Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc với Tổng cục QLTT về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thứ hai - 11/11/2019 22:37

Chiều ngày 11/11, tại trụ sở, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình tấn công vào những trung tâm đầu nậu, những điểm nóng, trọng điểm...

Đây là động thái tiếp theo được người đứng đầu ngành Công Thương quyết liệt triển khai nhằm thực hiện  lời hứa trước các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường những tháng cuối năm
Báo cáo với Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh, công tác chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm chính của lực lượng Quản lý thị trường.
Thời gian qua, tình hình gian lận thương mại phát triển theo chiều hướng rất tinh vi khi các đối tượng tìm cách hợp thức hóa các sai phạm từ xoay vòng hóa đơn, cắt mác… Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng diễn biến phức tạp mà nổi cộm nhất vẫn là các nhóm mặt hàng thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm; hoá mỹ phẩm; đồ gia dụng.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai nhiều chuyên đề liên quan đến các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, đồng hồ, quần áo, sách lậu… tại một số thành phố lớn như TP HCM, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Đà Năng, Hà Nội, Quảng Ninh…
 

h2 2


Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuy nhiên những kết quả đó còn nhỏ so với yêu cầu của thị trường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ khó khăn nội tại của công tác chống hàng giả. Công tác này đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Lực lượng quản lý thị trường chưa xây dựng được hệ thống cơ sở báo tin dày dặn và chuyên nghiệp. Đặc biệt, do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp trong nước.
“Nhiều DN rất chủ động phối hợp với lực lượng QLTT đặc biệt là DN nước ngoài, khi phát hiện hàng hóa bị làm giả thì sẽ ngay lập tức báo lại cho các cơ quan chức năng nhờ vào cuộc kiểm tra xử lý. Trong khi đó, DN trong nước lại có tâm lý e ngại đề cập đến vấn đề này” ,Tổng Cục trưởng dẫn chứng.
Xác định được nhu cầu của thị trường thường tăng cao vào dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là các mặt phục vụ Tết. Cùng với đó, trên các tuyến quốc lộ và tuyến biên giới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng chốt chặt, kiên quyết chặn đứng hành vi gian lận thương mại liên quan đến thương mại, hàng giả, hàng nhái, ….
Sẵn sàng giải tán Các Đội không nắm vững địa bàn cơ sở
Biểu dương những kết quả lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được sau 1 năm thành lập dù bộ máy tổ chức chưa được kiện toàn, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục cần phát huy tích cực tinh thần đó. Tổng cục cần cụ thể hoá việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Các yêu cầu phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu và đánh giá cụ thể.
Đối với các vụ việc điển hình đã được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm như thu giữ  hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại hai Trung tâm mua sắm ở Quảng Ninh; Bắt giữ tại xưởng sản xuất các mặt hàng giả thương hiệu The North Face tại Hưng Yên; Truy quét các sản phẩm giả nhã mác các thương hiệu nổi tiếng tại chợ Ninh Hiệp, Hà Nội hay đột kích các tụ điểm kinh doanh hàng giả tại Chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Saigon Square ở TP.HCM… Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần nghiên cứu sâu, phân tích và rút ra những định hướng và biện pháp, giải pháp để làm tốt trong các vụ việc tiếp theo.
“Chính các đồng chí làm mới có thể thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng” Bộ trưởng nói.
Cùng với đó,  Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần đổi mới cách thức, phương thức quản lý thị trường, tập trung đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, chọn những khâu cơ bản trong hệ thống để đánh thẳng. Để làm được điều đó theo Bộ trưởng cần có kế hoạch tổng thể làm việc với từng đơn vị chức năng trong Ban 389, chia sẻ dữ liệu thông tin với các đơn vị như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế…
Đối với công chức tại cơ sở, nếu không nắm được địa bàn thì sẵn sàng giải tán các đội tại cơ sở, lập thành các đội cơ động, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục để thực hiện các nhiệm vụ được giao. “Chúng ta phải tổ chức các đoàn làm việc tại địa phương; Xây dựng các đề án trực tiếp gắn với các địa bàn cụ thể”, Bộ trưởng yêu cầu.
 

h1 3


Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cũng cần rà soát, đánh giá lại hoạt động công vụ, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức cho các công chức thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, cần nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm, tổ chức bộ máy, đặc thù trong lực lượng quản lý thị trường để tìm ra các sở trường, sở đoản. Đưa ra những phương thức mới trong hoạt động quản lý thị trường để đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả. "Vấn nạn hàng nhái hàng giả đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta không thể chậm trễ, cần mạnh mẽ và quyết liệt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nguồn tin: Nguồn "Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương"

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây