Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và các sở, ngành trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Chủ trì hội nghị.
Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2017-2018 diễn ra nhằm đánh giá hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh niên vụ 2017-2018 và bàn phương hướng, giải pháp thực hiện cho niên vụ cà phê 2018-2019.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong niên vụ 2017-2018, diện tích cà phê là 204.808 ha, tăng 1.071 ha so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích cho sản phẩm 187.279 ha; năng suất bình quân đạt 24,55 tạ/ha; tổng sản lượng ước đạt 459.785 tấn, tăng 11.975 tấn so với niên vụ 2016-2017. Toàn tỉnh có 12 công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích 15.612,70 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm. Tính đến hết niên vụ 2017-2018, các địa phương thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71,09% kế hoạch.
Quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh sẽ quan tâm đến việc phát triển sản phẩm cà phê đặc sản của Đắk Lắk
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá niên vụ 2017-2018 do sự tác động của biến đổi khí hậu, quá trình tái canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một năm khó khăn cho xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk, với giá xuất khẩu liên tục giảm kể từ đầu vụ dẫn đến số lượng và kim ngạch đều giảm so với niên vụ 2016-2017. Công tác tái canh diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn về vốn đối với cả nông dân và một số doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực và cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, trong niên vụ 2017-2018, Đắk Lắk đã phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Trong niên vụ sắp tới, các địa phương chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trên địa bàn; khuyến khích các nông hộ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và trồng xen; phát triển nhiều hơn nữa các vùng trồng cà phê đặc sản; tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu; cần thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước; đẩy mạnh bảo hộ cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên các thị trường nước ngoài, đồng thời tận dụng các nguồn nhân lực, tài chính, chính sách của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp để đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tác giả: H'Yer Mlo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn