Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 16/11/2021 02:04
Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và trên thế giới; cùng với việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, song phương được ký kết. Đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Là những Hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường. Các FTA được thực thi đã và đang tạo ra xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng với những cơ hội thuận lợi, các Hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả thị trường trong nước, thị trường gần 100 triệu dân của chúng ta được mở cửa, làn sóng hàng hóa các doanh nghiệp nước ngoài “tràn” vào thị trường bán lẻ Việt Nam là nằm trong lộ trình cam kết tự do hóa hội nhập và sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh trên thị trường trong nước sẽ ngày càng gay gắt. Kèm theo đó, 2 năm qua (2020-2021) đại dịch COVID19 diễn biến phức tạp khó lường, tăng nhanh, lan rộng đến nhiều nước trên thế giới; trong nước dịch COVID19 cũng tác đông lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các hoạt động sản xuất chế biến, lưu thông tiêu thụ, kinh doanh xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Trên thế giới nhiều nước, vùng thực hiện phong tỏa, đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thiếu nguồn hàng nguyên liệu, thiếu container rỗng; vận tải đường hàng không, đường biển bị thu hẹp làm ứ đọng hàng hóa cục bộ, bên cạnh đó do thiếu hụt nguồn lao động, nguồn dịch vụ nên tác động lớn đến thị trường xuất khẩu.
Trong bối cảnh như trên thì phát triển thị trường trong nước là một giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp Việt tự khẳng định mình, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều lợi thế khi người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến yếu tố giá cả, chất lượng còn chú trọng đến nguồn gốc quốc gia, lòng tự tôn dân tộc, tự hào về sản phẩm nội và hưởng ứng tốt, có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn thì việc ưu tiên dùng hàng Việt là hành động "ích nước, lợi nhà", thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nước của mỗi người dân.
Phát triển thị trường trong nước là cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu của thị trường; phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh của thị trường trong nước, phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết tham gia thị trường; các doanh nghiệp phân phối có quy mô lớn, có hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước. Phát triển thị trường trong nước gắn với nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại trong nước trong thời kỳ mới.
Để hàng Việt tự khẳng định, chinh phục người tiêu dùng và là niềm tự hào của người Việt, Doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng Việt, giữ vững thương hiệu hàng Việt trên thị trường trong nước và quốc tế. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của hàng Việt đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường để có thể chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, trong nước rộng lớn, vượt qua thương hiệu hàng hóa nước ngoài. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng giữa thành thị và nông thôn là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của hàng Việt; đảm bảo sản xuất ra nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từng bước thay đổi tư duy sính hàng ngoại, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Xu hướng chung của cả nước, ngành Công Thương Đắk Lắk đã và đang triển khai hỗ trợ sản phẩm hàng hóa Đắk Lắk phát triển thị trường trong nước, trong đó có thị trường nông thôn và miền núi; hướng dẫn cho các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước từ các chương trình, dự án, đề án của Bộ Công Thương, cụ thể như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa thuộc chương trình XTTM Quốc gia. Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Chương trình khuyến công Quốc gia; Dự án đảm bảo an toàn thực phẩm; Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Đề án phát triển thương mại nông thôn….Các tổ chức khuyến công, xúc tiến thương mại thực hiện đồng bộ các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại tiêu thụ hàng Việt, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, thông tin thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực hàng hóa về bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Đắk Lắk, định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về, dịch vụ tiêu dùng và đưa ra lựa chọn hàng Việt hợp lý.
Doanh nghiệp phải đa dạng hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước, hoạt động có hiệu quả các hệ thống cung ứng phân phối, các hàng hóa chủ yếu trên thị trường, liên kết sản xuất – tiêu dùng trong nước nhằm chi phối các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các tập đoàn đa quốc gia. Trên nền tảng chuyển đổi số, thương mại điện tử và các hình thức thanh toán mới không dùng tiền mặt phải đảm bảo tính an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử. Hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng Việt Nam bền vững, đẩy mạnh liên kết, thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.
Hướng tới mục đích xây dựng hình ảnh về Đắk Lắk - Việt Nam là một địa phương, một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt, chú trong quan tâm đến “ Thương hiệu sản phẩm địa phương, xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu”. Việc mở rộng, phát triển thị trường trong nước ổn định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất tiếp tục phát triển. Tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần phải song hành thị trường nội địa; thị trường nội địa là thị trường tiềm năng, điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Không phát triển thị trường nội địa thì đến lúc gặp khó khăn trong xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không có chỗ đứng trên sân nhà, đặc biệt là trong xu hướng hội nhập hiện nay. Các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững”