Sở Công Thương Đắk Lắk nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2020

Thứ tư - 09/09/2020 22:24

Sở Công Thương Đắk Lắk nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2020

Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công, đáp ứng cao yêu cầu phục vụ tổ chức và công dân; Sở Công Thương Đắk Lắk đã xây dựng chương trình nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2020.
       Chương trình Nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công năm 2020  bao gồm 07 chỉ số nội dung là công tác chỉ đạo, điều hành; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.
       Đối với “Công tác chỉ đạo, điều hành” Sở Công Thương xác định đây chính là nội dung tiên quyết để cải thiện và nâng cao chỉ số, vì thế thường xuyên phổ biến, quán triệt đến công chức, viên chức của Sở các nhiệm vụ được triển khai tại Kế hoạch số 7477/KH-UBND của UBND tỉnh; các nội dung, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính của Sở Công Thương tại Kế hoạch số 1590/KH-SCT ngày 25/12/2019.Tham mưu các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); lồng ghép phổ biến cho công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công trong thực hiện nhiệm vụ tại các Hội nghị phổ biến pháp luật của Sở. Cử công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính, kỹ năng giao tiếp, năng lực thực thi công vụ...
       Sự tham gia của người dân thể hiện tính dân chủ, tính công khai, minh bạch của quá trình quản lý công, vì thế nó góp phần nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan hành chính nhà nước và làm cho các cơ quan hành chính duy trì và tạo ra nhiều giá trị công. Tất cả điều này sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân, để thực hiện tốt  nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” triển khai hướng dẫn thực hiện tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức ở lĩnh vực Công Thương theo đúng quy định của pháp luật; công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc được đăng tải trên website của Sở và niêm yết tại cơ quan. Thực hiện đúng quy định của pháp luật việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân ở lĩnh vực Công Thương.
       Tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị của người dân, thực hiện giải đáp, xử lý kịp thời đúng quy định kiến nghị của người dân hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý đối với những nội dung không thuộc và vượt thẩm quyền. Thực hiện đúng quy định việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án…lĩnh vực Công Thương. Tiếp thu, giải trình chi tiết và công khai nội dung để người dân được biết để tăng cường Công khai minh bạch.
       Nhằm tăng trách nhiệm giải trình với người dân, Sở thực hiện việc tiếp dân định kỳ để nắm bắt và có giải pháp xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc những vấn đề gây bức xúc cho người dân ở lĩnh vực quản lý. Nâng cao hiệu quả, trách nhiệm, ý thức của công chức, viên chức trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ quan
       Để kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định, văn bản về phòng, chống tham nhũng bằng các hình thức phù hợp để công chức, viên chức biết thực hiện và người dân giám sát thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan. Tăng cường công tác thanh kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra công vụ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng ủy trong việc thực hiện các chủ trương của cơ quan cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng.
       Với thủ tục hành chính công, thực hiện cập nhật, đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về thủ tục hành chính lĩnh vực Công Thương để người dân có thể tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện. Thực hiện cập nhật, rà soát, đánh giá những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở mà người dân có nhu cầu thực hiện thường xuyên, qua đó kiến nghị, tham mưu cắt giảm thành phần hồ sơ rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính công.Thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đúng quy định, không để xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn. Nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính theo đúng quy định.
       Để việc cung ứng dịch vụ công được thuận lợi cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và người dân; nâng cấp chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4 để người dân dễ thao tác, thực hiện trong quá trình thực hiện các giao dịch công. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường mạng và nhận kết quả giải quyết thông qua kênh dịch vụ bưu chính công ích. Đây là một trong những nội dung cần thiết để cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan nhà nước nói chung và giảm được nhiều chi phí, thời gian đi lại của người dân.
       Công tác nâng cao hiệu quả quản trị, hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Sở Công Thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài. Cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của ngành, góp phần thực hiện, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tác giả: Thanh Nhàn - TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây