Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 05/06/2023 22:04
Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhị" (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa" (Beat Plastic Pollution).
Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hàng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương. Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược chính sách, để án để giảm thiểu rác thái nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thai nhựa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.Nhằm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2023, Sở Công Thương đã ban hành Công văn triển khai các hoạt động của ngành Công Thương hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6, Tháng hành động vì môi trường năm 2023, gửi đến Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung:
Tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 về tăng cường quản lý, sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2023, các địa phương tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; công tác tuyên truyền biển đảo năm 2023 theo Hướng dẫn số 94-HD-BTGTW ngày 23/12/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích thiết kế từ các vật liệu thân thiện với môi trường) tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày môi trường thế giới năm 2023 đạt tính lan tỏa cao.Huy động hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn tham gia tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Đa dạng các công cụ, phương thức tuyên truyền; vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, hành động “Chống ô nhiễm nhựa” để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Căn cứ điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động cộng đồng trong Tháng hành động vì môi trường như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; nghiên cứu xây dựng, phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện các giải pháp và hoạt động nhằm thúc đẩy giảm rác thải, chất thải nhựa tại địa phương, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 không sử dụng đồ chứa dùng một lần.
Chỉ đạo các Ban quản lý chợ trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh tại chợ và người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Vận động tiểu thương tổng dọn dẹp vệ sinh khu vực các chợ trên địa bàn để hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 05 tháng 6.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh: Thực hiện các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường. Sử dụng các sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường như lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học thay thế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy; có chương trình khuyến khích các khách hàng tham gia sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; không sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa... phục vụ khách hàng.
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn, tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Kim Ngân - Phòng Quản lý Công nghiệp
Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Kim Ngân - Phòng Quản lý công nghiệp