Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 21/10/2021 22:20
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó theo đánh giá của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương tiềm năng kỹ thuật điện năng lượng mặt trời có thể đạt quy mô công suất 120.564MW và tiềm năng kỹ thuật điện gió với quy mô công suất 26.921MW.
Từ tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo và cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/7/2020 về việc phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Phấn đấu đưa vào vận hành phát điện thương mại nguồn năng lượng tái tạo đạt quy mô công suất 2.000-3.000 MW cho giai đoạn 2020-2025; công suất 3.000-4.000 MW cho giai đoạn 2026-2030.
Những thành tựu nổi bật Trên cơ sở đó, Cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã tổng kết thực tiễn và đề xuất các giải pháp tạo sự đột phá về phát triển kiển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đặc biệt chú trọng phát triển điện gió, điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng để tạo động lực kéo theo các ngành khác phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định cuộc sống người dân, từng bước thực hiện tốt chủ trương đưa dân ra vùng biên giới, góp phần bảo vệ an ninh khu vực, chủ quyền quốc gia và đã đạt được những kết quả như sau:
Đối với dự án điện gió: Toàn tỉnh có 01 dự án điện gió công suất 28,8MW đã đưa vào vận hành phát điện thương mại; 09 dự án điện gió với tổng công suất 742MW đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, trong đó có 03 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 85MW và các dự án điện gió đang triển khai xây dựng như: Nhà máy Điện gió Ea Nam với công suất 400MW đã hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình chính: trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối dự án; đang khẩn trương triển khai lắp đặt tuabin gió và nghiệm thu để kịp tiến độ phát điện thương mại trước 01/11/2021 và Cụm dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1, Krông Búk 2, Cư Né 1 và Cư Né 2 với tổngcông suất 200MW, UBND tỉnh đã thỏa thuận hướng tuyến đường dây 220kV đấu nối và vị trí trạm biến áp 220kV. Ngoài ra, còn 42 dự án với tổng công suất 9.250,3 MW đang trình bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đối với dự án điện mặt trời: Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án với công suất 960 MWpvà 5.367 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 648,9 MWp đã đưa vào vận hành phát điện thương mại, góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, đến nay có 03 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 480 MWp và 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.768 MWp được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Tính đến tháng 10 năm 2021, với sự phát triển nhanh, quy mô lớn của các dự án năng lượng tái tạo, tổng sản lượng điện sản xuất 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 4.681 Triệu kWh, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 80,7% kế hoạch đề ra; trong đó riêng sản lượng điện của các dự án năng lượng tái tạo chiếm khoảng 45% tổng sản lượng. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp của tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng khá với chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2021 (IIP) tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến cuối năm 2021, dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam với công suất 400MW đi vào hoạt động và phát điện thương mại, tổng sản lượng điện sản xuất toàn tỉnh năm 2021 có thể đạt 5.800 triệu kWh.
Định hướng tầm nhìn giai đoạn 2030 Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 15/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Sở Công Thương nhận thấy cần phải thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp chính sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến kiến thức đến mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng NLTT trong quá trình phát triển bền vững để từ đó có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển NLTT trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện, trong đó tính toán nhu cầu truyền tải tối đa các nguồn NLTT một cách khoa học dựa trên các căn cứ pháp lý. Từ đó, đề xuất kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng truyền tải đảm bảo yêu cầu hấp thụ các nguồn NLTT của tỉnh theo lộ trình đầu tư phát triển. Điều tra, khảo sát các khu vực tiềm năng để đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét quy hoạch nguồn NLTT làm cơ sở để thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Phát triển NLTT trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thu hút, khuyến khích nhà đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ để phục vụ phát triển nguồn NLTT trên địa bàn tỉnh, nhất là việc đầu tư các nhà máy sản xuất các thiết bị phục vụ các dự án NLTT ngay tại địa phương. Quan tâm các chính sách về đất đai, thuế, tín dụng ưu đãi,… để phát triển các dự án NLTT.
Theo dõi, đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải trong quy hoạch điện lực để giải tỏa công suất cho các dự án NLTT trên địa bàn tỉnh. Xác định danh mục hạ tầng truyền tảicó thể dùng chung, đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, EVN xem xét có cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư NLTT cùng tham gia xây dựng hạ tầng truyền tải.
Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật về đầu tư, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển NLTT. Công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư NLTT để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển NLTT.