 19,87%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 2,23 tỷ USD, giảm 19,8%, nhập khẩu đạt 337 triệu USD, giảm 20,25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu thương mại hàng hóa, xuất khẩu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ cá nhân gia tăng.
Đến hết tháng 8 năm 2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc hội thảo
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học hàng đầu trên thế giới, trong quan hệ kinh tế đối ngoại, Vương quốc Anh là thị trường quan trọng và luôn là đối tác ưu tiên hợp tác của Việt Nam..... Thị trường hai nước có mức độ bổ sung rất lớn. Vương quốc Anh là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam là thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn.
Tại hội thảo, các diễn giải trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện về triển vọng kinh tế - thương mại của Việt Nam, cũng như các chính sách, biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương với Vương quốc Anh trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời EU vào ngày 31/01/2020 và triển vọng sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương thế hệ mới giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Việt Nam và Vương quốc Anh không ngừng nỗ lực thiết lập các khung khổ pháp lý về thuận lợi hóa thương mại song phương, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tránh gián đoạn các hoạt động kinh doanh thương mại và đầu tư của doanh nghiệp như xem xét áp dụng EVFTA trong giai đoạn chuyển tiếp và đàm phán FTA song phương Việt Nam – Vương quốc Anh.
Với nền tảng phát triển vững chắc và tiềm năng sẵn có của hai nước cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm của cơ quan nhà nước, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đạt được những mục tiêu và kỳ vọng mà Chính phủ hai nước đặt ra trong Tuyên bố về đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh đã ký giữa hai nước năm 2010 và 2020.