Công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa của Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk

Thứ sáu - 17/03/2017 02:54
Thời gian qua tình hình kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa  vẫn được bày bán tại các cửa hàng, cửa hiệu và chợ dân sinh. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa tập trung chủ yếu là nhóm các mặt hàng may mặc, giày dép, mũ nón, túi xách, kính đeo mắt, hàng điện tử, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thời gian qua cho thấy đối với lĩnh vực hàng giả chủ yếu là hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa. Đối tượng vi phạm hầu hết là các hộ kinh doanh buôn bán  tại các cửa hàng, cửa hiệu và các chợ dân sinh.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng và Quản lý thị trường phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch đặt ra. Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về lĩnh vực kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa để các ngành chức năng có căn cứ thực hiện.
Nhìn chung công tác đấu tranh chống nạn kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa của Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, hạn chế rất  lớn đến tình hình kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện và xử lý được nhiều vụ vi phạm.
* Một số vụ điển hình
- Vụ thứ nhất: Ngày 15/4/2015 Đội Quản lý thị trường cơ động đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hộ kinh doanh Tân Hoàn Mỹ, địa chỉ: 03 Lê Đại Hành, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk do bà Huỳnh Thị Nguyên là chủ hộ kinh doanh linh kiện điện thoại đã có hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa vi phạm là 110.370.000 đồng. Đội Quản lý thị trường cơ động đã chuyển hồ sơ vụ việc về Chi cục Quản lý thị trường tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Huỳnh Thị Nguyên số tiền 102.500.000 đồng, đồng thời tịch thu 357 linh kiện điện thoại các loại, đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở bà Huỳnh Thị Nguyên 02 tháng.
- Vụ thứ hai: Ngày 23/4/2015 Đội Quản lý thị trường cơ động phối hợp với Văn phòng Luật sư A Hòa kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh tại thành phố Buôn Ma Thuột đã có hành vi kinh doanh hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty ANDREAS STIHL AG&CO. Đội Quản lý thị trường cơ động đã kiểm tra cửa hàng điện máy Phát do bà Đinh Thị Kim Thu làm chủ, địa chỉ: 233 Lê Hồng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra phát hiện cửa hàng có hành vi bán hàng hoá hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hoá vi phạm là 61.017.300 đồng. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ việc về Chi cục Quản lý thị trường để ban hành quyết định xử phạt đối với bà Đinh Thị Kim như sau: phạt tiền 45.000.000 đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm là 09 máy cưa xích hiệu STIHL MS-381.
Mặc dù vậy nhưng những kết quả đạt được vẫn chưa phản ánh đúng thực tế  diễn biến về tình hình vi phạm trên thị trường, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm vẫn chưa được phát hiện và xử lý. Sự hiểu biết về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa của một bộ phận cán bộ công chức và người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa chưa được sâu rộng, chưa đến được hết các tầng lớp nhân dân, hình thức tuyên truyền còn nghèo nàn chưa phong phú.
Những khó khăn trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa mà Đắk Lắk đang gặp phải là:
Thứ nhất, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn hoạt động rộng lớn, lực lượng làm công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức còn hạn chế chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, đối tượng  kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa có nhiều thủ đoạn tinh vi trong mua bán.
Thứ ba, một số mặt hàng giả, hàng kém chất lượng không có hàng thật để đối chứng do vậy rất khó phân biệt được hàng giả và hàng thật.
Thứ tư, các doanh nghiệp chưa có sự phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thứ năm, tại tỉnh Đắk Lắk chưa có trung tâm giám định hàng hóa, do vậy khi kiểm định chất lượng mẫu hàng hóa phải gửi đi giám định tại các tỉnh, thành phố khác đã tốn nhiều kinh phí và thời gian thực hiện, trong khi đó kinh phí giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chức năng rất hạn chế. Một số mặt hàng không giám định được chất lượng ví dụ như kính đeo mắt, giày dép…
Riêng đối với lực lượng Quản lý thị trường: Cơ sở vật chất của Chi cục còn nghèo nàn, nhà làm việc cấp IV, kho bãi chứa tang vật đã cũ và hư hỏng, diện tích nhỏ hẹp không đủ để  chứa hàng hóa tịch thu theo quy định.
Nguyên nhân để hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa tồn tại trên thị trường là do nhiều nguyên nhân nhưng có một số nguyên nhân chủ yếu là: Các đối tượng kinh doanh cố tình mua bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa để thu lợi nhuận cao, đánh lừa được người tiêu dùng, ngoài ra còn có nguyên nhân rất cơ bản là một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý thích dùng hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng trong nước và trên thế giới  hơn nữa hàng giả, hàng kém chất lượng có giá rẻ, mẫu mã đẹp họ chấp nhận mua để dùng, từ đó đã vô tình  tiếp tay cho hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa tồn tại trên thị trường tỉnh Đắk Lắk như hiện nay.
Để đấu tranh có hiệu quả đối với nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay và trong thời gian tới cần có những giải pháp như sau:
Một là, thực hiện tốt sự chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý đối với các lĩnh vực kinh doanh buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Hai là, cần xác định rõ vấn đề kiểm tra kiểm soát thị trường phải gắn liền với công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật thương mại của thương nhân kinh doanh, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương đối với hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích chính đáng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Ba là, cần phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, tổ chức tuyên truyền về tác hại của hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa, từ đó nâng cao ý thức của doanh nghiệp không sản xuất hàng giả, người dân không mua bán và tiêu thụ hàng giả.
Bốn là, các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm tạo tính răn đe lớn trên thị trường.
       Năm là, cần tiếp tục chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức liên quan đến công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường.
Sáu là, xây dựng được nhiều cơ sở báo tin đáng tin cậy trong và ngoài tỉnh để công tác phát hiện và xử lý triệt để được các đối tượng vi phạm pháp luật.
Song song với các giải pháp trên, có các kiến nghị như sau:
- Đề nghị các Doanh nghiệp, các nhà sản xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng Quản lý thị trường trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa.
- Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, tổ chức tốt công tác tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng nắm được tác hại của việc kinh doanh, mua bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa đến người dân để người dân không mua bán, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa.
- Đề nghị bổ sung thêm biên chế cho lực lượng Quản lý thị trường và thường xuyên mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng làm công tác đấu tranh việc mua bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa.
- Đề nghị cấp kinh phí xây dựng văn phòng làm việc và nhà kho, mua sắm thêm phương tiện cho lực lượng Quản lý thị trường để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống việc mua bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa trên địa bàn tỉnh./.
 

Tác giả: Giao Thanh Tùng

Nguồn tin: Chi Cục Quản lý Thị Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây