Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 26/09/2021 20:47
Nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP cho các địa phương nói chung và khu vực Tây nguyên nói riêng, ngày 25/9/2021 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía nam trong điều kiện dịch Covid 19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi tắt là tổ công tác 970) do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam làm tổ trưởng đã tổ chức trực tuyến Diễn đàn “kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP Khu vực Tây nguyên năm 2021
Diễn đàn nông sản 970 Phiên thứ 4" tại trên 35 điểm cầu với hơn 450 đại biểu tham dự để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương trực tuyến với các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước, hạn chế thấp nhất tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại diễn đàn, tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá sản xuất nông nghiệp của địa phương luôn gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, hiện nay thế mạnh của tỉnh là sản xuất nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh với sản lượng hàng năm như: Cà phê hơn 550.000 tấn, hạt điều hơn 28.000 tấn, hồ tiêu 76.000 tấn, cao su 34.000 tấn, sầu riêng 103.000 tấn, quả bơ 82.000 tấn, các sản phẩm OCOP cùng nhều loại trái cây, rau củ quả có sản lương lớn và tương đối ổn định về chất lượng cũng như số lượng.
Đắk Lắk có trên 45 mô hình sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, Flo, GlobalGAP, UTZ, Hữu cơ, Rainforst... với tổng diện tích hơn 50.000 ha cho các loại cây trồng bưởi, thanh long, quýt, dưa lưới, sầu riêng, bơ, vải, xoài, ổi, lúa, tiêu và các loại rau củ quả. Đến nay trên toàn tỉnh đã được cấp 77 mã số vùng trồng trong đó: 9 mã vải 110,7 ha, 5 mã xoài 110ha, 3 mã chuối 350 ha, 1 mã thanh long 50 ha, 2 mã bưởi 15 ha và 57 mã sầu riêng 964 ha. Đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 19 mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình cung cầu cả nước nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Nhằm tăng cường các biện pháp chống dịch, đồng thời đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất của người dân trước tình hình diễn biến phức tạp, tỉnh Đăk Lắk đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh... trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hoá để ứng phó dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng hoặc tăng giá đột biến.
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến khó lường, việc lưu thông vận chuyển hàng hoá gặp nhiều khó khăn, giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao làm tăng giá thành sản xuất trong khi đó giá bán nông sản giảm nhiều so với các năm trước đây; mặt khác thị trường Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tại các cửa khẩu làm ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người nông dân. Thông qua diễn đàn này, tỉnh Đắk Lắk đề nghị các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành địa phương, các tập đoàn phân phối trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử, các siêu thị , cửa hàng tiện ích, các nhà phân phối, các chợ đầu mối, chợ dân sinh...hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk.