Châu Âu (EU) cấm hàng hóa, nông sản có xuất xứ từ phá rừng

Thứ ba - 01/08/2023 23:37
Ngày 16 tháng 5 năm 2023, Nghị viện Châu Âu thông qua quy định chống phá rừng (EUDR). Lộ trình của  quy định này là từ tháng 11 năm 2021, Ủy ban Châu Âu đề xuất; tháng 6 năm 2022, cách tiếp cân chung của Hội đồng Châu Âu; tháng 9 năm 2022, Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu; tháng 11 năm 2022, thỏa thuận chính trị sơ bộ giữa Nghị viện và Hội đồng Châu âu; tháng 5 năm 2023, thông qua; 12 năm 2024 có hiệu lực; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lùi thời hạn đến tháng 6 năm 2025.
 
Cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định EUDR
Cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định EUDR
 Liên minh Châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm khoảng 40% sản lượng cà phê xuất khẩu hàng năm. Theo Quy định này, EU cấm nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam nếu được sản xuất trên đất phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Tất cả 100% các sản phẩn nông nghiệp vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám. EU yêu cầu các doanh nghiệp cần xác định chính xác lô đất nơi các sản phẩm nông sản được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020;  tiến hành phân loại các quốc gia theo ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro cao dựa trên đánh giá khách quan và minh bạch; yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ, vị trí của trang trại, vườn sản xuất cà phê ở các nước, đề xuất yêu cầu dán nhãn các quốc gia trồng cà phê có mức độ rủi ro thấp hoặc mức độ rủi ro cao; cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt hơn so với các vùng rủi ro thấp, cụ thể, tỉ lệ kiểm tra lần lượt được tính như sau: 9% với rủi ro cao, 3% với rủi ro tiêu chuẩn và 1% với rủi ro thấp. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩn hàng hóa nông sản một các tất yếu khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Việt Nam ta chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên có từ năm 2014. Ngày 22 tháng 7 năm 2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2017 Việt Nam cơ bản chấm dứt hoàn toàn cho phép khai thác chính và tận thu gỗ rừng tự nhiên.
Đối với ngành cao su, mặt hàng gỗ và sản phẩn gỗ bị điều tiết với quy định EUDR, tuy nhiên Việt Nam không còn chuyển đất rừng tự nhiên cho nên sản phẩm xuất khẩu sang EU trong trường hợp phá rừng không gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp gỗ và cao su.
3
Vườn cà phê ở Đắk Lắk
Ngành cà phê Việt Nam với diện tích khoảng 700.000 ha, sản lượng trên 1,8 triệu tấn. Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là khu vực sản xuất nông nghiệp có tầm chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam. Là thủ phủ cà phê Việt nam, Đắk Lắk có trên 210.000 ha cà phê với sản lượng hàng năm xấp xỉ 550.000 tấn
Thời gian qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá cà phê không có lợi cho người trồng cà phê, kèm theo đó ảnh hưởng của đại dịch COVID 19 cho nên diện tích trồng mới sau năm 2020 là rất ít; Đắk Lắk duy trì diện tích cà phê từ năm 2019 đến nay là xấp xỉ 210.000 ha. Theo Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và những nhà nhập khẩu cà phê lớn của Châu Âu đánh giá Việt Nam phá rừng sản xuất cà phê là rất thấp, tỷ lệ phá rừng để sản xuất cà phê của Việt Nam chưa đến 0,1%; do vậy sản phẩm nông sản cà phê của Việt Nam có cơ hội không vi phạm quy định của Châu Âu là rất lớn.
Tuy nhiên hiện nay Việt nam chưa có bản đồ phân các vùng trồng rủi ro cao, rủi ro thấp về trồng cà phê, chi phí xây dựng bản đồ định vị vườn cà phê để truy xuất nguồn gốc là rất lớn; vùng trồng cà phê manh mún nhỏ lẻ vì vậy thông tin định vị GPRS đòi hỏi tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức. Hiện Việt Nam có trên 1 triệu hộ nông dân trồng cà phê, trong đó có hơn 70% hộ nông dân có diện tích dưới 0,5 ha, do vậy việc truy xuất nguồn gốc chứng minh trước năm 2020 về sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng là việc làm rất khó khăn.
Việt Nam phải tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, bản đồ về rừng và vùng trồng cà phê; thống nhất với EU để hỗ trợ khai báo sao cho được chấp nhận, phải có kế hoạch hành động thích ứng với đạo luật EUDR, có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, tuyên truyền phổ biến EUDR đến cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp và người trồng cà phê.
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, các tổ chức kinh tế, các tổ chức phi chính phủ , các cơ quan quản lý nhà nước cùng cùng cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc truy xuất nguồn gốc cà phê tại vườn.
2
Sản lượng cà phê Việt Nam hàng năm xấp xỉ 1,8 triệu tấn
Trong xu hướng hội nhập hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), các doanh nghiệp chúng ta cần phải đầu tư vào sản xuất để có sản phẩm ổn định về chất lượng, số lượng và giá cả nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu; đơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk trong những năm qua đã đầu tư tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm bón, thu hoạch bảo quản… cho hơn 40.000 hộ nông dân nhằm thiết lập vùng nguyên liệu chất lượng ổn định phục phục cho sản xuất và xuất khẩu; doanh nghiệp cũng đang rất quan tâm đến việc xây dựng bản đồ vùng rủi ro cao, rủi ro thấp; xây dựng cơ sở dữ liệu để xác định rõ vùng trồng cà phê không liên quan đến phá rừng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm cà phê, tạo dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng đáp ứng thị trường EU.
Sau Châu Âu, có thể còn có nhiều nước lớn khác trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…áp dung các quy định như trên theo hướng nghiêm ngặt hơn, do đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của ta, các địa phương, các cấp chính quyền… cần phải có chiến lược phát triển ngành hàng bền vững , minh bạch; quyết liệt hơn trong công tác điều hành sản xuất nông nghiệp để nông sản chúng ta khẳng định vị trí uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế.                                                                          

 
 

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây