Tiềm năng thị trường Nhật Bản và những nội dung doanh nghiệp cần quan tâm

Chủ nhật - 03/10/2021 23:38
Mặt hàng nông thủy sản có xuất xứ Việt Nam đang được ưa chuộng tại Nhật Bản, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đang tăng mạnh qua từng năm (với khoảng gần 500.000 người trong năm 2021). Cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng của người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài, hàng Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để tiếp tục thâm nhập và nâng cao thị phần tại thị trường Nhật Bản.
Những năm gần đây, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản có mức tăng trưởng nhanh và ổn định với kim ngạch tăng từ 10-30%/năm. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, sản sang thị trường này đạt trên 1,9 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại…, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn được biết đến là thị trường khó tính và khắt khe, không dễ gì thâm nhập, nhất là với các mặt hàng nông sản. Thực tế, xuất khẩu nông sản vào Nhật khó vì giá hàng hóa nông sản ở Nhật rất đắt, cao hơn gấp nhiều lần so với hàng cùng loại nhập khẩu từ một số nước khác nên chính phủ Nhật dựng rào cản lớn để bảo hộ sản xuất nội địa. Nông sản Việt Nam, cụ thể là trái cây nhiệt đới, rất khó chen chân vào Nhật vì không thể vượt qua các vòng “sát hạch” gắt gao. Nhất là trong bối cảnh nông dân Việt Nam vẫn giữ thói quen làm ăn cá thể, không có diện tích lớn để sản xuất đại trà theo tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất, chưa có thói quen tuân thủ phương pháp sản xuất khoa học; kèm theo đó đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 tới nay đã  ảnh hưởng lớn tới các hoạt động lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất và tiêu dùng chung của toàn xã hội. Trong tình hình khắt khe của thị trường Nhật Bản và diễn biến phức tạp khôn lường của đại dịch COVID 19, doanh nghiệp chúng ta cần phải quan tâm đến những yêu cầu của thị trường nông thủy sản đầy tiềm năng này.
z2812936422688 93787c1c77e0c57562e28b3d873de916
Đắk Lắk tham dự Hội nghị giao thương Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại Wakayama
Doanh nghiệp chúng ta phải nắm bắt, nâng cao hiểu biết về văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản và văn hóa tiêu dùng của người Nhật Bản; người Nhật Bản đề cao các mối quan hệ lâu dài thông qua sự xây đắp, tin tưởng lẫn nhau, họ đánh giá cao lòng trung thành, danh dự và sự cam kết bằng lời nói. Các doanh nghiệp cần thể hiện mình là đối tác tin cậy, có hướng làm ăn lâu dài. Người Nhật Bản quen có trách nhiệm với lời nói và thường dựa vào lời cam kết hơn là một bản hợp đồng bằng văn bản

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông thủy sản Việt Nam cần có công bố sản phẩm ghi chi tiết về thành phần sản phẩm gồm các nguyên liệu. chất phụ gia sử dụng. Và quy trình sản xuất rõ ràng về tiêu chuẩn từ khâu tuyển chọn nguyên liệu tới khâu đóng gói sản phẩm. Để phục vụ cho việc trao đổi, đối chiếu với tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Nhật Bản. Tránh tình trạng khi làm thủ tục kiểm nghiệm để thông quan theo thủ tục nhập khẩu tại đầu Nhật Bản, thì mới phát hiện ra các chất, thành phần không được cho phép theo quy định của Nhật Bản hoặc sai lệch trong công bố quy trình sản xuất gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng tới uy tín của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu.
z2812944130778 5b145235df7798b5a60d5d712e57bba0
Đắk Lắk làm việc với tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO)
Các yêu cầu và tiêu chuẩn chung được thiết lập bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) và áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu. Thực phẩm nhập khẩu không đáp ứng được các yêu cầu này sẽ không được phép nhập khẩu. Những quy định, yêu cầu của MHLW đối với thực phẩm nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn thành phần và quy trình sản xuất. Trước khi vận chuyển một sản phẩm mới hoặc chưa được biết đến tại Nhật Bản, MHLW khuyến cáo các nhà nhập khẩu Nhật Bản nên cung cấp một mẫu nhỏ của các sản phẩm được nhập khẩu cho Cơ quan Hải quan Nhật Bản và cơ quan thanh tra cảng của MHLW với một giấy chứng nhận sản phẩm tuân thủ các quy định về thực phẩm có liên quan đến sản phẩm. Những mẫu sản phẩm này phải được kiểm tra để đảm bảo rằng không tồn tại bất cứ vấn đề gì trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Các sản phẩm không nên vận chuyển đến Nhật Bản cho đến khi hoàn toàn được chấp nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền.
z2812954642612 84e2898b2c0cc9e6957a5dfd8253f0ed
Đoàn Đắk Lắk làm việc với các nhà đầu tư tại Tokyo - Nhật Bản 
Khi sản phẩm được nhập khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản phải duy trì chất lượng sản phẩm, giá bán và nâng cấp quy trình xuất khẩu hàng hóa theo cách chuyên nghiệp; trao đổi để lắng nghe thị trường về phản hồi sản phẩm trên diện rộng gồm các ý kiến về chất lượng sản phẩm, trọng lượng, bao bì hay hướng dẫn cách sử dụng, tìm ra các công thức, cách hướng dẫn sử dụng sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nhu cầu khách hàng theo từng thời điểm và khu vực. Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại, hình thức sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu riêng biệt của nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới mức tiêu dùng và tiêu thụ, đây cũng chính là thời điểm để từng doanh nghiệp xem lại mình để tập trung vào những sản phẩm và giá trị cốt lõi, có thể duy trì và phát triển qua mùa dịch; thị trường mùa dịch như thế này thì việc chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào, thay đổi cách thức sản xuất để đảm bảo hoặc giảm thiểu tình trạng thiếu hàng, chậm giao hàng; chủ động tìm kiếm các đối tác, đơn vị nhập khẩu không chỉ với đầu Nhật Bản mà ngay cả các thị trường khác nên được đầu tư chuyển hướng sang phương thức giao lưu trực tuyến. Tuy không gặp gỡ và xem trực tiếp sản phẩm nhưng nếu hình ảnh sản phẩm được chụp rõ ràng, có quay video thực tế về quy trình tuyển chọn, sản xuất hay hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm… thì cũng giúp các doanh nghiệp nhập khẩu hay các đối tác dễ dàng tiếp cận sản phẩm một cách rõ ràng, tiết kiệm thời gian và tạo được hiệu quả hợp tác giữa các bên.
z2812961829528 5dd9bbed5901684778ff6fffe456fe45
Đắk Lắk tham dự hội nghị giao thương, hợp tác thương mại - đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tại Tokyo
Ngoài ra để quảng bá sản phẩm với đối với các công ty Nhật Bản cần chuẩn bị kỹ càng hồ sơ sản phẩm, thông tin về công ty nhất là cần xây dựng Website với nội dung, thông tin rõ ràng; tham gia các Hội nghị kết nối giao thương và các hội chợ triển lãm… qua Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương hoặc các tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại khác, đồng thời  gửi thông tin, mẫu sản phẩm thông qua Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để được giới thiệu và kết nối với nhà nhập khẩu.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây