Vì vậy cần phải thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Một là: Gìn giữ và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, là thương hiệu lớn, là tài sản Quốc gia, không thể đổi bằng thương hiệu khác vì đây là tên địa phương tồn tại đã hàng trăm năm, liên quan đến các yếu tố như chỉ dẫn địa lý, khí hậu.
Hai là: Tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai. Chương trình hướng tới mục đích:
- Xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao.
- Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô;
- Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam;
- Xây dựng môi trường phát triển thương hiệu thuận lợi thông qua việc phối hợp các chương trình và hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các Bộ/ngành và tổ chức hữu quan đang thực hiện nhằm tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực xây dựng thương hiệu sản phẩm song hành cùng phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan và các tổ chức cũng cần tạo điều kiện giúp đỡ cung cấp thông tin kịp thời để tăng cường sự hiểu biết pháp luật nhất là Luật Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khi muốn làm việc với nước ngoài.
Ba là: Triển khai phổ biến tới các nhà sản xuất có sản phẩm từ cà phê và các nhà kinh doanh thương mại, để nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu ra nước ngoài. Tranh thủ sự hỗ trợ phía cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ của Trung ương, để được hướng dẫn, giúp đỡ và trợ giúp về mặt thủ tục để bảo vệ tài sản trí tuệ. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ ĐăkLăk về công tác quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột và hoạt động của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột thì hiện tại Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đã được bảo hộ ở 12 quốc gia vùng lãnh thổ.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cà phê xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm (hàng hóa,dịch vụ) và phát triển mạng lưới bán hàng, quản lý thương hiệu một cách chặt chẽ, đảm bảo uy tín và hình ảnh của thương hiệu cà phê không ngừng được nâng cao.
Bốn là: Các nhà sản xuất cà phê cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài. Trách nhiệm đăng ký thương hiệu trước tiên phải do các doanh nghiệp tự thực hiện. Các nhà sản xuất cà phê cần quan tâm hơn trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, đây là việc không ai làm thay được. Tuy nhiên với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu dùng chung của nhiều doanh nghiệp và hàng ngàn hộ nông dân cùng sử dụng. Vì vậy, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột với tư cách là đại diện chung cho các doanh nghiệp và người sản xuất cà phê nước ta, nên đứng ra liên kết các doanh nghiệp để phát triển thương hiệu đồng thời đòi lại thương hiệu trong trường hợp bị chiếm đoạt.
Chúng ta biết rằng khách hàng chọn cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng không phải nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp nào cũng như nhau. Mà sẽ chọn nhãn hiệu khẳng định về hình ảnh và danh tiếng của sản phẩm hàng hóa, uy tín của doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng hoặc người tiêu dùng.
Năm là: Tập trung tuyên tuyền, hướng dẫn sử dụng thương hiệu chung cà phê Buôn Ma Thuột, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức kinh tế quản lý tốt chỉ dẫn địa lý, tập hợp thành các tổ chức tập thể hợp tác xã, câu lạc bộ … nhằm đảm bảo chức năng kiểm tra nguồn gốc, giám sát quá trình sản xuất, chế biến và kiểm tra việc bảo hộ thương hiệu. Có như thế mới giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng tính độc lập cho tổ chức hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột. Từ đó có thể giúp cà phê Buôn Ma Thuột khẳng định thương hiệu cà phê của mình với bạn bè thế giới. Tăng cường thông tin Chương trình thương hiệu quốc gia và các sản phẩm cà phê đạt thương hiệu quốc gia, giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo cho nhãn hiệu trở thành vai trò quan trọng trong các chiến lược định vị thương hiệu và Marketing của doanh nghiệp.
Sáu là: Đẩy mạnh hoạt đông phổ biến các quy định về sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại giúp các thành phần kinh tế mở rộng nhà xưởng sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tham gia hội chợ, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê. Thông qua công tác xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước; bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp.... giúp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê chân chính bảo vệ thương hiệu của mình.
Bảy là: Trong thời gian tới ngành Công Thương tiếp tục bám sát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, sự chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh phối hợp cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về việc xây dựng nhãn hàng hóa, tạo dựng và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại cũng như hội chợ chuyên ngành, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia.
Cuối cùng là: Nhà nước không làm thay doanh nghiệp nhưng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ cụ thể mà một ví dụ cụ thể là “Chương trình Thương hiệu Quốc gia” mà Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đang triển khai.Tuy nhiên, nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định để thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp mình được công nhận trên trường quốc tế.